Thị trường

Giá vàng liên tục chạm đỉnh mới, ai hưởng lợi?

27/07/2020, 08:14

Số lượng vàng giao dịch trong nước tăng mạnh, trong khi giá trong nước được đẩy ngày càng cao hơn so với giá thế giới.

img
Nhiều tiệm vàng tại TP HCM xuất hiện cảnh người dân rồng rắn xếp hàng mua bán vàng

Giá vàng trung bình khoảng 1,5 - 1,8 triệu đồng/lượng. Ai là người hưởng lợi? Nên mua vào hay bán ra lúc này?

Đội mưa đi mua vàng

Sau khi chạm ngưỡng 50 triệu đồng/lượng vào tuần đầu tiên của tháng 7, giá vàng miếng SJC bắt đầu phá đỉnh mới khi chạm ngưỡng 51 triệu đồng/lượng vào ngày 21/7. Từ 21/7 - 24/7 giá vàng đã tăng thêm 6 triệu đồng/lượng khi chạm ngưỡng 56 triệu đồng/lượng.

Ở một vài điểm bán lớn tại TP HCM và Hà Nội đã xuất hiện cảnh người dân rồng rắn xếp hàng mua bán vàng. Đặc biệt trong ngày 24/7 khi giá vàng đạt đỉnh ở ngưỡng 56 triệu đồng/lượng, TP HCM bước vào mùa mưa nhưng cuối ngày vẫn nhiều khách hàng mặc áo mưa đi mua vàng.

Một công ty vàng tại Hà Nội cho biết, những năm vừa qua, vào những dịp hè lượng giao dịch mua và bán khá chậm. Có những ngày nhân viên ngồi chơi không, kinh doanh vàng không đủ tiền trả tiền điện nước.

Còn những tháng cao điểm, có ngày giao dịch được 400 lượng, có khi 300 lượng, 200 lượng. Tuy nhiên, những ngày qua, lượng giao dịch tăng vọt khi rơi vào khoảng 500-700 lượng/ngày.

Đại diện PNJ cũng tiết lộ, nếu trong tháng 4 tăng trưởng còn âm thì tháng 5 và 6 tăng trưởng bán lẻ lần lượt đạt 20% và 26% so với cùng kỳ năm ngoái.

Ông Nguyễn Kế Tân, chủ tiệm vàng Tân Văn Minh tại tỉnh Vĩnh Long cho hay, những ngày qua lượng giao dịch tăng khá mạnh, có ngày bán được vài chục lượng, nhưng cũng có ngày bán cả trăm lượng. Dân miền Tây mê vàng, đặc biệt là thích mua vàng nhẫn 24k 9999.

“Thói quen của người miền Tây thích đeo vàng, để dành và khi cần tiền thì ra tiệm vàng bán. Đặc biệt giá vàng nhẫn cũng không tăng cao so với vàng miếng. Khoảng cách giữa giá mua và bán chỉ vài chục đến 100.000 đồng/lượng mà thôi”, ông Tân nói.

Theo TS. Nguyễn Thế Hùng - chuyên gia vàng thuộc Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, những ngày qua lượng giao dịch trên thị trường vàng khá sôi động. Các doanh nghiệp kinh doanh vàng tùy vào quy mô, lượng giao dịch rơi vào từ từ hàng trăm đến cả nghìn lượng.

“Tuy nhiên, thị trường có dấu hiệu bị “sốc”, do đó các doanh nghiệp cũng dè chừng trong các giao dịch bán sỉ. Nếu mua vào quá nhiều, giá sụt giảm mạnh thì lỗ nặng. Nếu bán ra quá nhiều mà không mua vào được cũng chết.

Vì thế, dù sóng mạnh nhưng mãi lực mua bán thực sự chưa tương xứng”, ông Hùng nói và cho biết, số lượng vàng giao dịch trong nước tăng mạnh, trong khi giá trong nước được đẩy ngày càng cao hơn so với giá thế giới khoảng 1,5-1,8 triệu đồng/lượng.

Bao nhiêu rủi ro người tiêu dùng gánh

Vậy có hay không việc các doanh nghiệp vàng đẩy giá cao kiếm lời? Theo ông Huỳnh Trung Khánh, Cố vấn cấp cao Hội đồng Vàng thế giới (WGC) tại Singapore, Thái Lan, Indonesia và Việt Nam, giá vàng càng lên cao, khoảng cách giữa giá mua - bán càng giãn rộng.

Giá vàng tăng đột biến khiến các doanh nghiệp kinh doanh vàng cũng “né” rủi ro nên đã nới rộng chênh lệch mua bán, bởi nếu giá vàng thế giới tụt dốc thì doanh nghiệp lỗ nặng.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước, Chi nhánh TP HCM cho biết, đến nay vẫn không có hiện tượng rút tiền tiết kiệm đi mua vàng. Thống kê cho thấy tiền gửi tiết kiệm vẫn tăng, doanh số mua bán vàng của các ngân hàng vẫn tương đương với cùng kỳ tháng trước.


Cùng quan điểm, ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh vàng Việt Nam (VGB) nhận định, thị trường có chút “hốt hoảng” nên đã có lúc giá trong nước thoát ly với thị trường thế giới.

Điều này dẫn đến rủi ro cực lớn đối với những người nhảy vào thị trường trong thời điểm đó. Các doanh nghiệp vàng chắc chắn không dám ôm vàng mà phải cân đối trạng thái để tránh lỗ khi giá thế giới đột ngột giảm.

“Việc để biên độ giữa mua và bán quá cao cho thấy mức độ rủi ro của thị trường, nên tôi luôn nói rằng đây không phải sân chơi cho những người không chuyên. Nhưng việc mua tích trữ như một tài sản thì là một việc khác”, ông Hải nói.

Một doanh nghiệp vàng tại TP HCM thừa nhận, biên độ giữa mua và bán chênh lệch là bởi thấy rủi ro cao từ biến động giá vàng thế giới, nên phải “thủ thế” trong bối cảnh nguồn cung vàng hạn hẹp đề phòng lỗ.

Vậy giá vàng tăng vọt, cùng với đó là mua vào giá thấp, bán ra giá cao, ai là người được lợi? Chủ tiệm vàng Tân Văn Minh Nguyễn Kế Tân khẳng định, thời gian qua ai có nhiều vàng thì người đó lời nhiều. Chẳng hạn một tiệm vàng duy trì trạng thái là 1.000 lượng, giá vàng giữa năm 2019 cũng chỉ 36 triệu đồng/lượng tương đương là 36 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đến nay sau 1 năm vàng đã lên 55-56 triệu đồng/lượng, nghĩa là tiệm vàng đó có thêm 20 tỷ đồng khi tổng giá tiền là 55-56 tỷ đồng. Hoặc với những người mua vào giữa tháng 7 giá 50 triệu đồng/lượng thì nay cứ 1 lượng lời 5-6 triệu đồng.

Vậy với những người mua bán nhỏ lẻ thì sao? Ông Huỳnh Trung Khánh cho rằng, phần thiệt nằm ở những người mua nhỏ lẻ. Vì người dân đã mua với giá cao hơn so với thế giới và khi bán ngay cũng đã lỗ 1,5 triệu đồng/lượng.

“Biết chênh lệch giữa giá mua và bán tới 1,5 triệu đồng mà vẫn nhào vô thì phải tự chịu. Nói cách khác bao nhiêu rủi ro đều rơi vào người tiêu dùng hết. Bởi thế không nên lướt sóng, còn mua vàng coi như đó là tài sản cứ để đó thì lời”, ông Khánh nói.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.