Các yếu tố đẩy giá khí đốt tăng cao
Một “cơn bão hoàn hảo” mang đầy đủ các yếu tố cung và cầu đang thúc đẩy giá khí đốt tự nhiên toàn cầu tăng cao chót vót, chưa từng có trong lịch sử, với mức giá chuẩn ở châu Âu và Mỹ tăng lần lượt gần 300% và 100% trong những tháng gần đây.
Một báo cáo gần đây của Reuters đã mô tả sự hỗn loạn của thị trường khí đốt toàn cầu như “một cơn gió ngược tiềm năng khác” đối với nền kinh tế toàn cầu đang mong manh hồi phục trở lại sau cú sốc đại dịch Covid-19.
Báo cáo cho biết, hậu quả kinh tế từ giá khí đốt tăng cao khi mùa Đông đang đến gần có thể rất lớn. Cuộc khủng hoảng này có nguy cơ gây ra sự kết hợp giữa tăng trưởng chậm và lạm phát cao, được gọi là lạm phát đình trệ, tác động lên chi tiêu của người tiêu dùng do hóa đơn tiện ích cao hơn và áp lực gia tăng đối với một số doanh nghiệp, báo cáo cho biết.
Tuyến đường vận chuyển khí đốt Nord Stream 2.
Các nhà phân tích cũng đang quan tâm theo dõi xem có bất kỳ tác động lan tỏa nào đến thị trường dầu thô toàn cầu hay không.
Theo Capital Economics, một loạt các yếu tố phức tạp gây ra sự gia tăng nhu cầu và hạn chế nguồn cung đã góp phần tạo ra một “cơn bão hoàn hảo” đối với giá khí đốt tự nhiên.
Về nhu cầu, các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt (nóng quá hoặc lạnh quá) tại nhiều nơi đã dẫn đến việc người dân cần thời gian làm mát và sưởi ấm lâu hơn bình thường, Jennifer McKeown, người đứng đầu bộ phận dịch vụ kinh tế toàn cầu của công ty nghiên cứu Capital Economics, cho biết.
Mùa Đông lạnh bất thường và kéo dài vào đầu năm nay ở bắc bán cầu, khiến nguồn cung cấp khí đốt cạn kiệt.
Trong khi nguồn cung cấp thường xuyên sẽ được bổ sung vào mùa Hè, các đợt nắng nóng và hạn hán ở các khu vực khác trên toàn cầu trong năm nay cũng đã khiến nhu cầu tiêu thụ năng lượng tăng cao.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), một tổ chức giám sát lĩnh vực năng lượng toàn cầu có trụ sở tại Paris, cho biết, sự phục hồi từ đại dịch Covid-19 cũng đã làm tăng nhu cầu tiêu dùng năng lượng từ các nền kinh tế châu Á, chủ yếu ở Trung Quốc.
IEA cho biết trong một tuyên bố vào ngày 21 tháng 9 rằng: “Tất cả những yếu tố này đã dẫn đến xu hướng tăng nhu cầu khí đốt trong khi nguồn cung không theo kịp”.
Sản lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên toàn thế giới đã thấp hơn dự kiến do hàng loạt sự cố ngừng hoạt động ngoài kế hoạch trên toàn cầu và việc bảo trì cơ sở hạ tầng khí đốt bị trì hoãn do đại dịch năm ngoái, IEA nói thêm.
Nguồn cung từ Nga, một trong những nguồn cung cấp khí đốt chính của châu Âu cũng bị giảm.
Một số người suy đoán rằng Nga đang làm như vậy để thúc đẩy kích hoạt đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 sẽ cung cấp khí đốt của Moscow trực tiếp đến Đức và bỏ qua Ukraine.
Căng thẳng tăng cao đến mức một số nhà lập pháp của Nghị viện châu Âu đã kêu gọi một cuộc điều tra về những gì họ nói là “có thể thao túng thị trường của tập đoàn khí đốt Gazprom”.
Gazprom đã bác bỏ các cáo buộc từ phía châu Âu, theo báo cáo của Bloomberg vào ngày 24 tháng 9.
Các trang trại điện gió đình trệ đã làm tăng thêm vấn đề về nguồn cung, trong đó IEA chỉ ra rằng nguồn năng lượng gió sẵn có ở châu Âu thấp hơn bình thường trong những tuần gần đây.
Capital Economics ước tính rằng giá khí đốt tiêu chuẩn của châu Âu, hay chỉ số TTF của Hà Lan, đã tăng 290% kể từ đầu quý II.
Giá LNG giao ngay tại châu Á tăng 260% trong khi giá khí đốt tự nhiên của Mỹ tăng gần gấp đôi so với cùng kỳ.
Ai bị ảnh hưởng nặng nhất?
Chuyên gia Jennifer McKeown của Capital Economics dự báo sẽ có một lực cản đối với hoạt động ở các nền kinh tế nơi giá cả dịch vụ tiện ích cao hơn sẽ tác động vào thu nhập của những người tiêu dùng có khả năng chi trả cho các khoản chi dùng tùy ý.
Mùa Đông giá lạnh đang đến gần với các nước châu Âu nói chung và Bắc Bán cầu nói riêng.
Ví dụ, 310.000 hộ gia đình ở Đức sẽ có hóa đơn gas tăng 11,5%.
Cũng có thể có những hậu quả bất lợi đối với ngành năng lượng, đặc biệt là ở các quốc gia nơi giá cả được điều tiết như Vương quốc Anh, bà McKeown nói thêm trong một lưu ý.
Bà Jennifer McKeown cho rằng, cả hai tác động này nên được giảm thiểu bằng các chính sách của chính phủ, vốn đang tìm cách bảo vệ các hộ gia đình thông qua thuế, trợ cấp và hỗ trợ các doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Nội các Tây Ban Nha đã thông qua các biện pháp khẩn cấp vào đầu tháng này để chuyển hàng tỷ euro lợi nhuận của các công ty năng lượng cho người tiêu dùng và giới hạn mức tăng giá khí đốt.
Tuần trước, Italy cho biết họ đã dành hơn 3 tỷ euro để hạn chế sự gia tăng đột biến trong hóa đơn năng lượng bán lẻ. Tuy nhiên, sự lo lắng đang gia tăng về khả năng xảy ra các hiệu ứng gợn sóng khác.
Ông Scott Livermore, nhà kinh tế trưởng và Giám đốc điều hành tại công ty cố vấn toàn cầu Oxford Economics Middle, cho rằng: “Tác động của riêng việc giá khí đốt tăng có thể không đáng kể đến vậy, nhưng nó đang xảy ra trong thời điểm gia tăng lạm phát trên phạm vi toàn cầu do tắc nghẽn nguồn cung và chi phí đầu vào tăng”.
Các doanh nghiệp vốn đã suy yếu do đại dịch kéo dài cũng có thể tiếp tục cảm thấy áp lực mạnh hơn. Ngoài các nhà cung cấp năng lượng, các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà sản xuất phân bón, nông nghiệp cũng sẽ gặp khó khăn.
Ví dụ, khí tự nhiên được sử dụng để tạo ra Amoniac, một thành phần chính trong nhiều loại phân bón. Một báo cáo từ cơ quan xếp hạng Fitch trong tuần này cho biết giá phân bón có thể tiếp tục tăng trong những quý tới, tác động trực tiếp đến năng suất cây trồng và giá lương thực.
Nhà sản xuất đường lớn nhất của Pháp Tereos cũng cảnh báo rằng giá khí đốt cao hơn đang làm tăng chi phí sản xuất của họ "rất nhiều", một báo cáo của Bloomberg xuất bản vào ngày 10 tháng 9 trích dẫn một bản sao của một email từ công ty Tereos gửi cho khách hàng.
Báo cáo của Bloomberg cũng lưu ý rằng từ các nhà máy sản xuất gốm sứ cho đến các doanh nghiệp thép từ Trung Quốc đến Pakistan đang cảm thấy sức nóng của hiện tượng giá khí đốt tăng cao.
Trong khi đó, tại Hàn Quốc, tập đoàn điện lực nhà nước Korea Electric Power Corp đã tăng giá điện lần đầu tiên sau 8 năm nhằm bù đắp cho việc buộc phải tăng giá khí đốt, theo báo Korea Herald ngày 23/9.
Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo
IEA dự kiến thị trường khí đốt châu Âu sẽ “đối mặt với những thử nghiệm căng thẳng hơn nữa do sự cố mất điện ngoài kế hoạch và các đợt lạnh mạnh, đặc biệt nếu chúng xảy ra vào cuối mùa Đông tới đây”.
Giá khí đốt tăng nhiều khả năng cũng sẽ tác động đến giá dầu mỏ.
Mức dự trữ khí đốt ở châu Âu hiện “thấp hơn nhiều so với mức trung bình 5 năm trong toàn khu vực”, mặc dù không thấp hơn đáng kể so với mức thấp nhất trong 5 năm trước đó được thiết lập vào năm 2017, IEA nói thêm.
Chuyên gia McKeown dự đoán giá khí đốt tự nhiên sẽ vẫn tăng trong một thời gian nữa nhưng sẽ giảm vào quý 2 năm sau.
Điều này có thể xảy ra do mức giá hiện tại sẽ khuyến khích nguồn cung, đặc biệt là ở Mỹ, nơi các hoạt động khai thác đá phiến có thể tăng lên tương đối nhanh chóng. Ngoài ra, giá cao cũng có thể giúp hạn chế nhu cầu.
Bà McKeown nhận định: “Điều đó nói lên rằng triển vọng nhu cầu rất không chắc chắn vì động lực chính là thời tiết, nơi mùa Đông lạnh hoặc ôn hòa bất thường sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến giá khí đốt”.
Các nhà phân tích cũng đang theo dõi xem liệu hiện tượng giá khí tốt tăng cao có tác động gì tới thị trường dầu thô và tạo thêm động lực cho đà tăng giá dầu đang diễn ra hay không. Hiện tại, giá dầu thô Brent chuẩn quốc tế đã nhanh chóng đạt mức 80 USD / thùng trong tuần này, đánh dấu lần tăng đầu tiên kể từ tháng 10/2018.
Tập đoàn ING – một ngân hàng và nhà kinh doanh dịch vụ tài chính đa quốc gia có trụ sở chính tại Amsterdam, Hà Lan, cho biết:
“Có mối quan ngại lớn hơn liên quan đến nguồn cung bị thắt chặt của thị trường năng lượng, đặc biệt là đối với khí đốt tự nhiên - đó là nó sẽ chuyển ảnh hưởng sang thị trường dầu mỏ. Giá khí đốt cao sẽ dẫn đến một số chuyển đổi từ khí sang dầu, điều này sẽ hỗ trợ nhu cầu và cũng vì thế mà giá dầu cũng có thể sẽ tăng cao".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận