Hạ tầng tốt nhưng ý thức người tham gia giao thông mới là yếu tố quyết định tới an toàn trên tuyến |
Hơn 75% các vụ TNGT trên cao tốc là do những lỗi sơ đẳng của người tham gia giao thông. Phải chăng chính người đi trên cao tốc không biết cách bảo vệ chính mình hay công tác tuyên truyền chưa được chú trọng? Báo Giao thông phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Hưng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ cao tốc (Tổng cục Đường bộ VN) về vấn đề này.
Một số vụ tai nạn trên cao tốc gần đây khiến dư luận lo lắng về độ an toàn khi lưu thông trên các tuyến đường hiện đại này, theo ông, nguyên nhân chính của các vụ tai nạn trên cao tốc là gì?
Từ năm 2010, khi đường cao tốc bắt đầu đưa vào khai thác thì số vụ TNGT trên đường cao tốc có chiều hướng tăng. Năm 2014, trên các tuyến đường bộ cao tốc xảy ra 88 vụ TNGT, chiếm 0,52% tổng số vụ TNGTĐB. Tính theo tỷ lệ thì có 0,17 vụ/km; 0,08 người chết và bị thương/km.
Xét tỷ lệ số vụ TNGT trên 1km đường thì đường cao tốc xếp sau đường đô thị, quốc lộ và cao hơn đường tỉnh. Mặc dù tỷ lệ số vụ/km đường và số người chết/km của đường bộ cao tốc không cao như quốc lộ nhưng tai nạn giao thông trên các tuyến đường bộ cao tốc thường là những vụ tai nạn nghiêm trọng, thiệt hại về người, phương tiện và tài sản thường lớn. Do vậy mức độ ảnh hưởng tới xã hội cũng rất lớn.
Theo phân tích số liệu tai nạn trên một số tuyến cao tốc như TP HCM – Trung Lương, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên..., nguyên nhân hàng đầu dẫn đến các vụ tai nạn xếp thứ tự như sau: do ý thức của người tham gia giao thông, do phương tiện (nổ lốp, mất phanh...), do hạ tầng giao thông.
Đơn cử trên cao tốc TP HCM – Trung Lương năm 2015 có 13 vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết 4 người, bị thương 20 người thì lỗi do người lái chiếm 75% số vụ TNGT với các vi phạm: không giữ khoảng cách an toàn với xe trước, ngủ gật, chuyển làn không đảm bảo điều kiện, đi vào làn dừng khẩn cấp và đâm vào xe đang dừng đỗ…. Đáng lưu ý là có gần 60% số vụ TNGT xảy ra trên tuyến xảy ra ban đêm là khoảng thời gian con người cần nghỉ ngơi theo chu kỳ sinh học.
Đây cũng là tình trạng chung trên các tuyến cao tốc khác.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc người dân vi phạm Luật trên các tuyến cao tốc là do chưa được tuyên truyền đầy đủ, chưa hiểu rõ đi vào cao tốc phải tuân thủ các quy định gì?
Ngay từ khi đưa các tuyến cao tốc mới vào khai thác, các cơ quan chức năng và các đơn vị, tổ chức liên quan đã thực hiện các chiến dịch tuyên truyền thực hiện đúng Luật Giao thông khi đi trên cao tốc. Ví dụ như đơn vị khai thác tuyến phải đăng tải hướng dẫn giao thông trên các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể như loại xe nào được đi vào cao tốc, rồi biển báo tốc độ tối thiểu, tối đa, phân làn phải đầy đủ. Ngoài ra, người đi trên cao tốc phải tuân thủ các nguyên tắc giao thông khác đã được quy định trong Luật như quy tắc chuyển làn, vượt, giữ khoảng cách tối đa…
Nhiều đoàn tuyên truyền đảm bảo ATGT trên cao tốc đã về từng địa phương có tuyến đường đi qua phát tờ rơi, tổ chức hội nghị, hội thảo…
Tuy nhiên, tôi cho rằng, vẫn cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú hơn. Đồng thời, sau một thời gian đầu nhắc nhở, tuyên truyền thì phải xử lý nghiêm các vi phạm để làm gương. Hiện nay, đáng tiếc là trên nhiều tuyến như Nội Bài – Lào Cai, Hà Nội – Thái Nguyên, vành đai 3 Hà Nội… vẫn diễn ra tình trạng phá rào mở quán, đón xe dừng đỗ dọc đường, xe khách bắt và trả khách dọc đường, người đi bộ, xe máy bất chấp lệnh cấm vẫn đi vào cao tốc... Việc không xử lý triệt để sẽ khiến vi phạm được nhân rộng và tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn bất cứ lúc nào.
Được biết, đầu tháng 12 này, Bộ GTVT đã phê duyệt đề án tăng cường hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT trên đường cao tốc, sẽ có điểm gì mới trong cách thức tuyên truyền tới đây thưa ông?
Đây là một Đề án rất mới với mục tiêu tuyên truyền an toàn hiệu quả hơn và giảm chi phí từ ngân sách nhà nước thông qua hình thức xã hội hóa nguồn lực thực hiện các chương trình tuyên truyền đảm bảo ATGT.
Triển khai thực hiện đề án, trong thời gian tới, Cục Quản lý đường bộ cao tốc sẽ kiện toàn cơ cấu tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng ban hành quy chế phối hợp với các cơ quan liên quan.
Theo Đề án, các cơ quan của Bộ GTVT như Vụ Vận tải, Tổng cục Đường bộ VN, Cục Quản lý đường bộ cao tốc… phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ngoài bộ và các địa phương để đưa nội dung tuyên truyền về ATGT đường cao tốc vào chương trình đào tạo lái xe, xây dựng website ứng dụng smartphone phục vụ mục đích tuyên truyền, xây dựng sổ tay ATGT đường bộ cao tốc, xây dựng các bảng tuyên truyền điện tử trên tuyến, triển khai tuần ATGT đường bộ cao tốc trên một số địa phương dọc các tuyến cao tốc trọng điểm….
Việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tại trạm dừng nghỉ, trạm thu phí, tại các địa phương có cao tốc đi qua sẽ được đổi mới hấp dẫn hơn, dễ hiểu, dễ tiếp cận hơn với người dân và người tham gia giao thông.
Một điểm mới trong đề án là xây dựng mô hình tuyên truyền ATGT theo hình thức xã hội hóa, ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Nguồn kinh phí phục vụ cho công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT cho đường cao tốc đóng vai trò quan trọng, đặc biệt cho việc phát triển bền vững lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay nguồn kinh phí chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước nên rất hạn chế. Do đó, cần thu hút nguồn lực từ các nhà đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức cùng chung tay thực hiện công tác này.
Ngoài ra, theo đề án, các dự án xây dựng đường bộ cao tốc phải cần dành một phần kinh phí để tiến hành tuyên truyền, phổ biến pháp luật ATGT trong khi xây dựng, chuẩn bị đưa vào khai thác và giai đoạn đầu khi mới đưa công trình vào khai thác.
Xin cảm ơn ông
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận