Tại Mỹ và các nước châu Âu, tình hình Covid-19 không còn ở đỉnh điểm nhưng người dân vẫn phải chấp nhận một cuộc sống “bình thường kiểu mới”, đó là giãn cách xã hội, ngay cả trên máy bay. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, cách thức giãn cách mà nhiều hãng bay áp dụng không mấy hiệu quả và còn làm tăng chi phí, khiến hãng bay lỗ nặng.
Niêm phong ghế tạo khoảng cách an toàn
Hiện tại, Hãng hàng không Delta Airlines của Mỹ đang phải thay đổi cấu trúc ghế ngồi trên máy bay để tạo khoảng cách giữa khách hàng.
Trong thông báo mới được đăng tải, hãng công bố một số biện pháp như chặn cửa sổ và ghế ngồi ở lối đi lại cùng toàn bộ ghế ở khu vực giữa. Trong khoang hạng nhất, hãng sẽ niêm phong khoảng 50% ghế. Ở khoang chính, 40% ghế sẽ bị chặn và không mở bán.
Biện pháp niêm phong ghế ở giữa đã được Delta cùng nhiều hãng hàng không khác thực hiện từ giữa tháng 4 để khuyến khích giãn cách xã hội khi đi máy bay. Thông báo mới của Delta chỉ là giải pháp siết chặt hơn. Như vậy, kể cả những máy bay nhỏ hơn cũng sẽ thực hiện giãn cách xã hội và tiến tới áp dụng với toàn bộ dàn máy bay trong vài tuần tới.
Trong thư gửi tới khách hàng, Giám đốc điều hành Delta Ed Bastian giải thích, hãng luôn đặt ưu tiên “hạn chế số lượng khách đi qua mỗi ghế và cung cấp cho hành khách thêm không gian” lên hàng đầu. Việc này vừa để bảo vệ khách và cũng chính là giải pháp an toàn cho hãng.
Ông cũng khuyến khích hành khách duy trì giãn cách xã hội trong thời gian chờ xuống máy bay. Dự kiến, nhóm giải pháp này sẽ được thực hiện cho đến ít nhất là cuối tháng 6 tới.
Một vài hãng bay khác cũng áp dụng phương thức giãn cách, điển hình là Japan Airlines. Hãng này quyết định toàn bộ các chuyến bay nội địa sẽ vận hành theo chính sách hạn chế trong suốt mùa hè này. Hãng bay giá rẻ EasyJet cũng có cái nhìn tích cực với phương án này vì nhu cầu đi lại bằng đường hàng không hiện vẫn thấp.
Xin Chính phủ hỗ trợ
Một số hãng hàng không ở châu Âu như: Air France-KLM, Lufthansa và Tập đoàn IAG cho rằng, phương án giãn cách trên máy bay là không khả thi.
Nhóm 3 hãng bay này đã viết thư gửi tới các Bộ trưởng châu Âu phàn nàn rằng, việc giãn cách xã hội vừa không cần thiết vừa khó thực hiện. Các biện pháp và quy định cần phải được tính toán để cân đối với mức độ rủi ro thực tế.
Nhóm này cũng cho rằng, tất cả các biện pháp giảm thiểu lây nhiễm virus Corona đã được áp dụng chỉ nên kéo dài trong ngắn hạn và do nhà nước chi trả. Bởi các hãng hàng không đã quá khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Mỗi phút trôi qua, các hãng lại phải gánh thêm chi phí. Hãng Lufthansa của Đức cho biết, họ đang thua lỗ 1 triệu euro/giờ vì sụt giảm hoạt động.
Để trống hàng ghế giữa: Lỗ nặng
Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) ước tính, các hãng phải đạt được 87% năng suất thì mới có thể hoà vốn. Nhưng nếu như thực hiện giãn cách trên máy bay, để trống hàng ghế giữa thì các hãng sẽ không thể với tới mục tiêu đó và tiếp tục trượt sâu vào thua lỗ.
Còn nếu tính thêm tiền vào vé cho hành khách thì “giá vé máy bay sẽ tăng gấp 8-9 lần so với hiện nay”, Giám đốc điều hành (CEO) Qantas Airways - ông Alan Joyce nhận định .
Một Giám đốc điều hành khác là ông Michael O’Leary đến từ hãng Ryanair của Ireland cũng lên tiếng, hãng này sẽ không hoạt động nếu bắt buộc phải để trống hàng ghế giữa. Đồng thời, ông O’Leary cũng cảnh báo phương thức hoạt động đó sẽ phá huỷ mô hình kinh doanh của hãng bay giá rẻ Ireland.
Bên cạnh đó, người điều hành hãng hàng không này cũng chỉ ra phương án chặn hàng ghế giữa không hiệu quả về y tế. Bởi theo các các chuyên gia y tế, để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus, người dân nên giữ khoảng cách 2m.
Nếu áp khuyến cáo đó lên kích thước cabin máy bay hiện đại, hành khách sẽ phải ngồi cách xa nhau khoảng 7 ghế.
Còn nếu chỉ để trống ghế giữa, hành khách sẽ cách nhau khoảng 45cm, như vậy không có nhiều ý nghĩa phòng tránh lây nhiễm virus.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận