Với điều chỉnh mới, giá bán lẻ điện sinh hoạt theo các bậc thang cũng tăng theo. Cụ thể, mỗi kWh ở bậc 1 tăng thêm 78 đồng lên 1.806 đồng; bậc 2 tăng thêm 80 đồng, lên 1.866 đồng; bậc 3 tăng thêm 93 đồng lên 2.167 đồng; bậc 4 tăng thêm 117 đồng lên 2.729 đồng; bậc 5 tăng thêm 131 đồng lên 3.050 đồng; bậc 6 tăng 136 đồng lên 3.151 đồng.
Mức tăng này giúp EVN tăng doanh thu khoảng 3.200 tỷ đồng, nhưng chưa bù đắp được chi phí sản xuất kinh doanh của tập đoàn này. Các khoản chênh lệch tỷ giá hơn 14.000 tỷ đồng của các năm trước đây cũng không được tính toán trong giá điện.
Tuy nhiên, tập đoàn này vẫn đề xuất lên mức này nhằm chia sẻ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp với mục tiêu "để đảm bảo an sinh xã hội" trong giai đoạn phục hồi.
Giá điện tăng là động lực để sử dụng điện hiệu quả
Bình luận về việc này, ông Hà Đăng Sơn, chuyên gia năng lượng cho rằng, việc tăng giá điện, ngoài việc tính đúng, tính đủ các chi phí trong sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp thì cũng tạo áp lực cho việc tiết kiệm điện và sử dụng điện hiệu quả hơn.
"Để đầu tư cho các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả cần có sự đầu tư đủ lớn để thay đổi dây chuyền, công nghệ nhưng với giá điện thấp, doanh nghiệp sẽ có ít "động lực" để đầu tư", ông Sơn nói.
Thực tế, hiệu quả sử dụng điện của nước ta đang ở mức thấp so với nhiều nước trong khu vực. Kể từ năm 1990, với nhịp độ sản xuất và tiêu thụ điện tăng bình quân 10-12% mỗi năm, ngành điện Việt Nam thuộc tốp tăng trưởng hàng đầu thế giới, ngang bằng với mức Hàn Quốc đạt được trong giai đoạn phát triển thần kỳ của họ.
Cụ thể, vào năm 1986, mức tiêu thụ điện bình quân đầu người của Việt Nam chỉ là 68kWh, thấp hơn 4,7 lần so với Philippines và 6,4 lần so với Thái Lan. Nhưng đến năm 2020, mức tiêu thụ điện bình quân đầu người của chúng ta là 2.321kWh, nhiều gấp 2,4 lần Indonesia (980kWh), gấp 2,8 lần Philippines (839,7kWh), gấp 2,5 lần Ấn Độ (928kWh), gấp 4,7 lần Bangladesh (498kWh). Con số này nhiều hơn cả các nước có GDP đầu người cao hơn Việt Nam như: Ai Cập, Jordan, Paraguay, Albania.
Trong giai đoạn 1990-2020, sản lượng điện tiêu thụ cuối cùng (Electricity Final Consumption) của nước ta đã có sự tăng trưởng cao nhất thế giới, tăng đến 3.386,88% và không có bất cứ quốc gia nào ở bất cứ khu vực nào, ở bất cứ nhóm quốc gia nào có thể so sánh với Việt Nam.
Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng điện để phát triển kinh tế, xã hội của nước ta còn nhiều điều cần phải xem xét khi đánh giá từ cường độ sử dụng điện. Đây là một chỉ tiêu quan trọng để đánh giá hiệu quả sử dụng điện của một quốc gia, được đo bằng số điện sử dụng để tạo ra 1 USD GDP (cường độ sử dụng điện càng cao, hiệu quả sử dụng điện càng thấp).
Thực tế, Việt Nam cần tới 652,5MWh để đạt được 1 triệu USD GDP sản phẩm, trong khi các quốc gia khác có tốc độ tăng trưởng điện cao chỉ cần ngưỡng 151,8-543,8 MWh.
Nguyên nhân dẫn đến hệ quả này, theo chuyên gia Nguyễn Huy Hoạch, đó là giá điện thấp khiến tiêu dùng điện nhiều, sử dụng điện lãng phí.
Ông Hoạch cho rằng tiết kiệm điện là trách nhiệm của tất cả mọi người, nhưng sẽ hiệu quả hơn nếu biết tập trung vào những nơi tiêu thụ điện trọng điểm với những chính sách và hành động quyết liệt và triệt để một cách có hệ thống.
Đầu tư, thay thế thiết bị lạc hậu
Hiện sản xuất công nghiệp đang chiếm khoảng 53-55% lượng tiêu thụ điện năng toàn hệ thống, do đó, vị chuyên gia cho rằng những hộ tiêu thụ điện này sẽ phải đầu tư, thay thế thiết bị lạc hậu nhằm giảm chi phí sản xuất sản phẩm của mình để cạnh tranh trên thị trường.
Ông Đỗ Thanh Bình, Trưởng phòng bảo trì Công ty TNHH Ðiện Stanley Việt Nam, cho biết nhờ các giải pháp tiết kiệm điện, công ty đã tiết kiệm được 15-20% lượng điện tiêu thụ.
"Hiện công ty đang tập trung vào việc cải tiến nhằm nâng cao hiệu quả của máy móc, thiết bị từ đó giảm lượng điện tiêu thụ. Thay thế hệ thống chiếu sáng cũ bằng đèn led, các thiết bị nhiệt được setup ở nhiệt độ phù hợp theo nhu cầu thực tế. Tuyên truyền cho cán bộ ý thức tiết kiệm điện…", ông Bình cho biết.
Cũng nhờ việc thay thế, cải tiến công nghệ để tiết kiệm điện, công ty không chỉ giảm được chi phí sản xuất, mà chất lượng sản phẩm ngày càng nâng cao hơn, giảm ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Quang Vinh, đại diện Công ty Tầm Nhìn Việt cho rằng, tăng giá điện là quy luật tất yếu để đảm bảo an ninh năng lượng. Việc tăng giá sẽ giúp mọi người dân sử dụng điện có trách nhiệm hơn, nếu không, cả trong sinh hoạt và sản xuất sẽ không có ý thức sử dụng điện tiết kiệm.
Khi giá điện tăng, các cơ sở sản xuất ít nhiều cũng sẽ phải cơ cấu lại các khoản chi phí, tối ưu các dây chuyền hơn để vận hành tiết kiệm; đồng thời cũng thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch sang các dạng năng lượng tái tạo tự dùng như điện mặt trời mái nhà.
Không chỉ vậy, giá điện tăng cao được các chuyên gia đánh giá có thể thu hút đầu tư của khối tư nhân vào các dự án nguồn điện, giúp đảm bảo an ninh năng lượng; thu hút các dự án sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm điện.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận