Tăng giá cước hoặc chấp nhận lỗ?
Sau điều chỉnh của liên Bộ Công Thương - Tài chính, mỗi lít xăng E5 RON 92 từ 15h ngày 1/3 giá 26.070 đồng (tăng 540 đồng); RON 95 là 26.830 đồng (tăng 550 đồng).
Giá các mặt hàng dầu cũng đều tăng. Trong đó, dầu hoả là 19.970 đồng một lít, tăng 470 đồng. Dầu diesel là 21.310 đồng một lít, tăng 510 đồng. Dầu madut là 18.460 đồng một kg, tăng 530 đồng. Đây là lần tăng thứ 6 liên tiếp của giá xăng, dầu trong nước từ giữa tháng 12/2021 đến nay.
Doanh nghiệp vận tải tiếp tục lao đao vì giá xăng dầu tăng kỷ lục - Ảnh minh họa
Ông Tạ Long Hỷ, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun Taxi) cho hay, xăng dầu tăng giá nhiều lần từ đầu năm khiến các doanh nghiệp taxi đứng trước sự lựa chọn hoặc tăng giá cước hoặc chấp nhận lỗ.
“Tăng giá cước hay không, tăng như thế nào cho phù hợp đang khiến doanh nghiệp đau đầu nhiều ngày nay. Nếu tăng ít sẽ không bõ công làm các thủ tục để tăng giá cước. Còn nếu tăng cao quá sẽ không có khách. Doanh nghiệp vừa hoạt động cầm cự vừa chông chờ vào giá xăng dầu có xuống hay không. Nếu tiếp tục tăng, doanh nghiệp buộc phải giá cước”, ông Hỷ nói.
Cũng theo ông Hỷ, khó khăn nhất là các lái xe khoán, giá xăng dầu cao chăc chắn họ càng chạy càng lỗ. Nếu không tăng giá cước, doanh nghiệp sẽ phải hỗ trợ tiền xăng cho họ. Doanh nghiệp đang điêu đứng vì dịch bệnh, hoạt động lỗ triền miên hàng trăm tỷ đồng, nay xăng dầu tăng sẽ tiếp tục lỗ. Nếu không hỗ trợ, lái xe sẽ không chạy khiến doanh nghiệp thêm khó khăn chồng chất.
“Hiện xăng dầu đang cõng 4 loại thuế, Nhà nước nên xem xét giảm thuế bảo vệ môi trường để gỡ khó cho doanh nghiệp”, ông Hỷ nói.
Ông Lê Văn Tiến, Chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa Hải Phòng cho biết, xăng dầu chiếm gần 40% cơ cấu giá thành vận tải, xăng dầu càng tăng cao tỷ, lệ này càng lớn và doanh nghiệp không có lãi. “Trước mắt doanh nghiệp vận tải vẫn tiếp tục thực hiện các hợp đồng đã ký với khách hàng và chờ họ điều chỉnh giá cước vận chuyển theo tỷ lệ tăng của xăng dầu. Dù lỗ nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chấp nhận chạy để giữ thị trường, giữ khách hàng và lái xe và trang trải các chi phí ngân hàng”, ông Tiến nói.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Giám đốc công ty cổ phần thương mại và du lịch Hà Lan cho biết, trải qua 2 năm dịch bệnh, nhiều doanh nghiệp vận tải đang đứng trước nguy cơ phá sản.
Theo ông Hà, trước đây chi phí xăng dầu chỉ chiếm khoảng 35% giá cước vận tải, khi giá xăng gần 27.000 đồng tỷ lệ này nâng lên khoảng gần 50%.
"Dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp, hơn một nửa số lao động của doanh nghiệp đã nhiễm Covid-19, không có lực lượng lao động. Trong khi đó, khách rất thấp, chỉ đạt khoảng 20% số ghế nên rất khó khăn", ông Hà nói.
Xăng dầu sẽ còn tăng, DN vận tải càng thêm khó
Trao đổi với Báo Giao thông, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long phân tích, dự báo xu hướng giá xăng dầu chưa dừng lại ở mức như hiện nay mà sẽ tiếp tục tăng.
Xăng dầu tuy chỉ chiếm 2 - 3% chi phí của nền kinh tế nhưng lại có tác động gián tiếp rất lớn. Các lĩnh vực chịu tác động nhiều nhất của việc tăng giá xăng dầu là vận tải, logistics, đáng bắt cá xa bờ và trong nông nghiệp.
Theo ông Long, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá xăng dầu thế giới. Khi giá xăng dầu thế giới tăng, giá trong nước tăng theo là tất yếu. Chúng ta không thể bình ổn giá xăng dầu khi giá thế giới tăng.
"Vấn đề là làm sao để giá xăng dầu trong nước tiệm cận với giá tăng thế giới. Chỉ có thể dùng hai công cụ là thuế và quỹ bình ổn giá xăng dầu. Dư địa quỹ bình ổn giá xăng dầu hiện không còn nhiều, chỉ còn có thể dùng công cụ thuế, trong đó chỉ có thể giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường", ông Long nói.
Ngoài giải pháp trên, ông Long cũng cho rằng, doanh nghiệp vận tải phải sử dụng tiết kiệm xăng dầu, đồng thời nâng cao năng lực quản trị để giảm giá thành, giảm chi phí đầu vào. Khi giảm được các chi phí này, giá cước vận tải sẽ giảm, giá thành và giá bán cũng giảm theo.
Trước ý kiến cho rằng nên để cho thị trường xăng dầu tự định giá, nhà nước không can thiệp định giá, ông Long cho rằng, tính chất của thị trường xăng dầu hiện nay chưa phải là thị trường tự do cạnh tranh thực sự.
Cạnh tranh đầy đủ là không có doanh nghiệp thống lĩnh thị trường, không có doanh nghiệp nào chiếm giữ trên 30% thị phần, 2 doanh nghiệp không trên 50% thị phần, 3 doanh không nghiệp trên 60% thị phần. Đối với thị trường xăng dầu Việt Nam, Petrolimex đang chiếm 47% thị phần, PVOIL, Sài Gòn Petro chiếm khoảng 65% thị phần. Ba đơn vị này đang chiếm vị trí thống lĩnh thị trường. Nếu để họ tự quyết định, giá xăng dầu sẽ rất cao. Trong bất kỳ thị trường nào còn có doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường như vậy, buộc nhà nước phải định giá.
Đã có nhiều ý kiến đề xuất theo hướng này, tuy nhiên chỉ khi nào thị trường cạnh tranh thực sự, không có doanh nghiệp chiếm thị phần như đã nêu, khi đó nhà nước mới không định giá, để cho thị trường tự quyết định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận