Năm 2008, nhiều hộ dân người dân tộc Dao từ các tỉnh phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Bắc Giang, Quảng Ninh… di cư tự do vào xã Chư Krey, huyện Kông Chro (Gia Lai).
Tạo điều kiện đón dân tự do đến nhập cư
Khi rời quê hương đến vùng đất Chư Krey, người Dao đã mua lại một số diện tích nương rẫy mà người Bahnar và một số người Kinh từ thị xã An Khê đến xâm canh.
Đây là những khu vực thuộc đất lâm nghiệp không nằm trong khu quy hoạch dân cư, nên người dân chỉ được làm nhà tạm.
Các hộ này gặp rất nhiều khó khăn trong việc học tập, chăm sóc sức khỏe, an ninh trật tự do giao thông trắc trở, đặc biệt mùa mưa lũ học sinh phải nghỉ học khi nước lớn.
Do đó, năm 2018, UBND huyện đã triển khai dự án ổn định dân di cư tự do tại làng Lơ Bơ với mục tiêu cải thiện điều kiện sống, giáo dục, y tế cho người dân tộc Dao với kinh phí hơn 3 tỷ đồng.
Với nguồn kinh phí trên, huyện Kông Chro đầu tư xây dựng hơn 700m đường bê tông, lắp đặt hệ thống nước tự chảy, hệ thống điện được kéo tới tận nơi.
Đồng thời, 43 hộ dân mỗi hộ được hỗ trợ 10 triệu đồng chi phí ban đầu để xây dựng, di dời nhà cửa. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm thực hiện, khu tái định cư vẫn hoang vắng.
Hàng chục ngôi nhà rộng khoảng 30-40m2 được làm bằng ván gỗ, mái lợp tôn hầu hết đều không có dấu hiệu của người ở. Nhiều ngôi nhà bị bỏ hoang, hư hại nghiêm trọng.
Số khác đã trở thành chuồng bò, hoặc được chủ nhà cho người khác ở chỉ để giữ đất.
Ông Đặng Thắng Hoa (quê Bắc Kạn) cho biết: "Nửa năm trước tôi nghe người thân ở quê nói tại Gia Lai có đất đai dễ làm ăn. Thế là quyết tâm bắt xe, vượt hàng ngàn cây số từ Bắc Kạn vào Chư Krey đây tìm kế sinh nhai.
Vào đây thấy nhiều nhà không có người ở. Thế là mình ngỏ ý thuê, nhưng chủ nhà cho ở miễn phí luôn", ông Hoa nói.
Cũng theo ông Hoa, phần lớn người ở khu tái định cư này đều đang ở khu làng cũ. Ở ngôi làng này chỉ có vài căn nhà có người ở.
Rời ngôi làng tái định cư, chúng tôi tìm đến làng của các hộ dân. Trái ngược với khu tái định cư hoang vắng, khung cảnh náo nhiệt, người dân quần cư thành khu dân cư đông đúc.
Để đảm bảo sống lâu dài, hầu hết hộ dân đều mắc điện mặt trời hoặc sử dụng máy phát điện nhỏ chạy bằng nước. Một số hộ đã tự đào giếng khoan chạy bằng máy bơm để lấy nguồn nước sinh hoạt.
Người dân chia sẻ, họ đã quen với cuộc sống ở đây, không muốn chuyển đi nơi khác.
Chúng tôi tìm đến nhà ông Triệu Sinh Thành, Phó trưởng thôn Lơ Bơ. Trước đây, ông Thành cùng gia đình ở khu tái định cư, được cấp đất, cấp sổ đỏ. Nhưng rồi người dân lần lượt kéo nhau về làng cũ nên ông cùng gia đình cũng về.
"Ở đây (làng cũ) rộng rãi, có thể nuôi thêm con gà, con heo. Ngoài ra, đất đai màu mỡ còn trồng được cây cà phê, gia đình ở đây tiện cho việc trông nom, phơi phóng, bảo quản.
Còn nếu ở khu tái định cư thì không an tâm. Gần như cả làng đi, nên mình buồn không chịu nổi nên cũng về làng cũ thôi", ông Thành nói.
"Trước đây, người dân của làng vì tuân thủ các quy định của Nhà nước và chấp nhận về khu tái định cư để được cấp sổ đỏ.
Nhưng ai cũng mong muốn ở lại làng cũ vì nay đường sá rất thuận lợi, bà con chở lũ trẻ đi học cũng chỉ khoảng gần 3km chứ không xa xôi gì", ông Thành chia sẻ thêm.
Đầu tư nhưng chưa phù hợp?
Theo UBND huyện Kông Chro, dự án ổn định dân di cư tự do tại làng Lơ Bơ được triển khai từ năm 2018 với mục tiêu cải thiện điều kiện sống, giáo dục, y tế cho người dân nhưng lại không phát huy hiệu quả.
Ông Đinh Xuân Hưởng, Phó chủ tịch UBND xã Chư Krey, lý giải: "Đang vào mùa vụ nên người dân phần lớn ở lại khu sản xuất để thu hoạch, trông coi.
Một phần vào năm 2022, UBND huyện đã phân bổ kinh phí cho UBND xây dựng 2,6km đường bê tông từ làng Lơ Bơ vào khu sản xuất của làng Dao cũ, bà con đi lại thuận tiện chứ không còn cách trở nữa nên dù ở làng cũ các cháu vẫn có thể tới trường".
Trong khi đó, ông Huỳnh Ngọc Ẩn, Phó chủ tịch UBND huyện Kông Chro cho hay: "Dự án vào thời điểm đó là cấp thiết, có ý nghĩa rất lớn.
Không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục, y tế, an ninh trật tự của bà con mà còn giúp đảm bảo công tác quy hoạch đất đai và bảo vệ môi trường rừng.
Hiện tại, khu vực làng cũ trước kia vốn là đất lâm nghiệp không nằm trong khu quy hoạch dân cư nên không thể xây dựng các công trình phục vụ đời sống người dân.
Chúng tôi sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền bà con ổn định cuộc sống ở khu làng tái định cư".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận