Bà Lự bên con đường giao thông nông thôn mới được hoàn thành từ quỹ đất do bà và những người dân thôn Vinh Quang hiến tặng. |
Ban đầu, khi thôn phát động phong trào hiến đất làm đường, chỉ duy nhất bà Lự bỏ phiếu thuận, nên bà trở thành “cái gai” trong mắt mọi người. Nhưng với quan điểm “hiến đất làm đường là để bản thân và mọi người cùng đi lại thuận lợi, giúp ích cho tương lai con cháu”, sau một thời gian, bà Lự cùng chính quyền đã thuyết phục được mọi người cùng đồng lòng, chung sức hiến đất.
Một mình “lội ngược dòng”
Được sự giới thiệu của UBND xã, chúng tôi ghé thăm bà Phí Thị Lự (SN 1956), Tổ phó Tổ Liên gia tự quản số 4, thôn Vinh Quang, xã Liễn Sơn, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Nghe mục đích chuyến viếng thăm bất ngờ, bà Lự tần ngần, cân nhắc, bà bảo: “Bây giờ cả thôn đã hiến đất làm đường rồi, tôi cũng như mọi người thôi!”.
Phải thuyết phục một hồi lâu, bà mới dè dặt bắt đầu câu chuyện. Cuối năm 2012, xã Liễn Sơn phát động phong trào hiến đất làm đường, xây dựng nông thôn mới ở thôn Vinh Quang. Ngay buổi vận động đầu tiên, bà Lự đã giơ tay đồng ý và bà là người duy nhất đồng ý.
“Tôi thấy đó là chủ trương rất đúng. Khi nguồn ngân sách Nhà nước còn khó khăn, mỗi nhà bỏ ra một ít đất, đổi lại sẽ có con đường bê tông sạch sẽ, rộng rãi, vừa thuận lợi vừa an toàn. Đất rộng mà đi lại ngập lụt, khó khăn, thì cũng chẳng sung sướng gì, rồi cả đời con, cháu sẽ chẳng bao giờ thoát khỏi cảnh đường làng ngập ngụa, lầy lội. Thế nhưng, ý kiến của tôi khác với số đông, nên nhiều người phản đối cả trong cuộc họp cũng như đến tận nhà. Họ cho rằng tôi... hư danh, dở hơi, phá ngang nhu cầu “đổi đất lấy tiền” của mọi người. Việc xây dựng con đường bê tông trong kế hoạch, vì thế cũng bị ngưng trệ một thời gian”, bà Lự tâm sự.
Đến năm 2013, nhận thấy nếu không vận động nhân dân hiến đất làm đường, thì giao thông thôn cũng như tình hình phát triển KT-XH thôn khó có thể phát triển, thôn Vinh Quang lại tổ chức họp dân. Nơi được chọn tổ chức họp chính là nhà bà Lự. “Lúc đầu, nhiều người vẫn giữ nguyên ý kiến cũ. Mọi người đề nghị tôi đứng dậy phát biểu, tôi đã nói hết những suy nghĩ trong lòng để mọi người hiểu tôi không phải vì thích được khen hay thích chơi trội. Tiền thì chẳng có ai chê đâu, nhưng cầm tiền tiêu rồi cũng hết sau đó lại lội bùn mà đi. Cùng hiến đất để xây dựng con đường mới chính là mình giữ “của để dành” cho con, cháu mai sau”, bà Lự kể.
“Ngày xưa, bao nhiêu năm tôi vật lộn làm thuê, cuốc mướn cũng chỉ vì kiếm được tiền về nuôi con, tôi còn quý nó hơn mạng sống của mình ấy chứ. Nhưng cầm một đống tiền mà vẫn sống trong ốc đảo, con, cháu mình vẫn cách biệt với thế giới văn minh thì có nên không?”, bà Lự đặt câu hỏi.
Làm đường là... “của để dành” cho con
Giấy khen của bà Lự do UBND huyện Lập Thạch khen tặng. |
Sự chân thành và những phân tích sâu sắc của bà Lự không chỉ giúp mọi người cởi bỏ được hiềm khích với bà, mà còn khiến cho tất cả mọi người đồng thuận chung tay xây dựng con đường mới. Khi tất cả cùng nhìn về một hướng, con đường bê tông sạch sẽ, kiên cố rộng 5m, dài 500m nhanh chóng được hoàn thành, thay thế cho con đường cũ lầy lội trước đây. Bản thân bà Lự tình nguyện hiến 124m2 đất của gia đình mình để xây dựng con đường đó.
Dẫn tôi ra xem con đường bê tông mới mà mọi người thôn Vinh Quang cùng chung lòng, chung sức xây nên, bà Lự tự hào nói: “Trước kia, con đường này chẳng khác gì đường ruộng, vừa bé, vừa trũng, vừa gập ghềnh. Mỗi trận mưa xuống là lầy lội không thể nào đi được. Không biết bao nhiêu lần đường lầy xe không qua được, nửa đêm chúng tôi vẫn phải lọ mọ mang cuốc, xẻng ra đào đất, xúc đá để đắp cho đầy mặt đường mới đi được. Giờ thì quá tốt rồi, có mưa gió thế nào đi nữa, ô tô tải vẫn chạy bon bon”.
Năm 2014, bà Lự vinh dự được Chủ tịch UBND huyện Lập Thạch tặng giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong phong trào xây dựng nông thôn mới. |
Ông Hà Thế Luân, Chủ tịch UBND xã Liễn Sơn cho biết, bà Lự là một trong những tấm gương đi đầu trong phong trào hiến đất làm đường giao thông nông thôn ở địa phương.
Ngoài bà Lự, xã Liễn Sơn còn hàng trăm tấm lòng đã và đang sẵn sàng có những nghĩa cử cao đẹp giống như bà Lự.
Tuy nhiên, ông Luân cho hay, mặc dù phong trào hiến đất làm đường ở địa phương rất sôi nổi, nhưng thực tại việc đi lại của bà con vẫn còn gặp nhiều khó khăn vì đường đất chưa được bê tông hóa vẫn còn nhiều. Lí giải cho hiện trạng trên, ông Luân cho biết, nguồn kinh phí địa phương dành cho công tác bê tông hóa đường giao thông nông thôn đang rất hạn hẹp.
Thực tế này khiến nhiều nơi ở Liễn Sơn, bà con đã dành ra quỹ đất để làm đường nhưng do chưa có tiền đổ bê tông nên người dân vẫn phải chấp nhận đi lại trên những con đường đất lầy lội, khó đi. “Những năm qua, kinh phí của huyện rót về xã cũng rất nhiều song phần lớn dành cho xây dựng các công trình công vụ khác như: Trường học, trạm y tế, trụ sở làm việc của các cơ quan Nhà nước… Do trước đây khi Liễn Sơn và thị trấn Hoa Sơn tách ra, xã chúng tôi gần như “trắng” những công trình này, giờ bắt buộc phải xây mới lại hết”, ông Luân nói.
Xem thêm video:
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận