Chuyện dọc đường

Giảm “tiêu cực phí” mới giảm được chi phí

19/03/2018, 06:16

Logistics được coi là lĩnh vực mang lại siêu lợi nhuận, là “con gà đẻ trứng vàng”.

2

Việc một số địa phương như Hải Phòng thu thêm phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển cũng khiến chi phí logistics của doanh nghiệp tăng cao (Trong ảnh: Bốc xếp hàng tại cảng Hải Phòng) - Ảnh: Tạ Tôn

Số liệu thống kê từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, chi phí vận chuyển logistics tại Việt Nam tính theo tỉ trọng GDP khoảng 18-20%, gần gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển. Thực tế, chi phí logistics tại Việt Nam đang cao hơn Thái Lan 6%, Malaysia 12% và thậm chí còn cao gấp 3 lần so với Singapore. Điều này dẫn tới hệ quả tất yếu là gián tiếp làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa VN trên thị trường quốc tế.

Đáng chú ý, trong chi phí logistics, chi phí vận tải đang chiếm quá lớn, lên tới gần 60%. Nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là do cơ cấu phát triển các phương thức vận tải chưa hợp lý, chưa phát huy hết tiềm năng, lợi thế của từng phương thức vận tải. Kết nối giữa các phương thức vận tải còn yếu, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông vẫn thiếu, chưa đồng bộ, năng lực của các doanh nghiệp còn hạn chế…

Khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, Bộ GTVT đã có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để phát triển thị trường vận tải có cơ cấu hợp lý, giảm áp lực cho vận tải đường bộ, điển hình là việc mở tuyến vận tải ven bờ. Trên thực tế, tuy thời gian vận chuyển bằng tàu ven biển gấp 2,5-3 lần so với vận chuyển bằng đường bộ, nhưng chi phí vận chuyển chỉ bằng 1/5-1/6 so với phương thức đường bộ.

Tuy nhiên, vận tải chỉ là một bộ phận cấu thành (tất nhiên là một bộ phận quan trọng của logistics) hay nói cách khác, logistics không chỉ đơn thuần là vận tải. Logistics là một phần của chuỗi cung ứng bao gồm tổng thể những công việc liên quan đến hàng hóa gồm đóng gói, vận chuyển, lưu kho, bảo quản cho tới khi hàng được giao đến người tiêu thụ cuối cùng.

Nâng chất lượng dịch vụ, giảm chi phí logistics vì thế không chỉ đơn thuần tập trung vào vận tải. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để có thể phát triển dịch vụ logistics, VN cần đột phá cơ chế quản lý Nhà nước, bao gồm cả chính sách hỗ trợ phát triển dịch vụ logistics, pháp luật điều chỉnh ngành, bộ máy quản lý để bảo đảm vai trò hỗ trợ, kiến tạo môi trường tự do kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, phù hợp cam kết hội nhập. Cùng đó, cần tăng cường phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics và các doanh nghiệp dịch vụ logistics đầu tàu, hiện đại và chuyên nghiệp, có đủ sức cạnh tranh và phát huy tối đa lợi thế vị trí địa lý chiến lược.

Bên cạnh đó, điều ít người dám nói ra nhưng đang là một thực tế khiến chi phí logistics ở Việt Nam cao là do các khoản “tiêu cực phí” khá phổ biến ở tất cả các công đoạn của quá trình vận tải hàng hóa. Từ việc làm thủ tục tại các cảng biển cho đến hành trình vận chuyển hàng hóa trên đường. Để loại bỏ các khoản “tiêu cực phí” này, ngoài việc đẩy nhanh cải cách thủ tục hành chính, tránh việc tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ công quyền với doanh nghiệp, cần áp dụng công nghệ vào quá trình giám sát hoạt động của doanh nghiệp thay vì hiện vẫn còn quá nhiều lực lượng chức năng trực tiếp giám sát doanh nghiệp ở trên đường như hiện nay.

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.