Ngăn chặn tình trạng người ăn xin lang thang
Là thành phố cảng biển lớn và là một trong số ít địa phương trên cả nước hội tụ đủ cả 5 loại hình giao thông quan trọng; TP Hải Phòng xác định bảo đảm trật tự an toàn giao thông (ATGT), văn minh đô thị là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, tại nhiều khu vực chợ dân sinh như chợ Cát Bi, quận Hải An; chợ An Đà, quận Ngô Quyền hay tại nhiều khu vực ngã ba, ngã tư, trục đường trung tâm thành phố như: Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Nguyễn Đức Cảnh, Trần Nguyên Hãn.; các nhà hàng, quán ăn... tái diễn tình trạng người lang thang hành nghề ăn xin.
Nhiều người bán hàng lấy lệ, nhưng thực chất là ăn xin, gây mất an toàn đối với chính bản thân họ, ảnh hưởng không nhỏ đến người tham gia giao thông, sinh hoạt của người dân và mỹ quan đô thị.
Trước thực trạng này, từ đầu năm 2023 đến nay, Công an TP Hải Phòng đã phối hợp các ngành, địa phương đã tiến hành rà soát, ngăn chặn tình trạng người lang thang ảnh hưởng đến sự an toàn của người dân, mỹ quan đô thị. Đồng thời, thực hiện các chính sách, giải pháp thiết thực giải quyết bài toán an sinh.
Đại úy Lê Thành Trung, cán bộ Đội Cảnh sát trật tự (Công an TP Hải Phòng) nhận xét: Không ít trường hợp người lang thang, ăn xin nghiện ma túy, nhiễm HIV nên tâm lý bất ổn, bất cần. Những người này sẵn sàng có hành vi chống lại lực lượng làm nhiệm vụ như hô hoán bị cướp, rồi dùng kim tiêm dọa lây nhiễm bệnh...
Khi tiếp cận, cán bộ vừa giải thích, thuyết phục, vừa có biện pháp cưỡng chế đưa vào các cơ sở chăm sóc, bảo trợ xã hội. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, lực lượng công an phát hiện có trường hợp vài tháng sau lại tái diễn lang thang, ăn xin.
"Theo quy định, các cơ sở bảo trợ xã hội khi xác minh rõ nhân thân, địa chỉ cư trú, sẽ bàn giao người lang thang, ăn xin về địa phương. Tuy nhiên, do không có việc làm, thu nhập, không có người thân giúp đỡ, cưu mang, nên một số người tiếp tục tái lang thang, ăn xin. Bên cạnh đó, không ít trẻ em, người tàn tật, mang bệnh bị một số đối tượng lợi dụng trục lợi", đại úy Lê Thành Trung cho hay.
Phụ trách địa bàn trọng điểm du lịch của thành phố, đại diện Công an quận Đồ Sơn cho biết, để giải quyết tình trạng người lang thang, ăn xin, Công an quận chỉ đạo các đội nghiệp vụ, công an các phường xác minh thông tin cá nhân, hoàn cảnh từng trường hợp, đấu tranh làm rõ, xử lý nghiêm nếu phát hiện hành vi dụ dỗ, ép buộc người cao tuổi, người tàn tật, trẻ em ăn xin để trục lợi.
Để giải quyết triệt để tình trạng người lang thang, ăn xin, cần có giải pháp căn cơ, sự chung tay của toàn xã hội. Đối với người trong độ tuổi lao động, cần hỗ trợ hướng nghiệp, dạy nghề để họ có việc làm ổn định. Với các trường hợp không nhà cửa, nơi cư trú, nghiện ma túy, sẽ lập hồ sơ đưa vào các cơ sở giáo dưỡng tập trung dài hạn, giáo dục nhân cách sống, định hướng nghề nghiệp. Đối với người cao tuổi, tàn tật, không có người thân chuyển về các cơ sở nuôi dưỡng tập trung.
"Cùng đó, cần kêu gọi, huy động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ nguồn lực, quan tâm thực hiện tốt hơn chính sách an sinh xã hội, giúp đỡ người nghèo, người neo đơn ổn định đời sống", đại diện Công an quận Đồ Sơn chia sẻ.
Theo thống kê của Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an TP Hải Phòng), từ đầu năm 2023 đến nay, công an các đơn vị, địa phương phối hợp các quận, huyện rà soát đưa 208 người lang thang, ăn xin vào các cơ sở chăm sóc, bảo trợ xã hội.
Chung tay đảm bảo an sinh xã hội
Cùng với công tác dạy nghề tạo việc làm, cung cấp chỗ ở, chỗ tạm lánh, hỗ trợ cải tạo nơi ở dành cho trẻ mồ côi, người vô gia cư là giải pháp căn cơ đang được TP Hải Phòng triển khai thực hiện.
Theo khảo sát của PV Báo Giao thông, hiện nhiều mô hình hỗ trợ được các tổ chức xã hội trên địa bàn TP Hải Phòng đang được triển khai đồng bộ, không chỉ góp phần bảo đảm chỗ ở đối với các trường hợp khó khăn, tích cực giảm thiểu tình trạng lang thang, xin tiền trên phố, chợ dân sinh.
Cụ thể như, vừa qua Hội Chữ thập đỏ huyện Kiến Thụy đã hoàn thành hỗ trợ xây mới ba căn nhà chữ thập đỏ dành cho các trường hợp khó khăn; Hội Chữ thập đỏ huyện Kiến Thụy cũng trợ dưỡng thường xuyên hai trường hợp trẻ mồ côi ở các xã Đoàn Xá, Đại Hợp...
Hay tại Ban quản lý Ngôi nhà yêu thương số 3/54/541B đường Lạch Tray, phường Lạch Tray, quận Ngô Quyền sau hơn 5 năm duy trì, đã đón hơn 40 lượt người vô gia cư đến sinh sống, cư trú. Hiện 18 trường hợp gồm 5 người cao tuổi, 13 trẻ mồ côi được nuôi dưỡng, chăm sóc tại đây.
Ông Đỗ Văn Bình, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP Hải Phòng cho hay, để hỗ trợ các trường hợp vô gia cư có nơi ăn chốn ở, thiết thực giải quyết bài toán an sinh, UBND TP Hải Phòng quan tâm đầu tư nâng cấp các cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn.
Cùng với bố trí điều kiện nơi tạm trú, tạm lánh đối với các trường hợp khẩn cấp tại Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ Bảo trợ trẻ em thành phố. Dự án đầu tư, cải tạo Trường Lao động - Xã hội Thanh Xuân, Trung tâm Nuôi dưỡng người tâm thần, huyện Vĩnh Bảo đang được khẩn trương thi công, hoàn thiện để đưa vào sử dụng trong tháng 12/2023.
Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội nỗ lực cao trong bố trí nhân lực, đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc tại đây để nâng cao khả năng tiếp nhận, chăm sóc, hỗ trợ đối với các trường hợp yếu thế, người lang thang sau khi được thu dung trên địa bàn thành phố, chung tay thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Theo Phó chủ tịch thường trực Hội Từ thiện Hải Phòng Phạm Thị Vượng, việc thu dung, nuôi dưỡng người tàn tật, yếu thế lang thang, ăn xin tại cơ sở bảo trợ xã hội chỉ trong khoảng thời gian ngắn (3 tháng), dễ dẫn tới tình trạng đâu hoàn đấy.
Do đó, bên cạnh giải quyết việc làm, trao trợ dưỡng thường xuyên, các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội cần chung tay, chung sức hỗ trợ xây dựng các công trình nhà ở mang tính chất lâu dài, bền vững để các trường hợp vô gia cư, từ nơi khác đến Hải Phòng không phải ở tạm gầm cầu, vỉa hè, vừa không bảo đảm an toàn cho bản thân họ, vừa gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến hình ảnh của thành phố trong mắt khách du lịch.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận