Xã hội

Ghi hình việc hỏi cung: Tốn kém mấy Quốc hội cũng đầu tư

07/04/2015, 20:39

“Xét xử đã công khai thì khi hỏi cung cũng phải ghi âm, ghi hình. Nói thiếu tiền mà không làm là không được”.

1
Thường vụ Quốc hội họp chiều 7/4 cho ý kiến về Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi)

Đó là quan điểm được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đưa ra trong phiên họp Thường vụ Quốc hội chiều 7/4 khi thảo luận về Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Rất nhiều vấn đề được đề xuất sửa đổi và bổ sung trong Dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự lần này, tuy nhiên, quy định về việc bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can vẫn gây tranh cãi.

Đọc báo cáo tờ trình trước Thường vụ Quốc hội, ông Nguyễn Hòa Bình – Viện trưởng VKSND Tối cao cho biết hiện có 2 ý kiến về vấn đề này.

Ý kiến thứ nhất đề nghị cần quy định bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can để chống bức cung, nhục hình, mớm cung, bảo đảm tính minh bạch, tăng khả năng kiểm soát đối với hoạt động tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, luồng ý kiến khác lại cho rằng nên giữ như quy định hiện hành, tức là bắt buộc phải lập biên bản khi tiến hành hỏi cung, trường hợp xét thấy cần thiết có thể ghi âm hoặc ghi hình hoạt động này.

Theo luồng ý kiến này, quy định bắt buộc ghi hình, ghi âm trong quá trình hỏi cung rất khó để thực hiện trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Hiện - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết đa số ý kiến thành viên Ủy ban Tư pháp cho rằng, dự thảo quy định “Bắt buộc phải ghi âm hoặc ghi hình hoạt động hỏi cung bị can” trong mọi trường hợp là không cần thiết, không khả thi.

Không đồng tình với quan điểm đó, ông Nguyễn Doãn Khánh - Phó trưởng ban Nội chính T.Ư khẳng định, việc ghi âm, ghi hình không những lưu chứng cứ mà còn là giám sát khách quan, vì thực tế tình trạng mớm cung, bức cung, nhục hình thường xảy ra ở giai đoạn này.

Về quy định này, Thứ trưởng Bộ Công an – Thượng tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh, việc ghi âm, ghi hình khi tiến hành hoạt động hỏi cung nếu thực hiện được sẽ là một bước tiến và thực tế việc ghi âm hoặc ghi hình đã được thực hiện đối với một số vụ án quan trọng. Tuy nhiên, để thực hiện được thì cần một nguồn kinh phí rất lớn.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng không đồng tình với quan điển đó và cho rằng, quy trình truy tố, xét xử công khai thì khi tiến hành hỏi cung cũng phải ghi âm hoặc ghi hình. Nếu nói thiếu tiền mà không làm là không được.

Kết luận buổi thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu khẳng định với tinh thần quyết tâm chống oan sai, bức cung, nhục hình, dù tốn kém đến mấy, Quốc hội cũng sẽ đầu tư.

img

Ủy ban Pháp luật Quốc hội làm việc với Cục Hàng hải VN

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.