Giá dầu thế giới giảm mạnh. |
Giá dầu thô tiếp tục giảm mạnh gần 20% kể từ đầu năm nay khiến các chuyên gia có cái nhìn tiêu cực về giá dầu năm 2016. Vì đâu giá dầu nên nỗi?
Mức giảm kỉ lục sau 13 năm
Đầu giờ sáng ngày 12/1 tại Mỹ (12h30 giờ VN), giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) của Mỹ giảm còn 30,66 USD/thùng, giảm 75 cent so với giá giao dịch trước đó, giảm khoảng 20% so với đầu năm nay. Trước đó, có lúc, giá dầu giảm xuống còn 30,60 USD - mức thấp nhất kể từ tháng 12/2003.
Dầu thô Brent LCOc1 giảm 83% xuống còn 30,72 USD/thùng. Trước đó, có lúc giá dầu này giảm 30,66 USD, ở mức thấp nhất kể từ tháng 4/2004. Có thể thấy, kể từ đầu năm 2016, ngày nào, giá dầu thô cũng giảm; đến nay, sụt giảm tổng cộng 20%.
Trước tình hình này, các nhà phân tích đều phải điều chỉnh lại dự báo giá dầu năm 2016, trong đó các Tập đoàn Dịch vụ tài chính Barclays, Macquarie, Ngân hàng Mỹ, Merrill Lynch, Standard Chartered and Societe Generale đều hạ thấp dự báo. Ngân hàng Barclays cho biết, “sự sụt giảm đáng kể trên cơ sở thị trường dầu trong đầu năm 2016 đã khiến chúng tôi phải điều chỉnh giá dầu năm nay xuống thấp”.
“Chúng tôi dự đoán giá Brent và WTI sẽ ở mức trung bình 37USD/ thùng trong năm 2016, giảm gần một nửa so với dự đoán trước đó - tương ứng 60 USD và 56 USD”. Ngân hàng Morgan Stanley dự báo giá dầu có thể giảm xuống mức 20 USD/thùng. Thậm chí, Standard Chartered còn hạ thấp dự báo giá dầu xuống tới mức 10 USD/thùng.
Trung Quốc, căng thẳng Iran - Saudi là nguyên nhân
Các chuyên gia cho biết, một trong những nguyên nhân khiến giá dầu giảm từ thông tin đáng ngại về kinh tế của Trung Quốc đầu năm nay, điển hình nhất là những chấn động sàn chứng khoán Trung Quốc. Ngày 11/1, chỉ số Shanghai Composite giảm tiếp 5%, tổng cộng đã giảm 20% trong vòng 2 tuần qua. Kể từ tháng 6/2015, chỉ số Shanghai Composite giảm đến 40%. Trong khi đó, những biện pháp đối phó của chính phủ Trung Quốc bị chỉ trích là bừa bãi và lộn xộn khiến tâm lý thị trường càng bất ổn hơn.
Kinh tế suy giảm cũng khiến nhu cầu về dầu của Trung Quốc (quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới) sụt giảm. Trong năm 2016, dự kiến tiêu thụ dầu chỉ ở mức 300.000 thùng/ngày, giảm so với 500.000 thùng/ngày năm 2015, hãng phân tích Barclays cho biết. Mặt khác, kinh tế Trung Quốc giảm tốc khiến giá trị đồng nhân dân tệ suy giảm. Đồng tiền yếu dẫn tới giá dầu thô thêm đắt đỏ và hệ quả là cắt giảm nhu cầu về dầu.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác khiến giá dầu lao dốc là căng thẳng leo thang giữa Saudi Arabia và Iran. Sau vụ Saudi Arabia hành quyết 47 giáo sĩ, trong đó có giáo sĩ thân Iran đã khiến Saudi và Iran - hai nhà sản xuất dầu lớn nhất trong OPEC thêm “sứt mẻ tình cảm”, cắt quan hệ ngoại giao, thương mại. Saudi Arabia là nhà sản xuất đứng đầu OPEC với 10 triệu thùng/ngày, Iran sản xuất 3 triệu thùng/ngày và có thể tăng thêm 1 triệu thùng/ngày nếu lệnh trừng phạt quốc tế với Iran được dỡ bỏ trong năm nay. Căng thẳng này dẫn tới khả năng cao cả hai nước sẽ rơi vào cuộc cạnh tranh giá.
Giá dầu thấp tác động tiêu cực tới kinh tế Nga Nguồn thu từ dầu mỏ chiểm khoảng một nửa ngân sách và chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Nga. Năm 2015, mức sản xuất dầu đạt ngưỡng hơn 10,7 triệu thùng một ngày. Theo nhiều chuyên gia, giá dầu quanh mốc 30 USD/ thùng, ngân sách Chính phủ Nga chỉ có thể cầm cự thêm được một năm. Hai quỹ đầu tư Nhà nước của Nga vào giữa năm 2014 ước tính 180 tỷ USD, khi giá dầu ở mức 110 USD/ thùng; nhưng đến cuối năm 2015 đã giảm 50 tỷ. Và chuyên gia Christopher Granville, Giám đốc Trusted Sources (Cơ quan Tư vấn đầu tư Anh) thì số tiền còn lại rất quan trọng để ông Putin yên tâm tranh cử tổng thống nhiệm kỳ thứ tư. Trong khi đó, cũng theo Trusted Sources, giá dầu khoảng 50 USD/ thùng thì bội chi ngân sách của Nga lên tới khoảng 3% GDP và bội chi ngân sách khoảng 5 % GDP nếu giá dầu 30 USD/ thùng. Thanh Huyền |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận