Dù 2 đội tuyển đang tiến bộ và thể hiện phong độ thuyết phục tại vòng loại thứ hai khu vực châu Á, nhưng để có thể chạm vào giấc mơ World Cup 2022 vẫn là một hành trình dài với Việt Nam và Thái Lan.
Xứng danh anh cả
Tại vòng loại thứ hai World Cup 2022 khu vực châu Á, đội tuyển Việt Nam và Thái Lan đang thể hiện phong độ khá ấn tượng. Sau lượt trận ra quân cầm chân nhau không bàn thắng, hai đội bóng hàng đầu Đông Nam Á đã thắng liền hai trận, giành 3 điểm để cùng nhau dẫn đầu bảng G (Thái Lan xếp số 1 nhờ hơn chỉ số phụ).
Thành tích của Việt Nam, Thái Lan đặt trong bức tranh chung của các đội bóng Đông Nam Á càng thêm nổi bật. Malaysia đá 3 trận giành 3 điểm, Philippines và Singapore đang có 4 điểm sau 3 trận. Campuchia đá 4 trận mới có 1 điểm nhưng còn khá hơn Myanmar và Indonesia, hai đội chưa có bất kỳ điểm số nào. Đương nhiên, cũng chỉ Việt Nam và Thái Lan có nhiều cơ hội lọt vào vòng loại thứ 3, với điều kiện duy trì phong độ như hiện tại.
Nhìn vào những con số, rõ ràng Thái Lan, Việt Nam đang là lá cờ đầu ở Đông Nam Á - khu vực vốn được coi là vùng trũng của bóng đá thế giới. Nhưng ngoài điểm số, hai cái tên này còn gây ấn tượng khi thể hiện được bản lĩnh trong lối chơi.
Với Việt Nam, đội bóng áo đỏ vẫn duy trì phong cách vốn trở thành thương hiệu suốt 2 năm qua. Dưới bàn tay nhào nặn của HLV Park Hang-seo, “rồng vàng” trình diễn bộ mặt cực kỳ khó chịu dựa trên nền tảng hệ thống phòng ngự chắc chắn. Báo chí châu Á thậm chí ví hàng thủ tuyển Việt Nam giống như một khối kim cương. Ngay cả những đội bóng hàng đầu châu lục cũng gặp nhiều khó khăn khi đối đầu nhà đương kim vô địch Đông Nam Á. Bằng chứng là tại vòng tứ kết Asian Cup 2019, Nhật Bản chỉ thắng được Việt Nam 1-0.
Với Thái Lan, sau một thời gian rơi vào tình cảnh mất phương hướng, “Voi chiến” đã thực sự lột xác dưới thời HLV Akira Nishino. Nhà cầm quân người Nhật Bản với phong cách huấn luyện hiện đại đã giúp thay đổi hoàn toàn bộ mặt tuyển Thái Lan. Từ một tập thể rệu rã, đoàn quân xứ chùa vàng đã chơi đầy gắn kết với linh hồn là những pha đập nhả liên tục ở cự ly ngắn. Ở lượt đấu gần nhất, người Thái xuất sắc đánh bại “ông kẹ” UAE, đội được đánh giá cao nhất bảng G.
HLV Triệu Quang Hà cho rằng, ông không hề bất ngờ khi hai nền bóng đá trên chơi tốt tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á. “Thái Lan, Việt Nam những năm gần đây có sự đầu tư lớn cho bóng đá, tập trung phát triển toàn diện ở mọi cấp độ và tạo ra được thành quả là lứa cầu thủ chất lượng, bản lĩnh. Sự so kè giữa hai nền bóng đá rõ ràng đã tạo ra động lực phát triển. Theo tôi, sự so kè hiện nay đã bước lên một tầm cao mới khi hai đội tuyển cạnh tranh ở giải châu lục, World Cup chứ không còn đơn thuần là cạnh tranh tại ao làng Đông Nam Á”, ông Hà nói.
Đồng quan điểm, bình luận viên Vũ Quang Huy chia sẻ: “Thái Lan từng vào tới vòng loại thứ ba, nền bóng đá của họ cũng có tiềm lực, giải vô địch quốc gia chất lượng nên việc họ chơi tốt cũng không quá ngạc nhiên. Việt Nam là kết quả của một quá trình tích lũy, phát triển. Có những giai đoạn bóng đá Việt Nam đạt được thành tích cao nhưng rồi không phát huy được để nhảy vọt lên tầm cao mới. Giờ thì khác, đội tuyển Việt Nam đã có bước tiến mạnh về cả lượng và chất nên mục tiêu cũng phải được nâng cao”.
World Cup vẫn còn xa
Trong lịch sử, chưa khi nào đội tuyển Việt Nam chơi thuyết phục như vậy tại vòng loại một kỳ World Cup. Thái Lan cũng đang tràn trề hi vọng lần thứ hai liên tiếp góp mặt ở vòng loại cuối cùng. Tuy nhiên, kể cả khi đi tiếp, nhìn vào việc đội bóng xứ chùa vàng gặp nhiều khó khăn ở vòng loại thứ ba World Cup 2018, hẳn nhiều người hâm mộ cảm thấy lo lắng cho hai đội tuyển mạnh nhất khu vực. Cụ thể, Thái Lan chỉ giành được 2 điểm tại bảng B sau 10 trận đối đầu với Nhật Bản, Ả Rập Xê Út, Australia, UAE, Iraq. Thày trò HLV Kiatisak cũng là đội giành được điểm số thấp nhất.
Đánh giá về cơ hội cho tuyển Việt Nam lẫn Thái Lan trong trường hợp đi tới vòng loại cuối, HLV Triệu Quang Hà tỏ ra khá tự tin. “Cơ hội cho Việt Nam, Thái Lan không hẳn không có bởi cách chơi của hai đội bóng này hiện tại được coi là khắc tinh của các đội bóng Tây Á. Thực tế cũng cho thấy Việt Nam thường chơi hay khi gặp các đối thủ tới từ khu vực này. Những đại diện ở Đông Á như Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ khó khăn hơn nhưng nếu toan tính tốt thì khả năng giành điểm với Việt Nam, Thái Lan vẫn có thể xảy ra”.
Dẫu vậy, ông Hà cũng cho rằng, mục tiêu hợp lý của “Những chiến binh sao vàng” và “Voi chiến” là nhắm tới vị trí đá play-off. “Ở châu Á, Nhật Bản, Hàn Quốc, Iran, Ả Rập Xê Út, Australia là nhóm hàng đầu, thực lực vượt xa so với phần còn lại. Trong khi đó, châu Á cũng chỉ có 5 suất dự World Cup nên để chen chân vào top 5 là mục tiêu rất khó”, ông Hà cho hay.
Bình luận viên Vũ Quang Huy thì cho rằng, vượt qua được vòng loại thứ hai rồi mới tính tiếp nhưng không nên đặt quá nhiều kỳ vọng vào Thái Lan hay Việt Nam. “Vòng ba quy tụ toàn “ông kẹ” của khu vực, từng nhiều lần dự World Cup và đã có nền tảng cực kỳ vững chắc. Chính bởi vậy, hai đại diện Đông Nam Á nếu đi tới vòng này thì cứ thoải mái mà chơi, chơi để tích lũy kinh nghiệm, học hỏi được nhiều hơn cho chặng đường phía trước”, ông Huy nhận định.
Ông Huy cũng nhấn mạnh, mục tiêu World Cup 2026 có lẽ phù hợp với Thái Lan, Việt Nam hơn. “Với cơ cấu như hiện tại, Thái Lan, Việt Nam rõ ràng không nhìn thấy cửa cạnh tranh cho một tấm vé dự World Cup 2022. Tuy nhiên, World Cup 2026 thì khác, châu Á sẽ có thêm khoảng 4 suất và cơ hội sẽ mở rộng hơn với những nền bóng đá top dưới như Thái Lan, Việt Nam, Syria, UAE. Riêng Việt Nam, tôi nghĩ cơ hội khá rõ ràng bởi nếu theo đúng lộ trình, 4 năm nữa chúng ta sẽ có một lứa cầu thủ ở độ chín nhất của sự nghiệp. Vì vậy, vòng loại World Cup 2022 dù không thành công cũng là bài học lớn cho tuyển Việt Nam”, ông Huy cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận