Luật Căn cước chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024 quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống liên tục từ 6 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện (nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã).
Khoản 5 Điều 30 Luật Căn cước nêu rõ, giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam.
Người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch phải xuất trình giấy chứng nhận căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền.
Khi tiếp nhận giấy, cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân trên giấy tờ để kiểm tra thông tin của người được cấp giấy này trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Công dân làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước tại công an quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch sinh sống.
Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước sẽ làm thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của người gốc Việt chưa xác định được quốc tịch.
Về hình thức của loại giấy chứng nhận này, khoản 3 Điều 30 Luật Căn cước liệt kê các nội dung như: Ảnh khuôn mặt, vân tay; số định danh cá nhân; thông tin nhân thân, nơi sinh; tình trạng hôn nhân; họ, chữ đệm và tên, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, người đại diện hợp pháp, người giám hộ, người được giám hộ...
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận