Giá thịt lợn tăng cao bất thường, 20-30 nghìn đồng/kg và có còn tăng tiếp do nguồn cung thiếu |
Thịt lợn tăng cao, người nuôi không đủ bán
Ngày 9/8, khảo sát trên thị trường cho thấy, giá thịt lợn khi tới tay người tiêu dùng so với 2 tháng trước, đã tăng từ 20-30 nghìn đồng/kg tùy từng loại. Cụ thể, thịt nạc vai giá 110 nghìn đồng/kg; thịt ba chỉ 120 nghìn đồng/kg; sườn thăn 120 nghìn đồng/kg, tim lợn 150 nghìn đồng/kg…
Từ phía các trại chăn nuôi, giá lợn hơi xuất chuồng cũng tăng lên đáng kể, đẩy giá lên 53-55 nghìn đồng/kg. Trao đổi với PV Báo Giao thông, anh Nguyễn Văn Huyên, chủ trại lợn tại Ba Vì, Hà Nội cho biết: Với giá lợn tăng hiện nay, tính ra mỗi đầu lợn xuất bán (khoảng trên dưới 1 tạ) người nuôi được lãi từ 1-1,5 triệu đồng.
“Sau đợt sụt giá kéo dài thê thảm năm 2017, người chăn nuôi lớn hầu hết đã phải phá đàn, người nào giỏi thì cũng chỉ cầm cự được một chút. Có những lúc giá lợn xuống chỉ còn 17-18 nghìn đồng/kg, nhà tôi năm trước lỗ khoảng 3 tỷ đồng, tới nay nợ vẫn còn nguyên trong ngân hàng. Nay giá tăng cao thì chỉ còn duy trì hơn 100 đầu lợn thịt và hơn 30 lợn nái, chỉ bằng khoảng 30% so với năm 2017”, anh Huyên chia sẻ và nhận định, với tình hình hiện nay, giá lợn cao có thể duy trì tới cuối năm.
Tương tự, hộ chị Bùi Thị Cấn, Chương Mỹ, Hà Nội đang có gần 300 đầu lợn thịt, cho biết: “Lúc này đắt thì dân lại không có để bán. Đáng nói, giá lợn tăng thì giá cám cũng tăng lên theo. Lợi nhất lúc này chỉ là thương lái thu gom, khâu trung gian chứ người chăn nuôi cũng chỉ mới hồi lại sau đợt giá giảm sâu”.
Thịt lợn đang bị làm giá
Theo đánh giá của ngành thống kê và chăn nuôi, nguồn cung lợn thịt trong sản xuất trong các tháng đầu năm 2018 có giảm so với năm 2017 nhưng số lượng không lớn.
Cụ thể, sản lượng thịt lợn giảm khoảng 1,2% trong quý 1, sang quý 2 đã phục hồi và tăng khoảng 0,4%; dự kiến tăng khoảng 1,5-2% vào quý 3 và quý 4 do đầu tháng 4/2018 thị trường có dấu hiệu khả quan nên người chăn nuôi thâm canh tăng năng suất, nuôi vỗ béo và sinh sản sẽ làm tăng nguồn cung thịt lợn cho thị trường các tháng cuối năm.
Bên cạnh đó, giá lợn hơi trong nước hiện đang thuộc nhóm cao trong khu vực và hoàn toàn do thị trường trong nước và người chăn nuôi chi phối. "Khác với nhiều năm, giá lợn hơi hiện tăng cao ở khu vực nông thôn, chợ cóc, khu vực giết mổ nhỏ lẻ... làm cho giá lợn thịt cục bộ ở nhiều nơi tăng cao, gây lan tỏa tâm lý thị trường đang thiếu nguồn cung lợn thịt và kéo giá lợn thịt của cả nước lên cao", đại diện Cục Chăn nuôi cho hay.
Theo đánh giá của Cục Chăn nuôi, nguồn cung lợn thịt ra thị trường sẽ cao hơn từ tháng 8 đến tháng 12/2018 vì thời điểm này các giải pháp tăng năng suất vỗ béo và năng suất sinh sản của đàn lợn mới có kết quả.
Trong khi giá thịt lợn trong nước tăng cao, giá nhập khẩu của mặt hàng này lại thấp hơn rất nhiều. Theo thông tin mới nhất từ Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, cả nước nhập khẩu 19.581 tấn thịt lợn, tổng trị giá kim ngạch gần 22,23 triệu USD. Như vậy, tính bình quân trị giá mỗi kg thịt lợn nhập khẩu là hơn 1,13 USD (chưa thuế), tương đương khoảng 26 nghìn đồng/kg.
Trước tình hình trên, đại diện Bộ NN-PTNT nhận định: Giá lợn xuất chuồng hiện nay tăng quá cao, diễn biến phức tạp ảnh hưởng lớn đến chỉ số tiêu dùng và tiềm ẩn nguy cơ phá vỡ các cân đối của ngành hàng thịt lợn trong thời gian tới. Bộ NN-PTNT cũng vừa ra văn bản đề nghị Chủ tịch UBND các địa phương chỉ đạo đơn vị liên quan khẩn trương triển khai nhiều giải pháp như thống kê nhanh quy mô đàn nái hiện có và đầu lợn, sản lượng lợn thịt dự kiến trong từng tháng từ nay đến tháng 2/2019, so sánh với cùng kỳ năm 2017; tuyên truyền để người chăn nuôi và thương lái cùng có trách nhiệm ổn định thị trường, ngành hàng chăn nuôi nói chung và chăn nuôi lợn nói riêng.
Theo đó, không đẩy giá lợn vượt ngưỡng 50.000 đồng/kg, xuất lợn đúng tuổi, đúng khối lượng không đầu cơ, găm hàng chờ giá tăng giá và tuyệt đối không để các doanh nghiệp chăn nuôi lớn trên địa bàn làm giá. Đồng thời, các địa phương triển khai các biện pháp bình ổn giá thịt lợn và khuyến cáo người tiêu dùng chuyển đổi cơ cấu tiêu dùng thực phẩm phù hợp hơn với nguồn cung thực phẩm trong nước.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận