Từ nhận thức về GTTC, ngành GTVT đã chuyển sang hành động một cách nghiêm túc, giúp NKT hòa nhập cộng đồng |
Phát triển GTTC là nhiệm vụ quan trọng
Trong những năm qua, nhà nước đã ban hành và từng bước hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật tạo hành lang pháp lý toàn diện thực hiện mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật (NKT) trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó, ngành GTVT cũng đã ban hành nhiều cơ chế chính sách để trợ giúp NKT tham gia giao thông được thuận lợi gồm: miễn, giảm giá vé cho NKT; ưu tiên khi mua vé, sắp xếp chỗ ngồi; thông tin trợ giúp NKT.
Từ nhận thức, các cơ quan, đơn vị đã quán triệt sang hành động một cách nghiêm túc, giúp NKT hòa nhập với cộng đồng. Nói về sự chuyển biến này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ khẳng định, ngành GTVT luôn coi NKT là đối tượng phục vụ đặc biệt và việc phát triển giao thông tiếp cận (GTTC) cho NKT là một trong những nhiệm vụ quan trọng cần quan tâm. Hiện tại ngành GTVT có 5 Bộ Luật, trong tất cả các Luật, đối tượng NKT đều được quan tâm, có sự lồng ghép cho phù hợp với thực tiễn hiện nay. Thứ trưởng cũng cho biết, khi xây dựng các chiến lược, quy hoạch của ngành đối tượng NKT đều được quan tâm và thảo luận, tạo một hành lang pháp lý các quy chuẩn, tiêu chuẩn khuyến cáo được ưu tiên cho NKT…
"Ngành GTVT chưa đáp ứng được đầy đủ so với nhu cầu phát triển của xã hội nhưng ngành GTVT đang cố gắng từng ngày phục vụ tốt hơn, hoàn thiện hơn, hướng tới chất lượng dịch vụ tốt hơn cho NKT. Đối với những vấn đề hiện đang còn tồn tại, bất cập mà xã hội đang đối mặt trong lĩnh vực GTTC, ngành GTVT đã và đang tiếp nhận thông tin và cố gắng khắc phục", Thứ trưởng Lê Đình Thọ nhấn mạnh.
Bên cạnh việc phát triển cơ sở hạ tầng GTTC, Bộ GTVT cũng thực hiện nhiều hoạt động nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm công tác trợ giúp NKT như tích cực thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến Luật NKT; tăng cường nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ tại các đầu mối giao thông vận tải; tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, tập huấn cho các cán bộ quản lý, nhân viên phục vụ tại các đầu mối giao thông và trên phương tiện nhằm hỗ trợ NKT tham gia giao thông.
Mục tiêu đến năm 2020, ngành GTVT đảm bảo 100% công trình nhà ga, bến xe, bến tàu bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với NKT. Đồng thời, đảm bảo tối thiểu 80% NKT có nhu cầu tham gia giao thông được sử dụng phương tiện giao thông đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về giao thông tiếp cận hoặc dịch vụ trợ giúp tương đương.
Để NKT vươn lên hòa nhập cộng đồng, tại TP. Đà Nẵng, nhiều năm nay các công trình công cộng, các dịch vụ xã hội, kể các các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí mới được xây dựng đều chú trọng đến việc đảm bảo có lối đi riêng hoặc các điều kiện cần thiết để NKT có thể tiếp cận và sử dụng.
Vẫn còn nhiều bất cập
Ghi nhận những nỗ lực của ngành GTVT trong việc phát triển GTTC, tuy nhiên, theo ông Phạm Hoài Chung, Giám đốc Trung tâm Phát triển giao thông đô thị và nông thôn, cho rằng, cơ chế chính sách trợ giúp NKT khi tham gia giao thông hiện nay còn một số tồn tại, bất cập. Cụ thể, cơ chế chính sách trợ giúp NKT chỉ chủ yếu tập trung vào việc miễn, giảm giá vé cho NKT và hoàn thiện kết cấu hạ tầng cũng như phương tiện vận tải để trợ giúp NKT.
Thiếu chú trọng nội dung đào tạo, tập huấn kỹ năng cho các đối tượng trực tiếp hỗ trợ NKT như: nhân viên lái xe, nhân viên bán vé xe buýt, nhân viên tại các nhà ga, tiếp viên hàng không.
Đối tượng được hưởng chính sách miễn, giảm giá vé khi tham gia giao thông công cộng: Hiện nay chính sách miễn, giảm cho NKT tham gia giao thông công cộng chỉ áp dụng cho NKT đặc biệt nặng và NKT nặng, còn lại đối tượng là NKT nhẹ không được hưởng chính sách giảm giá vé khi tham gia giao thông công cộng. Trong khi đó NKT nhẹ có nhu cầu tham gia giao thông công cộng cao và là đối tượng chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số NKT (71% NKT).
Chưa có quy định cụ thể về công tác thống kê số liệu tình hình thực tế trợ giúp NKT trong lĩnh vực giao thông vận tải (như số lượng NKT được trợ giúp tại các đầu mối vận tải: nhà ga, bến xe, bến tàu; số lượng NKT được hưởng chính sách miễn, giảm giá vé khi tham gia VTHKCC); Chưa có những quy định về việc thống kê số lượng NKT trong lĩnh vực giao thông để theo dõi, giám sát và tạo cơ sở để đưa ra các cơ chế chính sách phù hợp; Chưa có các cơ chế về thi đua khen thưởng đối với các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có thành tích trong việc phát triển hệ thống giao thông tiếp cận; Chưa có chính sách ưu đãi về lãi suất vay cho các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sản xuất thiết bị hỗ trợ NKT khi tham gia giao thông.
Được biết, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông vận tải (Bộ GTVT) đang triển khai đề án “Trợ giúp Người khuyết tật giai đoạn 2012-2020 - ngành GTVT”. Với mục tiêu nhằm hỗ trợ NKT tham gia bình đẳng trong giao thông, cũng như các hoạt động kinh tế - xã hội, Đề án đã đưa ra các giải pháp hỗ trợ NKT tại các TP lớn và kiến nghị sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn về vấn đề này cho các năm tiếp theo.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận