Kiểm tra việc mở bán vé, thu hồi slot nếu không đúng slot xác nhận
Ngay sau khi có những chỉ đạo nóng về việc giảm chậm huỷ chuyến bay, sáng nay 10/7, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể tiếp tục làm việc với lãnh đạo Cục Hàng không VN, TCT Quản lý bay VN, TCT Cảng hàng không VN và các hãng hàng không nhằm truy tận gốc nguyên nhân và đưa ra những giải pháp kịp thời và hiệu quả nhất.
Ngay khi mở đầu cuộc họp, Người đứng đầu Bộ GTVT tỏ rõ sự không hài lòng khi nói: Người dân bức xúc vì chậm, huỷ chuyến tăng cao. Quản lý nhà nước phải có trách nhiệm. DN cung cấp dịch vụ phải có trách nhiệm.
“Điều phối bay như thế nào cho hợp lý? Làm thế nào để hệ thống vận hành trơn tru, máy bay ra đến đường băng là cất cánh, hạn chế bay vòng?”, Bộ trưởng liên tiếp đặt câu hỏi đồng thời yêu cầu Cục Hàng không VN tăng cường kiểm tra, giám sát công tác bán vé, chuẩn bị của các chuyến bay, tình trạng chậm, hủy chuyến của các hãng hàng không; xử lý nghiêm đối với các hãng hàng không không thực hiện hoặc thực hiện không đúng slot đã được cấp, nhất là hành vi bán vé không đúng slot được cấp rồi dồn, hủy chuyến bay làm ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.
Báo cáo hoạt động khai thác tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất sau khi dự án nâng cấp đường băng tại 2 sân bay này được khởi công, Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cho biết: Sau khi mỗi sân bay đóng 1 đường băng để sửa chữa, năng lực khai thác giảm xuống 30 - 35%. Sân bay Tân Sơn Nhất trước đây cho phép khai thác 44 chuyến/giờ, nay chỉ còn 32 chuyến. Sân bay Nội Bài cũng giảm từ 34 chuyến/giờ xuống còn 27 chuyến.
Mặc dù vậy, ông Thắng cho biết: 2 ngày cuối tuần trước (Thứ 6 và Chủ nhật, tức 3, 5/7), tình hình chậm, huỷ chuyến tăng đột biến.
“Ngay khi nắm được tình hình, từ thứ 6, chúng tôi đã chỉ đạo họp khẩn cấp với hãng hàng không và sân bay để xử lý. Hàng loạt giải pháp được đưa ra trong đó ngoài việc đảm bảo không cho phép khung giờ nào vượt số slot quy định thì còn điều phối slot chi tiết hơn. Như tại Tân Sơn Nhất, cấp slot là 32 chuyến/giờ, nhưng sẽ chia nhỏ ra là 8 chuyến/15 phút”, ông Thắng nói và phân tích: Trước đây điều phối theo giờ thì tổng số chuyến bay trong một giờ không vượt nhưng tại từng thời điểm lại vượt. Nửa tiếng đầu có thể 20 - 22 chuyến, nửa sau lại chỉ 10 - 12 chuyến. Ùn ách vì thế có thể xảy ra. Chia nhỏ thời gian ra để điều phối sẽ khắc phục tình trạng này.
Các giải pháp khác được ông Thắng đề cập đến là kiểm soát lịch bay và điều phối slot theo mốc thời gian; Giảm phân cách giữa các tàu bay tại khu vực tiếp cận hạ cánh tại Nội Bài từ 5 dặm xuống còn 3 dặm; Trung tâm điều phối khai thác (AOCC) thực hiện trực như cao điểm Tết, đảm bảo đưa ra các quyết định nhanh nhất, chính xác nhất, tối ưu hóa công tác điều hành hoạt động bay trong tất cả các giai đoạn hoạt động của chuyến bay, bao gồm việc kiểm soát các vị trí đỗ tàu bay, cửa ra tàu bay, quầy thủ tục, đảo hành lý…
Một giải pháp khác được ông Thắng đề cập là việc giảm thời gian chiếm dụng đường băng của tàu bay.
“Hiện tại, thời gian máy bay chiếm dụng đường cất hạ cánh của tàu bay là 70 - 80 giây, cá biệt có trường hợp lên tới cả 100 giây. Chúng tôi đang yêu cầu giảm xuống còn 50 giây. Tổ bay nào không đáp ứng thì sẽ lên danh sách, không cho bay ở sân bay đông”, ông Thắng thông tin.
Cục trưởng Hàng không cũng nhấn mạnh: Tinh thần của Cục là hỗ trợ tối đa cho các hãng hàng không bởi đây là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong ngành. Mặc dù vậy, ông Thắng cũng tỏ ra cương quyết triển khai các giải pháp để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay cũng như tăng chất lượng dịch vụ, giảm chậm chuyến, giảm bay chờ, bay vòng.
“Chúng tôi đã và sẽ tiếp tục kiểm tra việc mở bán vé máy bay của hãng hàng không. Nếu hãng nào mở bán không đúng lịch bay đã được xác nhận, Cục Hàng không VN sẽ xem xét và thu hồi slot lịch sử”, ông Thắng kiên quyết.
Cuối cùng ông Thắng khẳng định: Bước đầu những giải pháp đặt ra đã hiệu quả. “Trong sáng nay (10/7) là ngày cao điểm nhưng hoạt động khai thác cơ bản điều hoà”, ông Thắng thông tin.
Xem xét mở cửa ra tàu bay ở ga quốc tế để phục vụ nội địa
Từ phía cảng hàng không, ông Nguyễn Đức Hùng - Phó tổng giám đốc TCT Cảng hàng không VN (ACV), kiêm Giám đốc Cảng HKQT Nội Bài thừa nhận sau khi dự án nâng cấp đường băng, đường lăn được triển khai, đã xảy ra hiện tượng tàu bay lăn ra đường băng, chiếm dụng thời gian lâu. Ngày cao điểm, thời gian này có thể từ 30 – 40 phút, đặc biệt thì có thể lên đến 1 tiếng. Do đang cao điểm hè, lượng khách qua sân bay tăng đột biến trong các khung giờ từ 7-9 sáng, 12h trưa…
“Chúng tôi đã mở tối đa quầy thủ tục đến hệ thống máy soi. Đối với hệ thống cửa ra tàu bay, chúng tôi đang xem xét mở cả cửa quốc tế để phục vụ nội địa”, ông Hùng nói và cho biết: Ngày cuối tuần vừa rồi, sau chỉ đạo của Bộ trưởng, chất lượng dịch vụ đã được cải thiện rõ rệt.
Tổng giám đốc TCT Quản lý bay VN Đoàn Hữu Gia cũng khẳng định đang hết sức quyết liệt để triển khai chỉ đạo của Cục Hàng không VN về việc giảm phân cách tàu bay từ 5 dặm xuống còn 3 dặm.
“Rất nhiều việc đã và đang được triển khai, từ tăng cường trang thiết bị, đánh giá năng lực toàn bộ hệ thống, huấn luyện con người… Vừa qua chúng tôi đã đầu tư thêm trạm radar ở miền Trung, miền Nam. Ở miền Bắc đã hoàn thành sửa chữa nâng cấp trạm radar. Sắp tới sẽ đầu tư thêm 5 trạm nữa”, ông Gia cho biết.
Tại cuộc họp đại diện các hãng hàng không cũng cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan QLNN để nâng chất lượng dịch vụ.
“Với Vietnam Airlines, an toàn là mục tiêu tối tượng, kế đó là chất lượng phục vụ hành khách”, Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hoà nhấn mạnh.
Phó Tổng giám đốc Vietjet Đinh Việt Phương cũng cam kết sẽ “nỗ lực tối đa, đảm bảo trách nhiệm của hãng với ngành, với hành khách”.
Tổng giám đốc Bamboo Airways Đặng Tất Thắng nhấn mạnh chất lượng dịch vụ, đặc biệt là chỉ số đúng giờ là mục tiêu toàn bộ hệ thống phải hướng tới. “Bamboo Airways luôn là hãng hàng không có tỷ lệ sử dụng slot cao nhất”, ông Thắng cho hay.
Dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài được thực hiện theo 2 bước. Bước 1 là 6 tháng, đảm bảo khai thác được 3.200m đường cất/hạ cánh 1B cho máy bay Code C nhằm phục vụ Tết Nguyên đán năm 2021. Bước 2 là 12 tháng, bàn giao đưa công trình vào khai thác trước Tết Nguyên đán năm 2022.
Dự án nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất thi công theo 2 bước. Bước 1 là 6 tháng, bước 2 là 14 tháng (khởi công vào cuối tháng 6/2020, hoàn thành vào cuối năm 2021).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận