Sẽ không còn “khoán trắng” cho giáo viên
Theo quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, học viên muốn có bằng hạng B2 phải trải qua thời gian học lý thuyết là 168 giờ và thời gian đào tạo thực hành là 84 giờ hay 1.000 km. Tuy nhiên, nhiều học viên cho biết, họ thường không được học đủ số giờ thực hành, dẫn đến không được học đủ số km theo quy định.
Tại bãi tập lái xe của một trung tâm đào tạo ở Thuận Thành (Bắc Ninh), anh Nguyễn Văn Tuấn (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Sau khi đóng 6 triệu cho trung tâm, đến phần học thực hành, giáo viên không dạy ở trung tâm mà đưa đến một bãi tập khác để thực hành sa hình. Tính từ khi học đến khi có bằng, tôi chỉ học được khoảng 10 giờ thực hành. Do vậy, để thi được tôi phải thuê xe và thầy dạy ngoài giờ. Trong quá trình học, còn phải đóng nhiều khoản chi không tên khác như: Bồi dưỡng thầy sau mỗi giờ tập, mời thầy ăn uống, thuê thầy dạy kèm. Thực tế, tổng chi phí để có GPLX đội lên khoảng gần 20 triệu đồng”, anh Tuấn nói.
Ông Nguyễn Văn Thanh, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô VN cho rằng, đa phần các trung tâm đào tạo lái xe hiện nay chỉ là khâu trung gian giữa giáo viên và học sinh. Đáng nói, giáo viên lấy danh cơ sở đào tạo rồi tự tìm học viên, tự đào tạo, chỉ khi đến kỳ sát hạch mới đến trung tâm. Trong khi đó, chúng ta lại chưa giám sát được thời gian thực hành của học viên, dẫn đến chương trình học bị cắt xén, nhất là học thực hành, học viên học xong có bằng nhưng không dám lái xe ra đường”, ông Thanh phân tích.
Thừa nhận hiện nay chưa giám sát được thời gian học thực hành của học viên trên đường, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho rằng, quan trọng nhất là phải quản lý được thời gian học viên lái xe trên đường của học viên. Khi đó, giá đào tạo lái xe sẽ về đúng giá trị thực. Chương trình đào tạo của Việt Nam gấp đôi, thậm chí gấp 3 Nhật Bản và Singapore, trong khi giá học GPLX lại rẻ hơn rất nhiều. Ví dụ như Singapore, nếu tính giá cho một khóa học sẽ khoảng trên 20 triệu đồng tiền Việt Nam, trong khi thời gian học của họ ít hơn nhiều”.
Giám sát trực tuyến đào tạo, sát hạch
Trung tâm Quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe toàn quốc được Tổng cục Đường bộ VN đề xuất với mục tiêu là ứng dụng khoa học công nghệ, công nghệ điện tử, viễn thông, công nghệ thông tin, sinh trắc học, đưa ra biện pháp cảnh báo, giám sát chặt chẽ thời gian học tập của học viên trong quá trình đào tạo lái xe ô tô; giám sát, công khai minh bạch quá trình sát hạch lái xe ô tô trong hình, trên đường và phòng sát hạch lý thuyết, mô phỏng. Tổng kinh phí để đầu tư trung tâm là trên 17 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự kiến trong hai năm 2019 - 2020.
Để khắc phục tình trạng nêu trên, ông Lương Duyên Thống cho biết, Tổng cục sẽ dùng công nghệ thông tin giám sát chặt một số thông số như số km lái xe an toàn, khi học viên học đủ, cũng sẽ quản được việc dạy của giáo viên.
“Tổng cục đã đề xuất Bộ GTVT xây dựng Trung tâm quản lý đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe quy mô toàn quốc. Trung tâm sẽ giám sát được thời gian học lý thuyết, số km lái xe trên đường của học viên. Quá trình học của học viên sẽ được giám sát trực tuyến theo thời gian thực về trung tâm đặt tại Tổng cục Đường bộ”, ông Thống cho biết.
Cũng theo ông Thống, trung tâm sẽ giám sát trực tuyến tất cả xe tập lái, thời gian học thực hành, lý thuyết của học viên trên toàn quốc. Khi học viên bắt đầu đăng ký học sẽ được cấp một mã số định danh và sẽ có một tài khoản đăng nhập được gửi về trung tâm của Tổng cục để quản lý. Bên cạnh đó, học viên phải chụp ảnh và đăng ký vân tay. Trên xe tập lái cũng có thiết bị chụp ảnh, mỗi khi học viên lên xe học sẽ phải đăng ký, chụp ảnh nhận dạng đúng người đó mới bắt đầu tính thời gian học. Trên xe cũng có thiết bị như thiết bị giám sát hành trình theo dõi số km học.
“Học viên sẽ được cấp một tài khoản, trước khi học phải đăng nhập để kiểm soát và khi kết thúc học sẽ phải đăng xuất khỏi hệ thống. Ví dụ, quy định hiện nay học viên phải học 1.000 km thực hành lái xe trên đường, hệ thống sẽ theo dõi được đúng học viên đó và gửi dữ liệu về Tổng cục. Hệ thống cũng sẽ được giám sát đến khi nào học viên học đủ con số này Tổng cục mới xác nhận và truyền dữ liệu xuống trung tâm đào tạo, khi đó học viên sẽ được sát hạch đạt mới cấp GPLX”, ông Thống cho biết.
Đối với sát hạch, ông Thống cho biết, trung tâm sẽ kết nối giám sát trực tiếp hình ảnh (dạng video) và lưu trữ dữ liệu tối thiểu 12 tháng tại phòng sát hạch lý thuyết, phòng sát hạch mô phỏng. Đồng thời, giám sát ở các vị trí sân sát hạch lái xe trong hình như: vị trí xuất phát, vị trí dừng và khởi hành xe trên dốc, vị trí qua vệt bánh xe, vị trí qua ngã tư, vị trí ghép xe vào nơi đỗ và các vị trí cần thiết khác. “Toàn bộ các dữ liệu nêu trên sẽ được tổng hợp theo từng học viên, xe tập lái, từng giáo viên, từng cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch để làm cơ sở cho việc quản lý chặt chẽ công tác đào tạo và sát hạch lái xe”, ông Thống khẳng định.
Đánh giá về giải pháp này, ông Phùng Văn Huệ cho rằng, đây là giải pháp tốt để nâng cao chất lượng đào tạo, đưa công tác đào tạo, sát hạch đi vào bài bản, đúng quy chuẩn. Đề cập giải pháp quản lý chất lượng đào tạo, sát hạch lái xe, ông Huệ cho rằng, bên cạnh giải pháp về giá, cần quản lý chất lượng phương tiện, giáo viên phải thuộc biên chế của trung tâm, không có giáo viên cơ hữu và họ phải được đào tạo bài bản, chuyên nghiệp.
Để học viên tự học, sát hạch cấp bằng là “chốt chặn” cuối?
Trước nhiều ý kiến cho rằng thay vì siết chặt đào tạo như hiện nay, chỉ cần siết chặt đầu ra, học viên có thể tự học, TS Trần Hữu Minh, Phó chánh văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, mỗi quốc gia có một cách thức khác nhau và không có một chuẩn mực chung. Tuy nhiên, xu hướng phổ biến tại các quốc gia phát triển là để người dân có thể tự học lý thuyết (thông qua bộ ngân hàng câu hỏi, các chương trình và đĩa DVD trên máy tính, các tài liệu hỗ trợ). Phần học thực hành do học viên tự chọn trung tâm dạy lái xe, và học trực tiếp chỉ có 1 thầy 1 học viên trên đường, pháp luật cũng cho phép người học có thể thực hành trên đường nếu có một lái xe kinh nghiệm ngồi cùng trên xe.
Thời gian học thực hành tối thiểu bắt buộc không cao, nhưng quá trình sát hạch cả về lý thuyết lẫn thực hành đều rất chặt chẽ và rất khó. Thi được bằng lái xe là một cột mốc đánh dấu sự trưởng thành, niềm tự hào đối với mỗi người. Tuy vậy, quá trình cải tiến vẫn đang liên tục diễn ra, tại một số quốc gia phát triển đang có những đề xuất siết chặt quá trình đào tạo, ví dụ chuyển từ số giờ thực hành bắt buộc thấp (tối thiểu 20 giờ) sang số giờ thực hành rất cao (có thể lên tới 120 giờ) với lý do nâng cao ATGT.
“Tôi cho rằng khi trình độ phát triển đến một mức độ nhất định có thể áp dụng mô hình này. Tuy nhiên, dù mô hình nào, quá trình sát hạch cũng phải là chốt chặn cuối cùng, khâu này phải rất khắt khe, chặt chẽ”, TS Minh nói.
Liên quan vấn đề này, ông Lương Duyên Thống, Vụ trưởng Vụ Phương tiện và Người lái (Tổng cục Đường bộ VN) cho rằng, với điều kiện giao thông Việt Nam hiện nay, cộng với ý thức an toàn cho bản thân của nhiều người còn kém, chưa thể làm được việc này. Người học chưa ý thức học an toàn cho bản thân, không học cũng muốn có bằng. Thực tế, nhiều học viên chưa được học đủ 84 giờ hay 1.000 km theo quy định. Với điều kiện hiện nay tại Việt Nam vẫn bắt buộc phải siết chặt và nâng cao chất lượng đào tạo.
“Dù công tác sát hạch lái xe tại Việt Nam đã được hiện đại hóa nhưng cũng chỉ chấm được những lỗi cơ bản, không thể bao quát hết yêu cầu, kỹ năng lái xe. Trong khi đó, ở các nước phát triển, mỗi giám sát chỉ phụ trách chấm thi cho 1 học viên, trong khi tại Việt Nam phải chấm cho hàng chục người. Để làm được như họ phải có giáo viên nghiêm túc và phải có quá trình đào tạo và mức thù lao tương ứng. Họ không cần phải có hành vi tiêu cực”, ông Thống nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận