Ngày 27/8, UBND tỉnh Gia Lai có văn bản gửi Phó giám đốc phụ trách Sở GTGT và Công An tỉnh Gia Lai yêu cầu xây dựng phương án vận chuyển hàng hóa trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19. Văn bản do ông Đỗ Tiến Đông, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai ký vào chiều 26/8.
Các xe tải chở hàng vào tỉnh Gia Lai buộc phải đổi tài người địa phương hoặc trung chuyển hàng hóa khiến các phương tiện "không đủ điều kiện" phải xếp hàng dài nằm chờ.
Văn bản yêu cầu rà soát lại các Quyết định số 1570/QĐ-BGTVT ngày 24/8/2021; văn bản số 8849/BGTVT-VT ngày 25/8/2021 của Bộ Giao thông vận tải, văn bản số 135/CV-UBATGTQG ngày 25/8/2021 của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, chỉ đạo của Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh Covid-19 và các quy định hiện nay của tỉnh có phù hợp với thực tế...
Đồng thời yêu cầu Phó Giám đốc phụ trách Sở GTVT khẩn trương trao đổi, thống nhất với Công an tỉnh phương án vận chuyển hàng hoá, quản lý phương tiện và người lái trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, đề xuất UBND tỉnh trước 10h00 ngày 27/8.
Trước thực trạng xe chở hàng hoá từ các địa phương phía Nam có mã QR luồng xanh và các giấy tờ đảm bảo đủ điều kiện lưu thông hàng hoá bị lực lượng chức năng tại cầu 110 - đường Hồ Chí Minh không cho lưu thông phương tiện vào tỉnh Gia Lai như Báo Giao thông đã nêu. Rất nhiều phương tiện chở hàng hoá phân phối tại tỉnh này đã chờ rất lâu và hoang mang khi đi một quãng đường dài nhưng không thể vào được địa bàn tỉnh này.
Cũng ngay trong chiều 25/8, tại cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho vận chuyển nông sản, hàng hóa trong bối cảnh thực hiện các nhiệm vụ phòng chống dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã chỉ đạo: “Các địa phương làm phát sinh thủ tục tăng chi phí, làm khó cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cho lưu thông hàng hóa là không được. Địa phương nào “đẻ” ra quy định trái với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, gây khó khăn trong vận chuyển, lưu thông hàng hóa thì phải chịu trách nhiệm”.
Bộ trưởng cũng đề nghị các tỉnh, thành phố rà soát lại các văn bản địa phương đã ban hành. Văn bản nào trái với chỉ đạo của Chính phủ hoặc không trái nhưng làm phát sinh thêm chi phí, thời gian, “giấy phép con” thì phải dừng áp dụng. Tuyệt đối không cản trở vận chuyển hàng hóa.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận