Tối 5/6, BV Bệnh Nhiệt đới thông tin, các bác sĩ tại đây đã phẫu thuật, gắp ra 5 con giun thuộc loại hiếm gặp trên thế giới và chưa từng thấy ở Việt Nam sinh sôi trong ổ áp-xe của nam thanh niên Yên Bái.
BS. Trần Thượng Việt, Trưởng khoa Ngoại sản, BV Bệnh nhiệt đới cho biết các khối áp-xe xuất hiện cách hai đến ba ngày. Ban đầu xuất hiện ở chân, dần lan lên cánh tay, khi mở ổ áp-xe, soi dưới thiết bị thì thấy có ấu trùng.
Vì có quá nhiều giun nên bệnh nhân được cho uống thuốc để giun trưởng thành tự bộc lộ. Lần đầu tiên phẫu thuật, bác sĩ gắp ra một con giun dài khoảng 60cm. Ngày hôm sau, bác sĩ gắp được hai con giun dài khoảng 30 cm ở bắp tay bệnh nhân. Đến nay, đã gắp được 5 con giun trưởng thành.
Cũng theo BS Việt, mẫu giun được gửi tới Bộ Y tế và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để định danh vì chưa từng xuất hiện tại Việt Nam. Kết quả, đây là loại giun Dracunlus medinensis (giun Guinea). Đến thời điểm hiện tại, loại giun này chưa có thuốc điều trị đặc hiệu...
Được biết, trước Tết, nam thanh niên này thấy đau mỏi toàn thân. Ở tay và chân anh nổi những khối áp xe nhỏ, thi thoảng thấy vết giun ở dưới da. Anh được người nhà đưa đi khám ở nhiều cơ sở y tế nhưng không phát hiện bệnh, sau đó đã tới BV Bệnh nhiệt đới TƯ ngày 12/5.
Ban đầu, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân mắc giun hoặc sán thường gặp và điều trị tại khoa Virus – Ký sinh trùng. Tuy nhiên, loại giun này hiếm gặp, không có thuốc đặc trị, bác sĩ phải phẫu thuật gắp giun và vệ sinh vùng áp xe để điều trị triệt để. Bệnh nhân được chuyển đến cơ sở Đông Anh ngày 22/5 để phẫu thuật.
Theo BS. Việt, bệnh nhân sẽ được điều trị từ từ cho đến khi thải hết giun ra khỏi cơ thể. Bệnh nhân không được sử dụng các loại thuốc điều trị mạnh để giết chết giun, vì xác giun sẽ giải phóng độc tố trong cơ thể.
Theo các bác sĩ, loại giun Guinea nhiễm vào cơ thể do uống nước có chứa động vật, giáp xác nhỏ mang ấu trùng giun. Ấu trùng được thả ra sẽ xâm nhập vật chủ, vào dạ dày ruột và khoang bụng, phúc mạc để phát triển thành giun trưởng thành.
Sau khi giun trưởng thành và giao phối, giun đực chết, những con cái sẽ di chuyển trong các mô dưới da, gây ra một nốt sần trên da, thường ở các chi. Khi tổn thương tiếp xúc với nước, nốt sần vỡ và khiến ấu trùng bệnh thải ra ngoài môi trường, sau đó lây nhiễm vào cơ thể người khác.
"Người dân nên thực hiện ăn chín, uống sôi để phòng giun, sán. Bên cạnh đó, khi lao động hoặc làm việc phải tiếp xúc với đất, nước và các nguồn lây bệnh, người dân cần đeo găng tay, mặc đồ bảo hộ lao động đầy đủ. Nếu phải sử dụng nước uống ở nguồn không đảm bảo, người dân cần lọc trước khi sử dụng... để tránh nhiễm các loại ký sinh trùng như giun, sán", BS. Việt khuyến cáo.
Clip ghi lại cuộc phẫu thuật gặp loại giun chưa từng có ở Việt Nam từ cơ thể nam thanh niên ở Yên Bái.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận