Bên cạnh rất nhiều công ty hậu cần trong khu vực như Lalamove và J&T Express… đã mở rộng hoạt động ra các khu vực khác trên thế giới, một đối thủ mới nổi trong ngành là Ninja Van, cũng vừa kết thúc vòng gọi vốn Series E, đạt 578 triệu USD, đánh dấu một bước phát triển mới trong lĩnh vực logistics khu vực.
Với số vốn đầu tư 578 triệu USD, Công ty logistics Ninja Van đã trở thành “kỳ lân” khởi nghiệp mới tại Singapore
Kỳ lân mới của ngành logistics Đông Nam Á
Với vòng gọi vốn Series E, Ninja Van đã vượt lên trở thành “kỳ lân” mới (công ty khởi nghiệp có giá trị trên 1 tỷ USD) của Singapore nói riêng và khu vực nói chung. Trong đó, Tập đoàn Alibaba, công ty mẹ của nền tảng thương mại điện tử Lazada là một trong số các nhà đầu tư của công ty Singapore.
Theo báo Business Times, công ty Ninja Van cho biết, sẽ sử dụng số vốn trên củng cố hạ tầng và hệ thống công nghệ, xây dựng cơ cấu chi phí dài hạn, bền vững cũng như đảm bảo chất lượng trong hoạt động của Ninja Van.
Ngoài ra, tiền vốn sẽ được đầu tư vào giải pháp chuỗi cung ứng nhỏ giúp các doanh nghiệp Đông Nam Á tận dụng tối ưu mọi cơ hội trong ngành thương mại điện tử.
Ninja Van được thành lập vào năm 2014 tại Singapore, hoạt động trong lĩnh vực giao hàng chặng cuối, tức là vận tải hàng hóa từ trung tâm phân phối/ kho lưu trữ hàng hóa đến điểm giao hàng cuối cùng. Kể từ đó đến nay, công ty đã mở rộng hoạt động sang các thị trường khác trong khu vực như: Malaysia, Indonesia, Thái Lan, Philippines và Việt Nam.
Lý giải về quyết định góp vốn cho Ninja Van, Giám đốc Đầu tư của Tập đoàn Alibaba tại Đông Nam Á - ông Kenny Ho cho biết: “Chúng tôi rất tin tưởng vào năng lực thương mại điện tử ở khu vực Đông Nam Á, nhất là năng lực logistics dựa trên công nghệ để thúc đẩy tăng trưởng thương mại điện tử”.
Sức hút của thị trường Đông Nam Á
Ninja Van đang có hơn 61.000 nhân viên làm việc tại văn phòng và giao hàng
Không phải ngẫu nhiên khi tập đoàn hàng đầu Trung Quốc đặt niềm tin vào thị trường hậu cần tại khu vực Đông Nam Á.
Theo Công ty Insight Partners, thị trường logistics trong khu vực đã đạt 36,4 tỷ USD trong năm 2017. Dự kiến sẽ lên tới 55,7 tỷ USD vào năm 2025.
Bên cạnh đó, công ty cố vấn AT Kearney cũng dự báo, khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là 10 nước trong hiệp hội ASEAN, có khả năng sẽ nhảy vọt lên hàng đầu trong nền kinh tế điện tử toàn cầu.
Những yếu tố khiến AT Kearney đưa ra nhận định tự tin trên đó là: Đông Nam Á đang sở hữu nền kinh tế phát triển nhanh với GDP toàn khu vực (khoảng 3,8 nghìn tỷ USD) tăng đáng kể so với cùng kỳ năm trước, theo trang dữ liệu Statista.
Bên cạnh đó, dân số khu vực dồi dào với hơn 600 triệu dân và có 40% dân số là dưới 30 tuổi.
Ngoài ra, tỉ lệ sử dụng điện thoại thông minh trung bình khoảng 35% và sẽ còn tiếp tục tăng. Riêng tại Việt Nam, tỷ lệ sử dụng điện thoại thông minh chiếm trên 45% dân số, xếp thứ 15 trong các quốc gia có lượng người dùng điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.
Không chỉ vậy, công ty nghiên cứu thị trường Nielsen còn cho biết, dân số thuộc tầng lớp trung lưu tại Đông Nam Á là khoảng 400 triệu người, đã tăng gấp đôi so với quy mô năm 2012.
Trang Asian Robotics Review dẫn lời bà Regina Lim, Giám đốc bộ phận thị trường vốn tại Công ty Dịch vụ bất động sản và Quản lý đầu tư JLL nhận định: “Người trẻ châu Á rất linh hoạt, đã nhanh chóng khai thác mạng xã hội và sử dụng công nghệ để vượt qua những rào cản khó khăn. Nhiều khách hàng đã không còn sử dụng máy tính, thay vào đó dùng điện thoại thông minh để mua sắm”.
Bà Lim chỉ ra, trong vòng 30 ngày, tính đến ngày 28/5, đã có khoảng 20 - 30% người dùng mạng ở Đông Nam Á mua một món hàng qua hình thức trực tuyến. Tỉ lệ này gần tương đương với thị trường tại Mỹ và Anh.
Ninja Van giao 2 triệu thùng hàng/ngày
Ninja Van đang có hơn 61.000 nhân viên làm việc tại văn phòng và nhân viên giao hàng, với năng suất khoảng 2 triệu thùng hàng/ngày trên toàn khu vực. Tháng 7 vừa rồi, có thông tin, Ninja Van sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán vào đầu năm sau.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận