Y tế

Gia tăng người trẻ mắc suy thận mạn tính

30/10/2023, 07:02

Trong khoảng 5 triệu người suy thận ở Việt Nam, khoảng 26.000 người phải chạy thận nhân tạo. Nhiều người trẻ không có biểu hiện nhưng khi đi khám thì đã ở giai đoạn cuối.

Trẻ hóa bệnh nhân suy thận

Bao hoài bão, ước mơ bỗng vụt tắt với N.T.T (Hà Nội) khi nhận kết quả chẩn đoán suy thận mạn tính giai đoạn cuối khi chớm tuổi 23. Suốt 3 năm qua, T đều đặn mỗi tuần 3 lần chạy thận nhân tạo để duy trì cuộc sống.

Gia tăng người trẻ mắc suy thận mạn tính - Ảnh 1.

Bệnh nhân chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, Hà Nội.

"Giờ bình tâm lại nhiều rồi, chứ khi ấy biết tin mình suy thận giai đoạn 4, tôi sốc lắm. Mọi thứ đến bất ngờ quá. Tôi vốn không có bệnh lý gì, chỉ 2 tuần trước đó thấy vô cùng mệt mỏi. Đến bệnh viện khám thì đã vậy rồi", T chia sẻ.

Nằm trên giường chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội), cô gái này bắt đầu bằng việc lướt mắt đọc các dòng thông tin trên điện thoại và chờ đợi gần 4 giờ để hoàn thiện chu trình lọc. Từ ngày buộc phải chạy thận nhân tạo, cô gái đang phơi phới tuổi xuân đã giảm 8kg.

"Trước ngày phải chạy thận nhân tạo, cơ thể thường rất mệt mỏi, còn sau buổi chạy thận là một đêm thức trắng, vô cùng khó ngủ. Ăn uống thì kiêng khem rất nhiều thứ. Ngoài các khoản được BHYT thanh toán, mỗi tháng tôi cần chi trả thêm tiền thuốc khoảng 4 triệu đồng", cô gái này chia sẻ.

Là bệnh nhân trẻ tuổi nhất đang chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, N.H.N (Hà Nội) cũng bất ngờ phát hiện bị suy thận mạn trong lần khám sức khỏe năm 21 tuổi.

Hai năm đầu, tình hình bệnh tương đối ổn định nhưng sau đó, N bỏ điều trị khi nghe theo người quen uống thuốc nam. Chỉ hai tuần sau, bệnh tiến triển nặng lên. N được đưa đến bệnh viện với các dấu hiệu của biến chứng suy thận, phù, khó thở nên bắt buộc phải lọc máu.

TS Nguyễn Văn Tuyên, Trưởng khoa nội thận - tiết niệu của Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ, đang có gần 130 bệnh nhân lọc máu chu kỳ tại khoa. Trong 5 năm gần đây, tỷ lệ bệnh nhân trẻ mắc bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối phải lọc máu chu kỳ tăng khoảng 5 - 10%. Có trường hợp nam thanh niên 18 tuổi được phát hiện bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối khi đi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

"Nhóm bệnh nhân trẻ đang tuổi lao động, do vậy hệ lụy suy thận mạn tính làm giảm sức khỏe của người bệnh và giảm sức lao động của gia đình, xã hội, để lại gánh nặng kinh tế cho gia đình và ngành y tế", ông Tuyên cho biết.

Đâu là nguyên nhân?

Theo PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, Giám đốc Trung tâm thận - tiết niệu - lọc máu của Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị bệnh thận.

Vị chuyên gia này cho rằng, triệu chứng của bệnh suy thận thường mơ hồ, không có các biểu hiện rõ ràng, nhất là những người trẻ có tâm lý chủ quan, lơ là, bỏ qua những biểu hiện bất thường của cơ thể. 

Theo PGS.TS Đỗ Gia Tuyển, Giám đốc Trung tâm thận - tiết niệu - lọc máu của Bệnh viện Bạch Mai, mỗi năm Việt Nam có thêm 8.000 người bị bệnh thận. Hiện cả nước có gần 5 triệu người suy thận và khoảng 26.000 người suy thận mạn tính giai đoạn cuối phải chạy thận nhân tạo.

Khi xuất hiện những biểu hiện rõ ràng, bệnh nhân hầu hết đều đã ở giai đoạn cuối phải chỉ định lọc máu chu kỳ. Nếu không được chạy thận nhân tạo, suy thận sẽ gây ra các biến chứng có thể khiến tử vong.

Các bác sĩ khuyến cáo yếu tố di truyền, hay các bệnh lý nền như đái tháo đường, tăng huyết áp, viêm cầu thận, thận đa nang, nhiễm khuẩn, bệnh tự miễn... nếu không được quan tâm, điều trị sẽ dẫn tới suy thận mạn.

Ngoài ra, với cuộc sống đô thị hiện đại, thói quen sinh hoạt không lành mạnh như tình trạng ăn uống thừa năng lượng, thức ăn chế biến sẵn nhiều hóa chất bảo quản, lạm dụng các loại đồ uống, cùng lối sống ít vận động thể lực cũng là những nguyên nhân dẫn tới trẻ hóa suy thận mạn.

"Với người có bệnh lý nền, cần được thăm khám, điều trị ổn định. Mọi người cũng cần đi kiểm tra định kỳ để tầm soát bệnh này, phát hiện sớm sẽ giúp có biện pháp dự phòng và điều trị để làm chậm tiến triển của bệnh thận mạn tính. Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp bảo tồn chức năng thận, kéo dài thời gian vào chạy thận, đồng thời giúp hạn chế biến chứng của bệnh thận mạn hay đợt cấp suy thận mạn", BS Đỗ Gia Tuyển cho biết.

Còn TS Nguyễn Văn Tuyên thì nhấn mạnh: "Khác với suy thận cấp có khả năng hồi phục hoàn toàn thì suy thận mạn không thể chữa khỏi được. Nếu phát hiện sớm và điều trị bảo tồn sẽ giúp làm chậm tiến triển của bệnh, kéo dài thời gian đến giai đoạn phải điều trị thay thế thận, do thận bị mất chức năng quá nặng".


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.