Sáng nay (26/8), trao đổi với Báo Giao thông, đại diện Phòng Vận tải và dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, theo báo cáo mới nhất của cơ quan hải quan, tính đến ngày 26/7/2019, số container khai báo trên e-manifest là phế liệu hiện lưu giữ tại cảng biển là 11.488 container. Trong đó, có 4.204 container lưu giữ tại cảng dưới 30 ngày, 37 container lưu giữ từ 30 ngày đến 90 ngày và hơn 7.240 container tồn đọng lưu giữ trên 90 ngày.
“So với cuối năm 2018, tổng số container tồn đọng tại cảng biển Việt Nam đã giảm gần 9.500 container. Riêng trong tháng 7/2019, số container tồn đã giảm tới hơn 2.200 container so với tháng trước”, đại diện này thông tin.
Cũng theo đại diện này, thực hiện Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu nhập khẩu làm nguyên liệu sản xuất, Cục Hàng hải VN đang yêu cầu các DN cảng biển kiên quyết không cho hàng hóa dỡ xuống cảng biển Việt Nam khi chủ tàu, chủ hàng không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện về bảo vệ môi trường, hạn ngạch nhập khẩu và chưa thực hiện ký quỹ bảo đảm phế liệu nhập khẩu theo quy định.
“Cục Hàng hải cũng yêu cầu các DN cảng biển đốc thúc hãng tàu biển báo cáo thông tin về các chủ hàng của lô hàng phế liệu bị tồn tại cảng; Thống kê, phân loại hàng hóa container đang tồn đọng, làm rõ nguyên nhân để có biện pháp xử lý; Đồng thời, đề xuất chủ trương miễn giảm giá dịch vụ lưu container, lưu bãi cho DN chủ hàng nhập khẩu”, đại diện Cục Hàng hải cho hay.
Nhằm giải phóng lượng container phế liệu tồn đọng tại cảng biển, Bộ Tài chính cũng đã có báo cáo trình Chính phủ đề xuất thành lập hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng kèm theo hai phương án xử lý.
Phương án 1, hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định bán đấu giá lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường. Đối với lô hàng là chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn về môi trường, cơ quan hải quan yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm thực hiện việc vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong vòng 30 ngày kể từ ngày nhận được thông báo. Nếu quá thời gian hạn, hãng tàu chưa thực hiện vận chuyển lô hàng đó ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức tiêu hủy.
Phương án 2, hội đồng xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ quyết định biện pháp xử lý bằng hình thức bán đấu giá toàn bộ các lô hàng tồn đọng (bao gồm lô hàng là chất thải, chất thải nguy hại, phế liệu không đạt quy chuẩn về môi trường và lô hàng là phế liệu đạt quy chuẩn). Doanh nghiệp trúng đấu giá có trách nhiệm tiêu hủy với các lô hàng là chất thải, phế liệu không đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận