Các phương tiện "bơi" trong nước trên các tuyến phố ở TP. Hà Tĩnh (Ảnh chụp chiều ngày 16/07) |
Sáng 17/7, theo ghi nhận của PV. Báo Giao thông, thời tiết ở TP. Hà Tĩnh vẫn nhiều mây, âm u tuy nhiên mưa đã ngớt mưa. Các tuyến phố ngập sâu trong chiều qua (16/07) như: Phan Đình Phùng, Nguyễn Công Trứ, Nguyễn Du, Lê Duẫn… đã rút hết nước, đường khô ráo, các phương tiện lưu thông dễ dàng.
Theo đại diện Công ty CP Môi trường và Công trình Đô thị Hà Tĩnh, ngay từ chiều hôm qua, đơn vị đã huy động 2 chi nhánh với 60 công nhân có mặt ở những điểm ngập sâu để khơi thông miệng cống; mở thêm nắp tấm đan… để nước rút nhanh hơn. Từ chiều tối hôm qua (16/07), nước đã cơ bản rút xong, đến sáng nay (17/07), các tuyến đường ngập sâu nhất cũng đã khô ráo trở lại.
Thiếu tá Phạm Duy Thành, quyền Đội trưởng Đội CSGT TP. Hà Tĩnh cũng cho biết: Đến sáng nay, nước trên các tuyến phố đã rút hết, giao thông trở lại bình thường, các phương tiện lưu thông dễ dàng. Lực lượng CSGT thành phố cũng đã cho thu gom những biển cảnh báo đường ngập, nguy hiểm được đặt hôm qua. Hiện, đơn vị vẫn tập trung lực lượng, phương tiện và thiết bị, sẵn sàng ứng phó khi ngập tái diễn.
Đến sáng nay (17/07), các tuyến phố ở TP. Hà Tĩnh đã khô ráo trở lại, phương tiện lưu thông dễ dàng |
Trong khi đó, thông tin từ ông Võ Trường Giang - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ II.3 và ông Phan Ngọc Quyết - Chánh thanh tra Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết: Mặc dù hai hôm nay trời mưa to kéo dài nhưng những tuyến đường do đơn vị quản lý chưa xảy ra sự cố gì. Hiện, đơn vị vẫn đang theo dõi sát diễn biến mưa gió và chủ động các biện pháp để ứng phó khi xảy ra sự cố.
Trong một diễn biến khác, vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có Công điện số 13/CĐ-UBND "Về việc chủ động ứng phó với áp thấp trên vịnh Bắc Bộ". Trong công điện, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu: Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã và các đơn vị liên quan khẩn trương theo dõi, kiểm đếm tàu thuyền và thông báo cho chủ phương tiện tàu, thuyền đang hoạt động trên biển, vị trí, hướng đi, diễn biến của vùng áp thấp để chủ động di chuyển ra khỏi vùng bị ảnh hưởng; thông báo đến các cấp chính quyền, người dân vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở đất.... Tổ chức trực ban nghiêm túc 24/24h tại các cơ quan, đơn vị, đia phương để chủ động xử lý các tình huống có thể xảy ra...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận