Khi rong rêu thành nỗi ám ảnh
Lâu nay, những vùng nông thôn ở ĐBSCL thường được biết đến với hình ảnh cây trái bạt ngàn. Ở bất kỳ con đường quê nào, gần như cũng xanh mướt một màu cây cối chạy dọc hai bên đường, rợp che bóng mát.
Các bạn thanh niên và người dân dặm vá đường, xử lý tình trạng rong rêu ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ.
Tuy nhiên, bước vào mùa mưa như hiện nay, thì nó lại trở thành nỗi ám ảnh, bất an với người đi đường.
Sau khi mưa dứt, tại nhiều đoạn đường, do mật độ cây cối che phủ dày đặc, ít nắng, nên nước rút chậm hoặc rất lâu để khô ráo. Lâu ngày, rong rêu bám trên mặt đường, gây trơn trượt cho người và phương tiện qua lại.
Ghi nhận tại vùng nông thôn các xã Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Giai Xuân… (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), hình ảnh những con lộ bê tông bám đầy rong rêu đã là nỗi ám ảnh của người dân.
Bên cạnh tình trạng xuống cấp, hư hỏng tại một số đoạn, người tham gia giao thông còn phải đối mặt với nguy cơ té ngã bởi mặt lộ bám đầy lớp rong rêu.
Một đoạn đường bám rong rêu đang được người dân xử lý.
Ông Cao Minh Chí (64 tuổi, người dân địa phương) kể: “Một dạo đi làm về, xe đang chạy ngon lành thì bất ngờ loạng choạng rồi té ngã, do mặt đường bám rong làm bánh xe bị trơn trượt rồi lật ngang.
Tui bị thương khắp mình mẩy, nhưng cũng may không nguy hiểm đến tính mạng”.
Còn ông Nguyễn Trung Kiên (cũng người dân địa phương) cho biết: “Mặt đường bám đầy rong rêu giống như những “chiếc bẫy” đối với người đi đường, và nó còn nguy hiểm hơn cả ổ gà.
Bởi là ổ gà thì mắt thường có thể nhìn thấy và né tránh, còn rong rêu thì rất khó để quan sát. Những người ở xa, không quen đường hay bị té ngã ở những chỗ này, rất nguy hiểm”.
Theo nhiều người, nếu xe máy đi vào đám rong rêu, bánh sẽ trượt ngang bất thình lình và tỷ lệ ngã là rất lớn.
Xử lý cách nào?
Để hạn chế sự cố đáng tiếc trên các tuyến đường nông thôn do rong rêu, người dân đã nghĩ ra nhiều cách ứng phó.
Tại một số nơi, bà con dùng bột tẩy để sẵn ở nhà vào mùa mưa. Khi nào thấy có rong bám trên lộ là mang bột tẩy pha với nước rồi phun thẳng xuống đường. Cách này làm rong bong tróc thành từng mảng, đợi nắng lên một vài hôm rồi quét chúng đi.
"Ra quân" xử lý rong rêu.
Đặc biệt, ở huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, có thầy Nguyễn Nhựt Tân, là giáo viên giảng dạy bộ môn Mỹ thuật tại Trường Tiểu học thị trấn Phong Điền 1 được mệnh danh là “khắc tinh” của rong rêu.
Thầy Tân kể: "Nhiều lần nhìn thấy bà con không may bị ngã, có người bị thương tích đầy mình". Từ đó, thầy Tân nảy ra ý tưởng dặm vá, xử lý rong rêu các đoạn đường hư, giúp bà con an toàn khi tham gia giao thông.
Ban đầu thầy Tân thử bằng nhiều cách, như rải vôi, hóa chất… Qua thời gian, thầy đúc kết được, cách hiệu quả nhất là cạo sạch rêu, rồi dùng xi măng rải lên bề mặt đường. Về sau những đoạn đường này rêu không còn bám nữa.
Bà Lê Ngọc Bích (huyện Phong Điền) cho biết con đường nông thôn trước nhà bà có ít nhất 3 trường hợp chạy xe bị ngã. Ban đầu, bà cứ tưởng do người lái xe bất cẩn, vì con đường láng bon, không có hư hỏng, sau đó bà mới biết, họ gặp tai nạn do đường trơn, rêu bám.
“Từ khi có thầy Tân xử lý rong rêu, việc đi lại của bà con đã thuận lợi hơn rất nhiều, và đảm bảo an toàn”, bà Bích nói.
Ban đầu, thầy Tân chỉ dặm vá, xử lý rêu trên đường một mình. Khi có dư chút đỉnh, thầy mua bao xi măng, ít cát, đá để vá lại những đoạn ổ gà trên con đường thầy nhìn thấy. Lâu dần, nhiều anh em bạn hữu, láng giềng đã cùng chung tay với thầy. Người góp công, người góp của…
Thầy chia sẻ: “Lúc mới làm việc này, tui chỉ vận động bà con xử lý rong rêu ở đoạn đường trước nhà mình. Dần dần, mọi người thấy cách làm này hiệu quả, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông, nên rất hưởng ứng”.
Thầy Nguyễn Nhựt Tân cùng bà con ở huyện Phong Điền xử lý tình trạng rong rêu tại các tuyến đường, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Đến nay, nhiều tuyến đường nông thôn ở Phong Điền, trải dài qua các xã, ấp đều được thầy Tân xử lý.
“Bây giờ đi trên đường, thấy chỗ nào rêu bám nhiều trơn trợt thì mình xử lý. Qua kêu gọi, các mạnh thường quân hỗ trợ xi măng, còn bà con xung quanh thì đóng góp công sức, mỗi người một việc, cùng làm cho quê hương thêm giàu đẹp”, thầy Tân nói.
Trao đổi với PV, chị Lư Thị Đào, Bí thư Xã đoàn Nhơn Ái, huyện Phong Điền (người tham gia trực tiếp xử lý rong rêu bám trên mặt đường), cho biết:
"Vào mùa qua, thông qua các sự kêu gọi, Đoàn thanh niên của xã phối hợp với các đơn vị có liên quan xử lý rong rêu bám trên mặt đường".
Một con đường bị rêu bám đến phân nửa.
Theo đó, xã sẽ vận động các nguồn xin hỗ trợ xi măng, rồi tổ chức ra quân, xử lý. Đầu tiên sẽ làm rêu trên bề mặt đường, sau đó tưới nước rồi rải xi măng lên. Qua thời gian thực tế, cách làm này rất hiệu quả, đã làm hạn chế tối đa tình trạng rêu bám trên mặt đường.
“Xử lý vấn nạn rong rêu là hữu ích, nhưng trước hết mỗi người tham gia giao thông hãy ý thức chấp hành luật giao thông trên mọi tuyến đường. Đó chính là giải pháp hữu hiệu nhất để ngăn ngừa các vụ tai nạn đáng tiếc”, chị Đào kêu gọi.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận