Ngày 30/1, UBND tỉnh Quảng Trị cho biết vừa thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Đức Tiến tại buổi kiểm tra các vị trí thường xuyên bị ngập cục bộ trên địa bàn TP. Đông Hà.
Đáng chú ý, ngoài các “điểm nóng” thường xuyên bị ngập như: đường Nguyễn Huệ (đoạn trước Trung tâm thi đấu thể thao), đường Trường Chinh (đoạn qua Trường THCS Phan Đình Phùng), đường Lê Lợi (đoạn cầu Lê Lợi)...
Nước không thoát kịp "bủa vây" Trường HSCS Phan Đình Phùng bên đường Trường Chinh (TP. Đông Hà) khiến hàng trăm em học sinh, lực lượng chức năng "giải cứu" ra đường Lê Lợi
Thời gian gần đây còn xuất hiện thêm một số điểm trên đường Hùng Vương như đoạn trước Sở TN&MT, cầu Trung Chỉ và đoạn trước Sở NN&PTNT...
Các điểm “mưa là ngập” này không chỉ gây ảnh hưởng đến lưu thông, phương tiện chết máy, thậm chí có trường hợp đã bị nước cuốn trôi...
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, một trong những nguyên nhân xuất hiện các điểm ngập đô thị nói trên do quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh, trong khi đó hệ thống thoát nước còn bất cập, chưa được đầu tư đồng bộ.
Do đó, việc đầu tư nâng cấp các hệ thống thoát nước tại các khu vực trên là rất cần thiết, cấp bách nhằm hạn chế tình trạng ngập cục bộ và từng bước cải thiện môi trường đô thị, đảm bảo an toàn của người dân trong khu vực.
Mưa lớn, nước đổ về không thoát kịp gây ngập lụt cục bộ khu vực đường Trường Chinh, lực lượng chức năng phải dùng xuống cao su vào ứng cứu hàng trăm em học sinh ngày 28/10/2021
Đáng chú ý, trong số các điểm “mưa là ngập” trên, viêc xử lý điểm ngập đường Trường Chinh (trong đó có Trường THCS Phan Đình Phùng) - cầu Lê Lợi đã được HĐND TP Đông Hà ban hành Nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư dự án hệ thống thoát nước khu vực Trường THCS Phan Đình Phùng và Khu phố 2, phường 5.
Tuy nhiên, để sớm hoàn thành nghiên cứu báo cáo khả thi, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở Xây dựng (cơ quan thẩm định dự án) chủ trì, phối hợp với UBND TP Đông Hà (chủ đầu tư) chỉ đạo đơn vị tư vấn nghiên cứu khảo sát cao độ tại các vị trí khống chế như cửa xả, cao độ đáy câug Lập Thạch, cống thoát nước qua đường sắt, cầu Lê Lợi, cầu Phan Đình Phùng.
Đồng thời, khảo sát xác định tổng lưu vực thoát nước và rà soát, thống kê các hệ thống thoát nước được thu gom vào hệ thống cống ADB đổ về Trường Chinh - cầu Lê Lợi để tính toán giải pháp thiết kế (xác định khẩu độ các cầu, cống, cao trình cống, độ dốc thoát nước...).
“Trong đó, ưu tiên tăng tối đa khả năng thoát nước theo hướng trên cơ sở cao độ khống chế hạ lưu các cầu, khu vực phía Đông QL1 để hạ cao độ đáy công tối đa và mở rộng 2 bên nhưng phải đảm bảo thuận lợi cho công tác giải phóng mặt bằng. Ưu tiên thẩm định dự án để triển khai xây dựng; cần thiết tổ chức họp hội đồng thẩm định để rà soát, thẩm định dự án kịp thời đảm bảo xử lý dứt điểm”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Lê Đức Tiến nhấn mạnh.
Điểm ngập thường xuyên tại cầu Lê Lợi trên đường Lê Lợi, thuộc "nhánh ngập" khu vực đường Trường Chinh
Đối vị trí ngập úng cục bộ trên đường Hùng Vương đoạn trước Sở TN&MT, cầu Trung Chỉ và đoạn trước Sở NN&PTNT, Bộ ChỈ huy Quân sự tỉnh, UBND tỉnh Quảng Trị giao Sở GTVT (cơ quan quản lý tuyến đường) rà soát hồ sơ hoàn công công trình, xác định vị trí cửa xả (đoạn tuyến trước Sở NN&PTNT), tính toán khả năng thoát nước của hệ thống cống dọc, hố thu hiện trạng; nghiên cứu phương án xử lý các vị trí trên bằng nguồn vốn Quỹ bảo trì đường bộ trong năm 2022.
Đối với vị trí ngập cục bộ trên đường Nguyễn Huệ (trước Nhà thi đấu), giao Sở GTVT chủ trì, phối hợp các Sở Xây dựng, KH&ĐT, UBND TP Đông Hà và các đơn vị liên quan nghiên cứu phương án xử lý, nguồn kinh phí thực hiện, tham mưu UBND tỉnh xem xét, quyết định đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, tiết kiệm ngân sách Nhà nước, báo cáo UBND tỉnh trong quý I/2022.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận