Không phân rõ làn đường, ô tô, xe máy đan xen, mạnh ai nấy đi (Chụp trên đường Tây Sơn, Hà Nội) - Ảnh: Tạ Tôn |
Do đó, các phương tiện cứ mạnh ai nấy chạy, vô tư giành làn đường của nhau, gây nên tình trạng hỗn loạn, ùn tắc và nguy cơ cao xảy ra TNGT.
Ô tô chiếm đường, xe máy phải đi lên vỉa hè
Chiều 12/6, lưu thông trên đường Phạm Hùng (Hà Nội), dù các làn đường đều được kẻ vạch sơn màu trắng nhưng các phương tiện vẫn ngang nhiên lấn vạch. Hàng dài ô tô đi sang làn đường phía bên phải, sát với vỉa hè - làn đường thường dành cho xe máy. Nhiều xe khách to chềnh ềnh lưu thông hướng Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến thậm chí lúc đi làn bên trái, lúc khác lại đánh lái tấp vào lề bên phải dành cho xe máy để bắt khách, khiến nhiều người điều khiển xe máy phải phanh gấp, hoặc leo cả lên vỉa hè để tránh.
Tương tự đường Giải Phóng, khu vực trước cổng Bệnh viện Bạch Mai (hướng Pháp Vân) giờ cao điểm (17h) ngày 13/6, cả rừng ô tô và xe máy chen chúc nhau đâm xiên đủ hướng, chẳng còn phân biệt đâu là làn ô tô, đâu là xe máy. Các xe đều nhích từng chút một. Quan sát cho thấy, đường Giải Phóng có mặt cắt tương đối rộng nhưng vào khung giờ cao điểm, đoạn đường cửa ngõ này nhanh chóng ùn ứ bởi sự lưu thông không theo hàng lối của đủ loại phương tiện: Xe từ trong bệnh viện ra, xe hướng Giải Phóng - Lê Duẩn quay đầu ngược lại, xe ôm, xe taxi đỗ dưới lòng đường,…
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên ở nhiều tuyến đường (dù mặt cắt rộng) do chưa được phân chia làn một cách khoa học. Thậm chí, nhiều tuyến đường còn thiếu biển chỉ dẫn giữa các làn phương tiện nên việc xử phạt của các lực lượng chức năng khá khó khăn.
Tình trạng này diễn ra không chỉ Hà Nội mà phổ biến tại các đô thị trên cả nước. Đơn cử tại TP HCM, đường Lê Văn Việt, Đỗ Xuân Hợp (Q.9), Nguyễn Duy Trinh (Q.2), Võ Văn Ngân (Q. Thủ Đức)… các phương tiện đi chung một làn hay còn gọi làn đường hỗn hợp. Xe máy, ô tô, xe tải di chuyển khá khó khăn, thường xuyên ùn tắc, thậm chí dễ xảy ra tai nạn nếu các phương tiện phóng nhanh, vượt ẩu.
“Khi đi trên tuyến đường Nguyễn Duy Trinh, tài xế luôn phải ngó trước, ngó sau và biết nhường nhịn, không thể mạnh ai nấy đi, nếu không tai nạn xảy ra như chơi bởi đường này hẹp lại rất nhiều xe container”, tài xế Nguyễn Văn Minh, thường xuyên đi trên tuyến đường Nguyễn Duy Trinh chia sẻ.
Đề xuất phân làn riêng để xử phạt
Trao đổi với Báo Giao thông, Trung tá Nguyễn Đức Thắng, Phó đội trưởng Đội CSGT số 7 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cho biết, CSGT gặp nhiều khó khăn khi xử lý tình trạng lấn đường tràn lan của cả ô tô và xe máy. Do hiện nay đa phần các tuyến đường ở Hà Nội vẫn chưa phân làn riêng, phương tiện vẫn đi theo làn hỗn hợp nên “mạnh ai nấy đi” và “điền vào chỗ trống”.
Theo Trung tá Thắng, nếu phạt người vi phạm đi không đúng làn đường thì ở tuyến đường ấy phải có biển báo phân làn theo từng loại phương tiện. Đơn cử, như phân làn cho xe thô sơ, xe máy, ô tô... thì lực lượng chức năng mới xử phạt được. Đối với làn đường hỗn hợp không có biển, đương nhiên người tham gia giao thông không bị xử lý lỗi đi không đúng làn đường quy định. “Nếu đường được phân làn cụ thể sẽ tốt cho việc hướng dẫn, phân luồng, xử lý phương tiện vi phạm”, Trung tá Thắng nói và kiến nghị, Hà Nội cần phân làn đi theo loại phương tiện để đảm bảo ATGT, chống ùn tắc.
Ông Ngô Mạnh Tuấn, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội cũng thừa nhận, hiện nay phần lớn các tuyến đường Hà Nội được tổ chức đi theo làn đường hỗn hợp chưa phân làn đường riêng cho các loại phương tiện. Dù phần lớn các tuyến đường Hà Nội đều đủ mặt cắt 10,5m (một chiều), đủ điều kiện phân làn đường riêng, nhưng do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện, nhiều tuyến đường còn đang tổ chức thi công nên chưa thể triển khai.
Theo ông Tuấn, cơ bản Hà Nội vẫn tổ chức cho các phương tiện đi theo hướng, xe ô tô đi sát vào dải phân cách giữa, xe máy đi sát phía vỉa hè. “Tới đây, những tuyến đường nào của Hà Nội hoàn thiện hạ tầng giao thông chúng tôi sẽ nghiên cứu cụ thể để đề xuất, tham mưu cho UBND TP Hà Nội. Tuy nhiên, khi phân làn đường riêng, các chủ phương tiện cần có ý thức đi tuần tự theo làn đường của mình để tránh xảy ra ùn tắc giao thông”, ông Tuấn nói.
Ông Hoàng Phúc Dũng, Phó phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT TP HCM) cho biết, đặc thù cơ sở hạ tầng ở TP.HCM hầu hết các tuyến đường đều có làn xe hỗn hợp (trộn dòng) do nhiều tuyến đường không đủ bề rộng. Trong khi đó, ông Nguyễn Ngọc Tường, Phó ban chuyên trách Ban ATGT TP HCM cho rằng, lượng ô tô tham gia giao thông trên địa bàn ngày càng tăng làn hỗn hợp giữa xe máy và ô tô là xuất phát từ nhu cầu thực tế. Trong khi đường hẹp nên rất khó có thể phân chia rõ làn ô tô và xe máy. “Do vậy, đối với những tuyến đường nhỏ hẹp, không chia làn, cơ quan chức năng nên xem xét tốc độ phù hợp, vạch sơn phải luôn rõ, đặc biệt mỗi người dân phải có ý thức tham gia giao thông trên những tuyến đường như vậy để tránh xảy ra những tai nạn đáng tiếc”, ông Tường nói.
Chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thủy cho biết, việc phân chia làn đường và các loại vạch chỉ dẫn khác được xem như một công cụ quan trọng để định hướng và kiểm soát giao thông. Chúng không chỉ là những dấu hiệu có tính hướng dẫn mà còn đóng góp lớn vào việc giữ gìn trật tự giao thông trên mọi con đường, giúp người tham gia giao thông định hướng được hành động của mình và được an toàn cả khi ở bên trong và bên ngoài phương tiện. “Việc một tuyến đường không được phân chia làn một cách chính xác và khoa học cùng với những tín hiệu chỉ dẫn thiếu rõ ràng có thể góp phần gây ra sự lộn xộn trong lưu thông, làm gia tăng TNGT và đơn giản là gây tắc nghẽn”, TS. Thủy nói.
Đà Nẵng: Chỉ 36 tuyến đường có phân làn Hàng ngày, dòng phương tiện ùn ùn đổ về ngã tư Lê Duẩn - Ông Ích Khiêm. Chỉ vài chục giây chờ đèn đỏ, hàng trăm ô tô, xe máy dồn ứ tại các điểm đầu nút giao. Thi thoảng, một vài xe máy tìm kẽ hở giữa các ô tô chen lên sát vạch kẻ phân làn đường giữa tim đường để chờ đèn. Vừa dứt tín hiệu đèn đỏ, dòng phương tiện chen chúc nhau trên con đường chật hẹp. Xe đi thẳng, xe rẽ trái, rẽ phải khiến ngã tư hỗn loạn. Nhiều phương tiện phải mất hai chu kỳ đèn mới qua được nút giao. Đường Lê Duẩn, Ông Ích Khiêm không phải là hai tuyến đường duy nhất tại Đà Nẵng ùn ứ vào giờ cao điểm do lượng phương tiện quá đông, hỗn loạn. Theo phân luồng, các tuyến đường này là đường 2 chiều không có dải phân cách. Hiện nay, các làn đường cũng không có vạch kẻ phân làn đường riêng cho ô tô, xe máy. Vì thế, mỗi giờ cao điểm các luồng phương tiện cứ chen chúc gây ra cảnh ùn ứ. Thiếu tá Phạm Hồng Hải, Đội trưởng Đội Tham mưu, Phòng CSGT Công an TP Đà Nẵng cho biết, ở các làn đường tương tự như đường Lê Duẩn khi không có sự phân chia làn đường hoặc không có biển báo phân làn, các phương tiện phải di chuyển theo đúng Luật GTĐB đã quy định. Theo đó, phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải. Các xe không được vượt bên phải, trừ những trường hợp đã quy định trong luật. Theo ông Nguyễn Hữu Cường, Chánh văn phòng Ban ATGT Đà Nẵng, các tuyến đường nêu trên đều có vạch kẻ phân làn đường nhưng hiện nay bị mờ. Sắp tới Sở GTVT sẽ cho kẻ vạch lại để phân chia. Hiện nay trên địa bàn thành phố chỉ có 36 tuyến đường có biển báo phân chia làn đường, những tuyến còn lại không được phân làn, lực lượng chức năng cũng không thể xử phạt. Vĩnh Nhân Nha Trang: Gia tăng ùn tắc vì không phân làn đường Đường Lê Hồng Phong (TP Nha Trang, Khánh Hòa) hiện có 4 làn xe, trong đó 2 làn ngoài là xe hỗn hợp, 2 làn trong dành cho xe ô tô. Vạch phân làn tuyến đường này là nét đứt. Đây là tuyến đường huyết mạch kết nối nhiều khu của thành phố, lượng phương tiện đông nên thường xuyên xuất hiện tình trạng ùn tắc. Tại làn đường hỗn hợp, thường xuyên có sự xung đột giao thông giữa xe máy và ô tô. Nhiều lúc lượng xe máy tập trung rất đông, muốn tránh hoặc vượt buộc tràn sang làn dành cho ô tô. Không chỉ đường Lê Hồng Phòng, theo Phòng Quản lý đô thị, 12 tuyến đường trục chính và một số đường vành đai của TP Nha Trang có mặt cắt phần đường dành cho xe chạy được thiết kế từ 10-13m cũng đang được tổ chức giao thông 2 làn xe hỗn hợp. Ngoài ra, còn gần 60 tuyến đường có chiều rộng từ 5-10m cũng buộc tổ chức theo kiểu này. Phần xe chạy của các nhánh dẫn (nhóm làn) vào nút không lớn, phổ biến từ 0,3 - 0,5m. Do vậy, mặt bằng của nút hẹp và rất khó bố trí giao thông cho một làn xe hỗn hợp. Tới đây, TP Nha Trang sẽ nghiên cứu tổ chức giao thông theo hướng các tuyến đường một chiều cho tất cả các phương tiện giao thông với các tuyến đường có mặt cắt dưới 10m. “Tuyến đường rộng 12m trở lên sẽ được nghiên cứu tách hẳn làn xe mô tô, xe thô sơ thành một làn riêng, xe ô tô một làn riêng biệt và hạn chế tốc độ chạy trong đô thị”, ông Ngô Khắc Thinh, Phó phòng Quản lý đô thị TP Nha Trang cho hay. Quốc Nhựt |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận