Thị trường

Giá vàng hôm nay (10/11/2019): Vừa giảm sâu, tuần tới vàng tăng hay giảm?

10/11/2019, 09:54

Giá vàng hôm nay (10/11/2019): Sau tuần giảm sâu với 4/5 phiên lao dốc, tuần tới vàng tăng hay giảm?

img
Thị trường tỏ ra bi quan với diễn biến giá vàng tuần tới

Theo kết quả khảo sát diễn biến giá vàng tuần tới, đa số ý kiến của chuyên gia và giới đầu tư đều dự đoán giá vàng sẽ tiếp tục giảm.

Cụ thể, tuần này có tới 62% chuyên gia dự báo giá vàng giảm, chỉ có 31% dự báo giá tăng và 8% giữ quan điểm trung lập.

Còn đối với kết quả khảo sát trực tuyến các nhà đầu tư trên thị trường chính, tỷ lệ dự báo giá vàng tăng nhỉ hơn với 49%, trong khi có 33% dự báo giá giảm và 18% cho rằng giá vàng đi ngang.

Tuần trước, đa số chuyên gia cũng dự đoán giá vàng sẽ giảm mạnh. Trên thực tế, thị trường kim loại quý vừa khép lại một tuần giao dịch với mức giảm tính theo tỷ lệ phần trăm mạnh nhất kể từ tháng 5/2017 khi giới đầu tư chuyển hướng sang các tài sản mang lại lợi nhuận cao hơn nhờ sự lạc quan về triển vọng của thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung.

Trong tuần, giá vàng thế giới ghi nhận 4/5 phiên giảm giá và chốt tuần ở mức thấp dưới 1.460 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng giảm 3,26%. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ tuần kết thúc ngày 5/5/2017.

Hỗ trợ cho giá vàng thời điểm này không có thông tin địa chính trị nào đủ lớn. Về kinh tế, một số thông tin liên quan tới hai nên kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Tại Mỹ, nợ quốc gia của Mỹ đang ở tình trạng "báo động đỏ" dù tình hình kinh tế tháng 10 lạc quan hơn.

Không chỉ Mỹ, nhiều phân tích cũng nghi ngờ Trung Quốc sẽ đối mặt với làn sóng vỡ nợ lớn nhất trong lịch sử. Con số thống kê của Bloomberg, đến 18/10, số doanh nghiệp Trung Quốc vi phạm khế ước vay nợ lên tới con số 120 với tổng số nợ không thể trả đúng hạn là 102,9 tỷ nhân dân tệ.

Bên cạnh đó, lạm phát của Trung Quốc chạm mức cao nhất kể từ năm 2012 do hậu quả của dịch tả lợn châu Phi.

Còn tại Châu Âu, giới chuyên gia cũng khuyến cáo về tình hình kinh tế ảm đạm tại Đức khi Hội đồng chuyên gia kinh tế độc lập của Đức cho rằng "thời hoàng kim" của kinh tế Đức đã kết thúc và hiện đã đến lúc nước này cần phải tiến hành cải cách kinh tế. Những hy vọng về một sự "đảo chiều" ở nền kinh tế lớn nhất Châu Âu ngày càng giảm dần và điều này có thể lan rộng ra toàn châu Âu.

Liên tiếp các thông tin tiêu cực về các nền kinh tế lớn sẽ tác động lên kinh tế thế giới trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu vốn đang tăng trưởng chậm lại thời gian gần đây. Điều này sẽ hỗ trợ cho giá kim loại quý.

img
Giá vàng trong nước giảm mạnh tuần qua. Ảnh minh họa

Trong nước, kết thúc tuần giao dịch, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường TPHCM 41,26-41,54 triệu đồng/lượng sau khi giảm 110-330 nghìn đồng hai chiều phiên cuối tuần.

Tại Tập đoàn Doji, giá vàng Doji tại thị trường Hà Nội chốt tuần 41,35-41,55 triệu đồng/lượng mua sau khi giảm 100 nghìn đồng ở chiều bán ra phiên cuối tuần.

Trong khi đó, giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu cũng giảm 100 nghìn đồng phiên cuối tuần về chốt tại 41,28-41,73 triệu đồng...

Như vậy, trong tuần qua giá vàng SJC giảm mạnh 620 nghìn đồng, vàng Doji giảm 640 nghìn đồng và vàng Rồng Thăng Long giảm 650 nghìn đồng…

Tuần qua, giá vàng trong nước cũng bám sát diễn biến giá vàng thế giới. Đến thời điểm này giá vàng thế giới quy đổi thấp hơn giá vàng trong nước 790 nghìn đồng mỗi lượng, cao hơn hơn nhiều so với con số tuần trước là 130 nghìn đồng mỗi lượng.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.