Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai vừa thông qua Chương trình hành động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh này.
Đường ra khu sản xuất đồi 63 thuộc thôn 3 (xã Tân Bình, huyện Đak Đoa) được bê tông hóa. Ảnh: BGL
Bộ mặt nông thôn khởi sắc
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho thấy, Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới (NTM) triển khai từ năm 2011- 2020 đã làm thay đổi diện mạo bộ mặt nông thôn ở tỉnh này. Theo đó, đến nay, kết quả có 02 thị xã và 01 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 87 xã, 83/90 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới.
Riêng đối với tiêu chí số 2 về giao thông đã thực hiện kiên cố hóa 960,97 km đường trục xã; cứng hóa 993,44 km đường trục thôn, làng; cứng hóa 721,84 km đường ngõ xóm; cứng hóa 1.002,34 km đường trục chính nội đồng. Đến hết năm 2019 có 108/182 xã đạt chuẩn, đạt 59,34% (tăng 37 xã so với cuối năm 2015); đến năm 2020 có 129/182 xã đạt chuẩn, đạt 70,9%.
Còn đối với, Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững cũng đạt được những thành quả đáng khích lệ.
Cụ thể, Kết quả thực hiện một số mục tiêu đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển sản xuất và dân sinh trên địa bàn các huyện nghèo, xã, thôn thuộc chương trình cơ bản phù hợp quy hoạch dân cư và quy hoạch sản xuất, đảm bảo phục vụ có hiệu quả đời sống và phát triển sản xuất của người dân, kết quả cụ thể: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định của Bộ GTVT (chỉ tiêu đề ra 80%-90%); từ 70% - 80% thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa đảm bảo tiêu chuẩn và cấp kỹ thuật theo quy định.
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng căn cứ cách mạng được chú trọng đầu tư, đến nay 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã; 84,07% tuyến đường trục thôn, làng và đường liên thôn, làng được cứng hóa; 66,54% tuyến đường ngõ, xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa; 60,51% tuyến đường trục chính nội đồng đảm bảo vận chuyển hàng hóa thuận lợi.
Trao đổi với Báo Giao thông, ông Huỳnh Kim Đồng, phó ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho biết, kết quả của 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững và NTM cho thấy bộ mặt nông thôn ở Gia Lai thực sự thay đổi bộ mặt. Giao thông, hạ tầng bộ mặt nông thôn vùng đồng bào dân tộc chuyển biến rõ nét, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Theo Ban dân tộc tỉnh Gia Lai, đến nay 100% các huyện, thị xã, thành phố đều có đường giao thông đến trung tâm xã, chủ yếu là đường cấp V, cấp VI rải nhựa bán thâm nhập, nhiều tuyến đường tới trung tâm xã đã xuống cấp nghiêm trọng, chỉ đi lại được vào mùa khô, còn 55 km đường tới trung tâm xã xuống cấp, chưa được kiên cố cần được nâng cấp.
Giao thông làm thay đổi bộ mặt nông thôn và tạo tiền đề phát triển kinh tế xã hội tại các địa phương ở Gia Lai.
Tiếp tục đầu tư vào cơ sở hạ tầng, giao thông
Đối với Chương trình hành động thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, ông Đồng cho biết, tỉnh Gia Lai sẽ tranh thủ mọi nguồn lực để tiếp tục đầu tư vào mọi mặt để giúp đời sống vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày một phát triển.
Theo đó, chương trình hành động đề ra mục tiêu đến năm 2025, về giảm nghèo phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số hàng năm bình quân trên 3%; Phấn đấu mức thu nhập bình quân của người dân tộc thiểu số tăng lên trên 2 lần so với năm 2020.
Về hạ tầng: 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được bê tông hóa hoặc nhựa hóa; 100% thôn, làng có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa. 100% số trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 100% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia và các nguồn điện khác phù hợp; phấn đấu 95% người đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước hợp vệ sinh; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được xem truyền hình và nghe phát thanh.
Mục tiêu đến năm 2030 là phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số xuống dưới 10% (áp dụng chuẩn nghèo giai đoạn 2026 - 2030). Cơ bản (100%) không còn xã đặc biệt khó khăn; 70% số xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt chuẩn nông thôn mới.
ông Huỳnh Kim Đồng, phó ban Dân tộc tỉnh Gia Lai cho rằng: "Đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là đầu tư cho phát triển bền vững gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số; thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với vùng phát triển; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc nâng cao hiệu quả phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội; đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng giới; nâng cao mặt bằng dân trí và chất lượng nguồn nhân lực, nhất là cán bộ, công chức, viên chức dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới; góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, nhằm đạt được mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận