Hàng không

Giá vé máy bay còn cao đến bao giờ?

27/02/2024, 10:00

Nhiều hành khách phản ánh, dù đã qua rằm tháng Giêng, qua cao điểm Tết nhưng giá vé máy bay vẫn neo ở mức cao, thậm chí rất cao. Vì sao lại có thực trạng này và khi nào khách có thể mua được vé máy bay rẻ hơn?

Cạn vé, giá cao

Khảo sát của PV Báo Giao thông, trên các kênh bán vé trực tuyến, trên chặng Hà Nội - TP.HCM, giá vé máy bay ngày 27/2 do Vietnam Airlines mở bán có mức thấp nhất là 3,5 triệu đồng. Vietjet, Bamboo Airways cũng mở bán mức giá tương tự hoặc thấp hơn không đáng kể.

Giá vé máy bay còn cao đến bao giờ?- Ảnh 1.

Dù đã qua cao điểm vận chuyển hành khách dịp Tết nhưng vé máy bay vẫn ở mức cao (Trong ảnh: Hành khách qua Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài).

Trong khi đó, chặng Hải Phòng - TP.HCM, khách bay Vietjet đã không còn cơ hội mua vé trong ngày này. Tuy nhiên, nếu lùi một ngày, sang ngày 28/2, hành khách vẫn còn cơ hội mua vé dù không nhiều.

Cụ thể, trong số 5 chuyến bay hãng này mở bán trong ngày, có 4 chuyến hết toàn bộ vé. Chỉ còn chuyến bay cất cánh lúc 20h20 còn 7 chỗ trống với mức giá bán hạng rẻ nhất eco (chỉ có 7kg hành lý xách tay, không đổi trả) là gần 3,4 triệu đồng (đã bao gồm thuế, phí sân bay). Sang ngày 29/2, dù mức giá không giảm nhưng ghế trống còn nhiều. Đáng nói, bước sang tháng 3, giá vé giảm đáng kể, từ 500 - 700 nghìn đồng/vé.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với các chuyến bay của Vietnam Airlines khi các chuyến bay từ Hải Phòng đi TP.HCM đều đã kín chỗ trong ngày 27/2. Khách hàng của hãng nếu muốn bay từ Hải Phòng sẽ phải chấp nhận lùi sang các ngày sau đó với mức giá mở bán ngày 28/2 là 3,5 triệu đồng, ngày 29/2 là từ 3 triệu đồng và càng rẻ hơn nếu đi trong tháng 3.

Một số đường bay từ các "ga lẻ" như: Chu Lai, Huế, Phù Cát đi TP.HCM cũng trong tình trạng tương tự.

Trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Vietnam Airlines cho hay, hiện vẫn đang giai đoạn cao điểm sau Tết, nhu cầu đi lại của người dân vẫn ở mức cao.

"Trước Tết, người dân từ miền Nam ra ăn Tết, bây giờ bay lại vào làm việc. Việc này dẫn đến tình trạng căng tải trên các đường bay từ Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh… vào TP.HCM. Nhu cầu tăng cao dẫn đến tình trạng căng chỗ, giá vé cao", đại diện Vietnam Airlines thông tin.

Cũng theo vị này, tình hình căng thẳng vé máy bay sẽ chỉ kéo dài 2 - 3 tuần sau Tết, đặc biệt là sau rằm tháng Giêng, sau đó sẽ dần trở lại bình thường. Đặc biệt, giá vé máy bay sẽ giảm và bắt đầu vào mùa thấp điểm nhất trong năm cho đến khi bước vào cao điểm hè.

"Khi vào mùa thấp điểm tháng 3, 4, 5, các hãng hàng không sẽ triển khai nhiều chương trình trình giá vé hấp dẫn nội địa và quốc tế để khuyến khích hành khách đi lại", vị này thông tin thêm.

Tổng giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam cũng cho hay: "Người dân nói giá vé cao, nhưng phải khẳng định có cao đến đâu thì cũng chẳng có hãng hàng không nào bán được quá giá trần do Nhà nước quy định. Việc người dân kêu giá vé cao là do hạng phổ thông không còn ghế nữa, buộc phải mua hạng thương gia. Mà vé hạng này thì đương nhiên làm gì có giá thấp".

Theo ông Nam, nói vé máy bay cao là dưới góc độ tỷ trọng vé giá rẻ trong mùa cao điểm rất ít. Điều này trái ngược với việc tỷ trọng vé rẻ trong mùa thấp điểm rất lớn. Thời điểm đó, hành khách có thể mua vé chỉ bằng một nửa giá trần, bằng 1/3 giá trần, thậm chí có khi còn thấp hơn cả 1/3 giá trần.

Khi số người mua được vé rẻ trong mùa cao điểm không nhiều như mùa thấp điểm thì tạo ra cảm giác vé máy bay tăng. Thực tế, ngay cả vào dịp Tết, vé máy bay vẫn bị khống chế bởi giá trần, có muốn tăng cũng không được.

Cơ chế giá linh hoạt, nhiều dải giá từ thấp đến cao

Dẫn số liệu về lượng khách đi, đến Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất những ngày qua, một chuyên gia về vận tải hàng không cho hay: Trong ngày 26/2, lượng khách quốc nội đến Tân Sơn Nhất là hơn 41 nghìn khách, trong khi đó khách đi chỉ hơn 25 nghìn. Con số này trong ngày 20/2 còn chênh lệch cao hơn khi số khách đến là hơn 52 nghìn, khách đi chỉ hơn 25 nghìn.

Khi người dân nói về việc giá vé cao thì chỉ nói về chiều cao điểm thôi. Còn trước Tết, mỗi ngày cả trăm chuyến bay rỗng từ Hà Nội vào TP.HCM và sau Tết là chiều TP.HCM ra Hà Nội thì chẳng ai nói.

Hơn nữa, giá vé của hãng hàng không đều phải nằm trong mức giá đăng ký với Cục Hàng không VN. Không hãng nào dám bán vượt khung giá quy định, bởi nhẹ thì có thể bị xử lý hành chính, nặng có thể bị thu hồi giấy phép vận tải hàng không.

Tổng giám đốc Bamboo Airways Lương Hoài Nam

"Từ sau tết Nguyên đán, sân bay Tân Sơn Nhất luôn đón lượng khách lớn trở lại miền Nam làm việc. Đó là nguyên nhân vé máy bay từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung đi Tân Sơn Nhất cao. Đây cũng là tình trạng thường xuyên xảy ra mỗi dịp Tết. Với người làm hàng không thì không có gì ngạc nhiên", vị này nói.

Liên quan đến vấn đề giá vé máy bay, đại diện Cục Hàng không VN cho biết: Giá vé máy bay (cả quốc tế và nội địa) hiện nay đều được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt với nhiều dải giá từ thấp đến cao. Mức giá sẽ tùy tình hình thị trường (cung - cầu), điều kiện vé, thời điểm xuất vé, chất lượng dịch vụ...

Đối với các đường bay nội địa, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ GTVT đã có Thông tư số 17/2019 ban hành khung giá vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa và gần đây nhất là Thông tư số 34/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019.

Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam đều thực hiện kê khai giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa với nhiều mức giá, đáp ứng nhu cầu của hành khách và đảm bảo trong khung giá quy định tại các thông tư nêu trên.

Theo cơ chế thị trường, với những giai đoạn cao điểm (cầu tăng quá lớn so với cung), các hãng hàng không đều tăng tỷ lệ bán vé ở giá cao; ngược lại với những giai đoạn thấp điểm hoặc các chuyến bay lệch đầu dịp lễ, Tết, khi nhu cầu tham gia vận chuyển của hành khách rất thấp thì các hãng đều hạ thấp giá vé.

Yêu cầu báo cáo giá vé máy bay dịp Tết

Cục Hàng không VN vừa có văn bản gửi Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Pacific Airlines, Vietravel Airlines yêu cầu báo cáo công tác bán vé máy bay dịp tết Nguyên đán 2024.

Văn bản do Phó cục trưởng Cục Hàng không VN Đỗ Hồng Cẩm ký yêu cầu các hãng hàng không báo cáo việc bán vé theo quy định của Thông tư 17/2019 của Bộ GTVT ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa. Các hãng cũng cần báo cáo việc giám sát hoạt động các hãng hàng không với các đại lý bán vé máy bay và các biện pháp xử lý.

Trước đó, Bộ GTVTG đã có văn bản yêu cầu Cục Hàng không VN chủ trì, phối hợp với các hãng hàng không Việt Nam kiểm tra làm rõ thông tin báo chí phản ánh về giá vé máy bay "sốt" từng ngày; tăng cường công tác kiểm tra hoạt động vận tải, phục vụ hành khách; công tác bán vé, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá, công khai thông tin về giá vé máy bay trong giai đoạn cao điểm tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân năm 2024; kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, xử lý vi phạm.

Theo thống kê, lượng hành khách qua đường hàng không từ ngày 8/2 - 14/2 (tức 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết) đạt hơn 1,5 triệu hành khách (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023).

Trong đó vận chuyển hành khách quốc tế đạt xấp xỉ 748,6 nghìn khách (tăng 54% so với cùng kỳ năm 2023); vận chuyển hành khách nội địa đạt hơn 762,4 nghìn hành khách (giảm 13,2% so với cùng kỳ năm 2023).


Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.