Chiều 3/4, tại hội nghị UBND tỉnh Bạc Liêu cung cấp thông tin báo chí quý I/2024, ông Mã Thanh Phương, Phó chủ tịch UBND huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) cho biết, vẫn chưa có phương án giải quyết vụ một hộ dân khiếu nại đòi bồi thường khoảng 167 tỷ đồng.
Nguyên nhân cá chết do đâu?
Yêu cầu bồi thường thiệt hại với số tiền nêu trên là do cá nuôi bị chết, được cho là ảnh hưởng bởi sự cố cánh quạt điện gió rơi trúng ao nuôi của hộ dân.
Theo phó chủ tịch UBND huyện Hòa Bình, ngay sau khi tiếp nhận thông tin cá nuôi của người dân bị chết do sự cố Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5, lãnh đạo UBND huyện đã cử cán bộ đến tìm hiểu.
Qua làm việc, ông Nguyễn Văn Kiên (ngụ ấp Vĩnh Mới, xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu) khai báo có 15 ao, sau sự cố các ao cá đều bỏ ăn và có việc cá chết, mật độ cá con chết nhiều hơn cá lớn.
"Đến ngày 19/3, ông Kiên có làm bảng kê khai và đề nghị Công ty CP Năng lượng Hacom Bạc Liêu (chủ đầu tư nhà máy - PV) bồi thường, hỗ trợ khoảng 167 tỷ đồng.
Trên cơ sở gửi mẫu nước, mẫu cá đến Cơ quan Thú y vùng V xét nghiệm, kết quả cho thấy, một số ao bị nhiễm khuẩn, cá có triệu chứng sốt huyết đường ruột, nhiễm NH3 tương đối cao. Các yếu tố này ảnh hưởng lớn đến quá trình chăm sóc và nuôi cá…", ông Phương thông tin thêm.
Cũng theo ông Phương, khó khăn nhất hiện nay, khi cánh quạt rơi, việc chấn động ảnh hưởng làm cho cá chết cũng chưa có cơ sở nào để chứng minh. Đồng thời, trong quá trình làm việc, ông Kiên khai báo không trung thực.
"Tổng số tiền thiệt hại được ông Kiên tính toán, huyện không có ý kiến, vì đây là bản tự khai của ông Kiên", ông Phương nói.
Ông Phương khẳng định, thực tế cá nuôi của ông Kiên có chết, nhưng nguyên nhân cho đến nay vẫn chưa thể khẳng định hoàn toàn do sự cố gãy cánh quạt điện gió gây ra.
Hướng tới của huyện sẽ chỉ đạo tổ công tác tiếp tục phối hợp với các sở, ngành và đặc biệt là yêu cầu gia đình có khai báo trung thực, xem lại các yếu tố và đánh giá nguyên nhân, các phương án để hai bên có thỏa thuận, chia sẻ. Đến giờ này, chưa xác định rõ để đưa ra phương án hỗ trợ cho ông Kiên.
Ông Phương cho biết, về phía doanh nghiệp cũng mong muốn địa phương sớm xác định nguyên nhân để có cách khắc phục hợp lý.
Chưa thể công bố nguyên nhân cánh quạt điện gió rơi
Nới về nguyên nhân dẫn đến sự cố cánh quạt điện gió bị rơi, ông Mã Thanh Phương cho rằng: "Do có liên quan đến nhà cung cấp của nước ngoài, nên nguyên nhân chưa được công bố rộng rãi.
Hướng khắc phục các đầu cánh quạt rơi ảnh hưởng đến các ao nuôi của hộ dân, UBND huyện đã đề nghị Công ty CP Năng lượng Hacom Bạc Liêu phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương xử lý ổn định, để bà con tiếp tục sản xuất', ông Phương thông tin thêm.
Trước đó, ông Nguyễn Văn Kiên có đơn trình bày, ngày 1/3, trụ điện gió số 8 rơi tua-bin xuống ao cá nuôi nhà ông.
Sự cố đã làm phóng điện khiến cá chết, có đến 15 ao cá nuôi đều chết do sự cố này. Sau đó, đoàn công tác của huyện Hòa Bình đề nghị ông Kiên tự làm đơn kê khai số lượng ao, mức độ ảnh hưởng.
Từ hướng dẫn này, ông Kiên liệt kê thiệt hại chi tiết từng khoản đầu tư, như: Tiền thức ăn, tiền cá giống, tiền cá lớn, cá nhỏ… Tổng thiệt hại theo ông Kiên ước tính hơn 167 tỷ đồng và đề nghị công ty bồi thường số tiền trên cho ông.
Như Báo Giao thông đã đưa tin, khoảng 17h30 ngày 1/3, người dân sống gần khu vực trụ điện gió tại xã Vĩnh Thịnh bất ngờ khi cánh quạt (ba chia) của trụ tua-bin số 8 rơi xuống đất. Cánh quạt này của Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 - giai đoạn 1.
Tại hiện trường, ba cánh quạt dài hàng chục mét bị gãy thành nhiều đoạn. Hàng trăm người dân hiếu kỳ tập trung ở khu vực này.
Chiều cùng ngày, UBND huyện Hòa Bình đã chỉ đạo cơ quan công an làm rõ nguyên nhân, xác định thiệt hại. Rất may, sự cố trên không gây thiệt hại về người, nhưng thiệt hại tài sản ước tính ban đầu khoảng 200 tỷ đồng.
Nhà máy Điện gió Hòa Bình 5 (giai đoạn 1) có công suất 80MW với tổng số vốn đầu tư hơn 3.700 tỷ đồng, do Công ty CP Năng lượng Hacom Bạc Liêu làm chủ đầu tư.
Dự án xây dựng trên diện tích gần 30 ha với 26 trụ tua-bin, cao trên 140m, sản lượng khai thác bình quân là 280 triệu kWh/năm.
Đây là nhà máy điện gió có quy mô lớn nhất trên đất liền, nằm ven biển tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận