Giao thông trên QL5 đoạn qua Khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương) luôn tiềm ẩn TNGT mỗi khi vào giờ cao điểm do công nhân đi ngược chiều đường |
Đề án tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT tại khu vực có khu công nghiệp, cụm công nghiệp (KCN, CCN) trên cả nước vừa được Bộ GTVT phê duyệt đưa ra nhiều giải pháp nhằm giảm thiểu TNGT và ùn tắc tại các địa điểm này.
Báo động tỷ lệ TNGT tại các KCN
Thời gian qua, công tác tổ chức giao thông, phân tuyến, phân làn tại các KCN, CCN trên địa bàn cả nước vẫn còn nhiều bất cập, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT và TNGT cao. Thực tế, tại KCN Yên Phong trên QL18 (tỉnh Bắc Ninh) vào giờ cao điểm, PV Báo Giao thông chứng kiến, nhiều công nhân đi ngược chiều, lấn làn, vượt làn. Trong khi đó, mặc dù trong KCN quy hoạch bãi đỗ xe, bố trí các điểm đón, trả công nhân, nhưng các phương tiện đi từ các hướng về bãi đỗ xe phải nhập dòng vào điểm đấu nối, đi qua vòng xuyến, thường xuyên gây ùn tắc giao thông. Chưa kể đến từ QL18 vào KCN chỉ có một điểm đấu nối, không đáp ứng được yêu cầu.
Đến năm 2020, hàng năm 100% cán bộ và người lao động tại KCN và người dân xung quanh được tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự ATGT; 100% lái xe cho các KCN, CCN được tập huấn về kỹ năng lái xe an toàn và đạo đức của người lái xe; Xóa bỏ 100% các điểm đen và điểm tiềm ẩn nguy cơ xảy ra TNGT tại khu vực xung quanh các KCN, CCN; 80-100% các KCN, CCN quy mô lớn và vừa được kết nối xe buýt có điểm dừng, đỗ thuận tiện, an toàn. |
Một công nhân làm việc ở KCN Yên Phong chia sẻ: “Vào giờ tan ca ở khu vực quanh KCN, ô tô, xe máy, xe đạp, người đi bộ mạnh ai nấy chen nên tại đây thường xuyên xảy ra ùn tắc. Chúng tôi nơm nớp nỗi lo gặp nạn mỗi khi đi qua ngã tư này. Nhiều khi phải chấp nhận vi phạm pháp luật giao thông để kịp giờ làm. Nếu chỉ chậm khoảng 5-10 phút là bị trừ lương”.
Trước đó, Báo Giao thông đã có loạt bài phản ánh những bất cập về hạ tầng tại một số KCN khiến tình trạng công nhân đi ngược chiều đường đang tạo ra các điểm đen TNGT tại cổng các KCN có quốc lộ chạy qua. Điển hình trên QL5, khu vực từ KCN Nam Sách đến KCN Lai Vu thường xuyên xảy ra ùn tắc và đã xảy ra nhiều vụ TNGT nghiêm trọng.
Đánh giá về thực trạng này, ông Lê Văn Đạt, Giám đốc Trung tâm phân tích cơ sở dữ liệu ATGT (Viện trưởng Viện Chiến lược và phát triển GTVT) (Bộ GTVT) - đơn vị lập Đề án tăng cường các giải pháp đảm bảo trật tự ATGT tại khu vực có KCN, CCN trên cả nước cho biết, hiện cả nước có trên 600 CCN và trên 200 KCN đang hoạt động. Qua phân tích các vụ TNGT cho thấy, TNGT gần khu vực các KCN ngày càng gia tăng. Cụ thể, TNGT trên QL1 đoạn Km1927 - Km1935 qua tỉnh Long An với ba KCN có tỷ lệ số người chết trên số km là 2,7, cao gấp 1,7 lần so với đoạn qua ba tỉnh Tiền Giang, Long An và Vĩnh Long. Trên QL5 đoạn qua ba KCN Nam Sách, Lai Vu, Phú Thái có tỷ lệ người chết là 1,44/km, cao gấp 6 lần so với toàn tuyến. Hay như trên QL18 (Bắc Ninh) đoạn qua các KCN Yên Phong và Quế Võ, tỷ lệ số người chết vì TNGT/km cao gấp 1,28 lần so với toàn tuyến.
>>>Xem thêm video:
Nguyên nhân của thực trạng này, theo ông Mười, cùng với sự phát triển của các KCN, CCN bên cạnh nguyên nhân do công tác tuyên truyền pháp luật trật tự ATGT cho cán bộ, công nhân còn nhiều hạn chế thì những bất cập về hạ tầng như: Thiếu hệ thống cầu vượt, đường gom, hệ thống biển báo, các điểm dừng đỗ, đón trả khách trong KCN cho xe buýt, xe đưa đón công nhân... khiến việc chấp hành pháp luật về trật tự ATGT gặp khó.
Nhiều giải pháp đồng bộ
Ông Vũ Xuân Dũng, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV KCN Lai Vu (Hải Dương) cho rằng, đi ngược chiều, cắt ngang mặt đường… là những lỗi thường xuyên tái diễn ở một bộ phận không nhỏ công nhân. Nguyên nhân do tồn tại bất cập về hạ tầng.
“Điều quan trọng hơn là tạo điều kiện hỗ trợ các công ty xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội tại khu vực liền kề hàng rào KCN, cụ thể là các hạng mục công trình: Cầu đi bộ vượt qua tuyến quốc lộ tại phía trước cổng KCN; Mở đường gom, lối ra đường cao tốc; Làm cầu vượt hoặc hầm chui cho người đi bộ qua đường; Tổ chức phân luồng giao thông hợp lý tại các vị trí nguy cơ cao xảy ra TNGT - tạo điều kiện cho công nhân tham gia giao thông thuận tiện, an toàn”, ông Dũng đề xuất.
Ông Nguyễn Văn Thạch, Vụ trưởng Vụ ATGT cho biết, đề án nhằm mục tiêu nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự ATGT cho cán bộ quản lý, người lao động trong các KCN, CCN và người dân sống xung quanh các điểm này. Cùng đó là nâng cao điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông, tăng cường công tác quản lý nhà nước và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp về công tác bảo đảm trật tự ATGT nhằm giảm 5 - 10% số người chết do TNGT.
Để đạt mục tiêu trên, ông Thạch cho biết, đề án đã đề ra nhiều nhiệm vụ và giải pháp như: Rà soát và điều chỉnh quy hoạch chi tiết các KCN, CCN phù hợp với quy hoạch giao thông vận tải; Rà soát và điều chỉnh quy hoạch tuyến xe buýt, bố trí các điểm dừng, đỗ trong KCN, CCN. Đồng thời, kết cấu hạ tầng GTVT trong KCN, CCN phải tuân thủ các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn về GTVT và bảo đảm ATGT, đảm bảo kết nối đồng bộ với hệ thống cơ sở hạ tầng khác; Rà soát và bố trí các tuyến xe buýt có điểm dừng đón, trả khách trong các KCN, CCN có nhu cầu...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận