Gia tăng TNGT do không quan sát
Khoảng 19h46’ ngày 25/7/2022 tại Km 1085+800 QL 1, Thạch Trụ Tây, Đức Lân, Mộ Đức xảy ra vụ TNGT giữa xe mô tô do T.Q.T điều khiển theo hướng Bắc - Nam do không chú ý quan sát, không làm chủ tốc độ đã đâm vào bà C.T.N (SN 1956) đang đi bộ qua đường, khiến bà N. bị đa chấn thương, gãy chân.
Hiện trường vụ TNGT ô tô lùi không chú ý quan sát trên QL1 qua Sóc Trăng khiến 1 người tử vong
Trước đó, khoảng 11h ngày 19/5 cũng xảy ra vụ TNGT do người điều khiển xe thiếu chú ý quan sát. Cụ thể, thời điểm trên, một chiếc ô tô màu đỏ dừng lại bên phải đường trên QL 46 đoạn qua xã Đà Sơn (huyện Đô Lương, Nghệ An) rồi đột ngột mở cửa bên ghế lái khiến chị Hoàng Thị Th. (SN 1978) điều khiển xe đạp điện đi tới, đâm vào cửa xe ngã xuống đường.
Đúng lúc này, một chiếc xe tải lưu thông cùng chiều đi đến do không phanh kịp đã cán qua người chị Th. khiến nạn nhân tử vong tại chỗ.
Tại Sóc Trăng chỉ trong vòng 1 tháng cũng xảy ra 4 vụ tai nạn làm 4 người tử vong mà nguyên nhân được xác định là do không chú ý quan sát. Điển hình, khoảng 18h ngày 16/4/2022, tại Km 2166 Quốc lộ 1A (đoạn qua ấp Xa Mau 2, thị trấn Phủ lộc, huyện Thanh Trì, tỉnh Sóc Trăng) anh Trần Văn D. (SN 1985) điều khiển ô tô tải BKS 83C-066.xx lùi xe từ trong lề phải ra QL1A đã xảy ra va chạm với xe máy do Lư Ngọc Tr. (SN 2006) đang di chuyển hướng Sóc Trăng - Bạc Liêu khiến anh Tr. tử vong trên đường đi cấp cứu.
Trước đó chỉ 11 ngày, vào khoảng 4h20’ 5/4/2022 cũng trên QL1A, xe máy BKS 68L1-151.75 do Lý Th.T (SN 2002) điều khiển lưu thông hướng Sóc Trăng - Bạc Liêu đến Km 2158+800 (đoạn qua xã Thạnh Quới, huyện Mỹ Xuyên do không quan sát đã va chạm với xe đạp do ông Điền Sinh (SN 1954) đang dắt bộ đi cùng chiều khiến ông Sinh tử vong.
Theo báo cáo sơ kết công tác bảo đảm TTATGT 6 tháng đầu năm 2022, phân tích nguyên nhân xảy ra TNGT, có tới 24,9% do không quan sát, tăng đến 5,1% so với cùng kỳ năm 2021 (năm 2021, số vụ TNGT xảy ra do lỗi không quan sát chiếm 19,8%).
TS Nguyễn Minh Hiếu, Đại học Giao thông vận tải cho biết, nguyên nhân dẫn đến sự không quan sát (thiếu quan sát) của tài xế là do thiếu kỹ năng và kinh nghiệm lái xe, đặc biệt trong các vụ TNGT do lùi xe. Bên cạnh đó, sự chủ quan của người lái cũng là một nguyên nhân đáng kể.
Hiện trường vụ mở cửa xe gây tai nạn khiến người phụ nữ đi xe đạp điện tử vong ở Nghệ An được camera nhà dân bên đường ghi lại
Cách nào kiềm chế?
Theo TS Hiếu, không/thiếu quan sát hay còn được biết đến là bị xao nhãng khi tham gia giao thông. Các hành vi lái xe khi bị xao nhãng, phổ biến nhất là sử dụng điện thoại, nghe nhạc khi lái xe, hút thuốc và ăn uống khi lái xe, nhìn bảng quảng cáo (quá 2 giây) khi lái xe.
Bên cạnh đó, còn ở hành vi không quan sát đầy đủ do quá tập trung vào việc lái xe và thiếu kinh nghiệm, kỹ năng dự đoán và quan sát các tình huống bất ngờ. Mệt mỏi, buồn ngủ hay thậm chí sử dụng bia rượu trước khi lái xe cũng góp phần vào việc thiếu quan sát khi lái xe.
Ngoài ra, việc thiếu quan sát còn xảy ra do vị trí của người lái xe không cho phép phát hiện các tình huống nguy hiểm, như khi xe khác rơi vào điểm mù của các xe lớn (ô tô khách, xe tải hay xe đầu kéo).
TS Hiếu cũng cho biết, bị xao nhãng là một trong các nguyên nhân rất được quan tâm trong phòng chống hạn chế TNGT ở các nước trên thế giới, là vấn đề chung của cả nước phát triển và đang phát triển để tìm ra các giải pháp phù hợp. Bởi không phải tất cả các hành vi lái xe bị xao nhãng (thiếu quan sát) đều dẫn đến tai nạn và nếu thực hiện các hành vi đó không bị tai nạn, người điều khiển phương tiện có xu hướng tái diễn hành vi này ở mức độ thường xuyên hơn và thời gian của các hành vi đó sẽ kéo dài hơn.
“Để hạn chế các tình huống lái xe thiếu quan sát là điều không dễ dàng vì có đa dạng các nguồn gây ra tình trạng này. Có những hành vi là vi phạm luật giao thông và có thể được phát hiện cũng như xử lý thông qua lực lượng CSGT làm nhiệm vụ TTKS trên đường như sử dụng điện thoại, sử dụng rượu bia,…
Với những hành vi này còn có thể ứng dụng công nghệ, sử dụng camera giám sát để nhận diện và chụp ảnh làm căn cứ phạt nguội. Tuy nhiên, với các hành vi khác khó nhận diện hơn, cần phải tăng cường các giải pháp để tuyên truyền, nâng cao nhận thức của tài xế, giúp họ hiểu được sự nguy hiểm trong hành vi lái xe của mình”, TS Hiếu nói.
“Nhiều người cho rằng, so với các hành vi vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, lỗi thiếu chú ý quan sát chỉ là vi phạm nhỏ và ít khi bị xử phạt do khó phát hiện bằng mắt thường mà không nhận thức được rằng chỉ một sơ suất nhỏ khi tham gia giao thông cũng có thể gây hậu quả khôn lường. Do đó, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông cho người dân, tập trung vào các hành vi là nguồn cơn của thiếu quan sát gây ra TNGT” - Luật sư Diệp Năng Bình.
Một chuyên gia giao thông cho biết thêm, đối với các vụ TNGT do người điều khiển phương tiện bị hạn chế tầm nhìn như lúc lùi xe, có thể lắp đặt camera lùi để thuận lợi trong phát hiện các chướng ngại vật phía sau xe.
Đồng thời, cần chọn vị trí lùi thích hợp, đường có độ rộng lớn, kiểm tra và quan sát xung quanh khi lùi xe, bật đèn cảnh báo nguy hiểm và điều chỉnh tư thế ngồi phù hợp sao cho tầm quan sát tốt nhất và tư thế thoải mái nhất khi lái. Đặc biệt, nên hạ kính xe và chỉnh gương chiếu hậu cho góc quan sát rộng, khi lùi xe nên lùi từ từ, dập phanh rà ga với tốc độ chậm, kết hợp quan sát trước sau để kịp thời xử lý các tình huống bất ngờ.
Ngoài ra, trong tất cả các trường hợp, khi tham gia giao thông, tài xế phải chú ý quan sát mặt đường phía trước và hai bên đường, không nên lơ là vì chỉ cần không chú ý quan sát dù chỉ vài giây cũng có thể gây ra TNGT để lại những hậu quả đáng tiếc.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP luật sư Tinh thông luật cho biết, đối với phương tiện điều khiển là xe ô tô theo Nghị định 100/2019, nếu điều khiển xe không chú ý quan sát gây ra TNGT sẽ bị phạt tiền từ 10 - 12 triệu đồng. Ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng.
Đối với xe máy, Nghị định 100 quy định rõ, nếu người điều khiển không chú ý quan sát gây ra TNGT sẽ bị phạt từ 4-5 triệu đồng và áp dụng hình phạt bổ sung tước Giấy phép lái xe từ 2 -4 tháng.
Ngoài ra, tuỳ theo hậu quả và mức độ gây thiệt hại về tài sản, người điều khiển phương tiện còn bị phạt tù từ 1 - 15 năm tù và còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm. Đồng thời, phải bồi thường thiệt hại cho phía nạn nhân theo quy định của pháp luật dân sự về trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận