Ngày 3/8, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT nhận định gian lận thi cử ở Hòa Bình tinh vi, xảo quyệt hơn Sơn La, Hà Giang |
Liên quan đến việc Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hòa Bình khởi tố vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" để điều tra việc nhiều bài thi tốt nghiệp THPT ở Hòa Bình có dấu hiệu bị sửa điểm, ngày 3/8, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quảng lý chất lượng, Bộ GD&ĐT đã nhận định về vụ việc này.
“Hiện nay tôi chưa có đầy đủ thông tin, vì đây vẫn đang nằm trong phạm vi điều tra của Bộ Công an. Theo những thông tin sơ bộ ban đầu thì tôi cho rằng sai phạm của Hòa Bình hết sức nghiêm trọng và thậm chí là có những hành động tinh vi và xảo quyệt hơn Sơn La và Hà Giang”, ông Trinh cho biết.
Trước những băn khoăn về việc hội đồng chấm thẩm định rút toàn bộ phiếu trả lời trắc nghiệm gốc các bài thi đạt từ 8,0 điểm trở lên đối với các môn thi trắc nghiệm để tổ chức chấm thẩm định và kết luận điểm thi không có gì bất thường nhưng sau đó Bộ GD-ĐT lại khẳng định có hành vi can thiệp phiếu trắc nghiệm để thay đổi kết quả thi, ông Mai Văn Trinh cho biết: Khi thẩm định, tổ chấm chỉ chấm trên các bài thi.
Điều này đồng nghĩa với việc đã có việc can thiệp lên bài làm của thí sinh trước khi chấm thẩm định. Tuy nhiên, thông qua việc chấm rà soát, tổ chấm thẩm định đã nghi ngờ có dấu hiệu sai phạm trong quá trình chấm thi ở Hòa Bình, vì vậy Bộ GD-ĐT đã có công văn gửi Bộ Công an điều tra làm rõ.
Ông Trinh cho biết thêm, trong hành trình của 4 kì thi THPT quốc gia, qua mỗi năm Bộ GD&ĐT đều tổng kết, nhìn nhận điểm được và chưa được trong khâu tổ chức kì thi. Từ năm 2017 cho thấy rất rõ, tổ chức thi như vậy là để hướng đến người dân và các thí sinh. Các giải pháp kĩ thuật đã áp dụng trong việc thi trắc nghiệm, trong phòng thi, mỗi em có 1 bài thi với 1 mã đề riêng, đây là giải pháp giúp kì thi công bằng và khách quan hơn.
Tuy nhiên qua những sai phạm vừa rồi, Bộ GD&ĐT cũng đã nhìn thấy những lỗ hổng mà tới đây sẽ phải xử lí nghiêm ngặt. Đó là, đề thi chưa thực sự rõ ràng, chưa phù hợp với yêu cầu của kì thi THPT quốc gia; phần mềm chấm thi đã đạt yêu cầu cơ bản nhưng chắc chắn phải có khâu cải tiến hơn để bảo mật được tốt hơn nữa; việc giám sát, thanh tra của Bộ GD-ĐT đối với địa phương cần thực chất và sát sao hơn. Góp phần ngăn chặn các sai phạm có thể phát sinh thêm.
Trước những sai phạm liên tiếp được phát hiện tại các địa phương như Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình, ông Trinh cho rằng, những người sai phạm này đã có ý đồ từ trước, ở mức độ nào đó có thể gọi là có tổ chức để vô hiệu hóa quy trình. Lấy ví dụ, trong phòng chấm thi yêu cầu phải khóa bằng 2 khóa riêng biệt. Đồng thời các khóa này phải được niêm phong ổ khóa và mỗi 1 cán bộ sẽ giữ 1 chìa khóa riêng. Khi mở cửa phòng sẽ có đủ 3 bên liên quan và 2 người cùng mở mới được. Nhưng các địa phương vi phạm đã cố tình bỏ qua quy trình này thì rõ ràng làm vô hiệu quá độ chặt chẽ theo quy định. Đây là vấn đề về con người, trách nhiệm trực tiếp là của địa phương và Hội đồng thi.
“Trước tiên chúng ta phải xác định rõ trách nhiệm của các bên liên quan trong kì thi này. Trách nhiệm lớn nhất thuộc về địa phương tổ chức kì thi. Bộ GD-ĐT với chức trách là cơ quan quản lí Nhà nước cũng có một phần trách nhiệm. Nhưng cơ bản nhất vẫn là địa phương cần nâng cao trách nhiệm thực hiện nghiêm túc kì thi này tại địa phương”, ông Trinh nhấn mạnh.
Để “bịt lỗ hổng” trong kỳ thi vừa qua, Bộ GD&ĐT sẽ điều chỉnh trong năm 2019. Cụ thể,về đề thi, sẽ tiếp tục xây dựng hệ thống ngân hàng câu hỏi, xây dựng đề thi phù hợp với mục đích yêu cầu của kì thi THPT quốc gia. Bộ sẽ hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm để ngăn ngừa và phát hiện các nguy cơ lợi dụng để sai phạm. Đồng thời, tăng cường vai trò thanh tra, kiểm tra giám sát của Bộ GD&ĐT.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận