Bài 1: Một Hải Phòng cất cánh sau "giấc ngủ đông dài"
Bài 2: Chiến lược "giao thông đi trước" ở Hải Phòng
Bài 3: Hải Phòng đột phá để trở thành trung tâm logistics khu vực và thế giới
Bài 4: Hải Phòng cần đột phá giao thông kết nối với hệ thống cảng biển
Bài 5: Hải Phòng: Nhà ở xã hội là động lực để phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế
Bài 6: Hải Phòng: Mở rộng không gian đô thị, rút ngắn khoảng cách thành thị với nông thôn
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24/01/2019 về xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, nhiều kế hoạch, chương trình, đề án được ban hành; nhiều nguồn lực được bố trí để triển khai, nhất là các lĩnh vực mũi nhọn.
Có 3/7 chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 45-NQ/TW đã gần đạt, hoặc hoàn thành. Vai trò là trung tâm kinh tế - xã hội lớn của TP Hải Phòng đối với vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước tiếp tục được khẳng định.
Phát triển kinh tế - xã hội của thành phố đạt nhiều kết quả ấn tượng, là điểm sáng trong bức tranh chung của cả nước; đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân thành phố tiếp tục được nâng cao.
Những thành tựu mà Hải Phòng đạt được trong 5 năm qua đã khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương, định hướng của Nghị quyết số 45-NQ/TW và Nghị quyết đang thực sự đi vào cuộc sống trên địa bàn thành phố.
Cũng tại hội nghị này nhiều chuyên gia, đại biểu các bộ, ngành và TP Hải Phòng cũng nêu lên những mặt còn hạn chế cần khắc phục. Cụ thể là sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW, phát triển kinh tế - xã hội TP Hải Phòng vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế.
Định hướng trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại; là trọng điểm kinh tế biển của cả nước; có vai trò động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và của cả nước; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngang tầm với các thành phố tiêu biểu ở châu Á... còn chưa thực sự rõ nét.
Để TP Hải Phòng tiếp tục phát triển bứt phá, nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực, đại diện các bộ, ngành đã có những ý kiến góp ý thẳng thắn.
Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh vào các cơ chế, chính sách để phát triển TP Hải Phòng trở thành thành phố đi đầu cả nước, động lực phát triển vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước: Nhiệm vụ và giải pháp để xây dựng và phát triển TP Hải Phòng đúng như vị trí và mục tiêu Bộ Chính trị đã đề ra tại Nghị quyết số 45-NQ/TW.
Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đối với một số cơ chế, chính sách mới có tính đột phá, đặc thù cho thành phố chưa được ban hành như: Thành lập Khu thương mại tự do, thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị một cấp và hai cấp hành chính; nghiên cứu mô hình cơ quan quản lý cảng.
Vấn đề này Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận thức rõ, để tạo động lực cho TP Hải Phòng phát triển tương xứng với tiềm năng vị trí cần có các cơ chế, chính sách đủ mạnh tạo đột phá, xứng đáng là thành phố cảng, có nền công nghiệp hiện đại là trọng điểm về kinh tế biển, trung tâm dịch vụ logistics của khu vực phía Bắc.
Đối với góc nhìn kinh tế, đại diện Bộ Tài chính cho rằng thời gian tới Hải Phòng cần tiếp tục cải thiện, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho các thành phần kinh tế đầu tư sản xuất kinh doanh. Tập trung tăng cường công tác quản lý thu, rà soát các khoản thu; chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại và chuyển giá…
Rà soát lại các khoản phí, lệ phí để triển khai thực hiện theo Luật Phí và lệ phí thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân thành phố ban hành. Đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ký hợp đồng thuê đất, đôn đốc thực hiện kịp thời các nghĩa vụ tài chính phát sinh. Tăng cường các biện pháp quản lý thu; chống thất thu, chống chuyển giá; quản lý chặt chẽ hoàn thuế, xử lý, thu hồi nợ đọng thuế.
Tại hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW, ông Lê Tiến Châu, Bí thư Thành ủy Hải Phòng khẳng định: "Nghị quyết 45-NQ/TW là kim chỉ nam định hướng cho sự phát triển của TP Hải Phòng".
Theo ông Lê Tiến Châu, để Hải Phòng tiếp tục phát triển, thành phố cần tiếp tục triển khai hàng loạt giải pháp nhằm thể chế hóa Nghị quyết 45-NQ/TW như ban hành các kế hoạch, đề án, dự án, bố trí nguồn lực và có lộ trình cụ thể để triển khai hiệu quả Quy hoạch TP Hải Phòng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Mục tiêu chung là phát triển Hải Phòng trở thành thành phố cảng biển lớn, đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và chuyển đổi số; là động lực phát triển của vùng Bắc bộ và cả nước; trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á. Ba nhiệm vụ trọng tâm, đột phá phát triển được Hải Phòng đề ra gồm: Cảng biển và dịch vụ logistics; Chuyển đổi số; Phát triển du lịch.
Thực hiện có hiệu quả Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tập trung vào các cơ chế, chính sách và bổ sung nguồn lực để phát triển TP Hải Phòng cơ bản đạt các tiêu chí của đô thị loại đặc biệt.
Cùng với việc thể chế hóa Nghị quyết 45-NQ/TW, TP Hải Phòng cũng nêu ra những chiến lược cụ thể với những chỉ tiêu rõ ràng đối với từng chỉ tiêu cụ thể như: Phát triển công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ…; tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển các thành phần kinh tế; phát triển đô thị, hạ tầng gắn với liên kết vùng; quản lý tài nguyên gắn với bảo vệ môi trường…
TP Hải Phòng đang cụ thể hóa Nghị quyết 45-NQ/TW bằng nhiều giải pháp đồng bộ với quyết tâm đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Trong công cuộc phát triển, Hải Phòng đã luôn nhận được sự quan tâm của các cơ quan Trung ương như lời cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khi chỉ đạo ban hành Nghị quyết 45-NQ/TW: "Hải Phòng không phải là riêng của Hải Phòng, là của cả vùng, cả đất nước.
Do đó, trách nhiệm của Trung ương là phải hỗ trợ, tiếp sức cho Hải Phòng, đặc biệt là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành cơ chế chính sách phù hợp, khơi dậy tiềm năng thế mạnh của thành phố, để Hải Phòng phát triển mạnh mẽ và toàn diện trong những năm tới".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận