Sau khi sát hại con rể, ông Nam chở xác Việt đến CA phường đầu thú |
Theo TS. Đỗ Cảnh Thìn, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và điều tra tội phạm, việc hóa giải mâu thuẫn trong cuộc sống của những người trong gia đình không được giải quyết kịp thời ngay từ việc nhỏ nên dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Người trong cuộc đều thiếu kỹ năng ứng xử
Như Báo Giao thông đã đưa tin, chiều 14/5, Tôn Thanh Việt (34 tuổi) đến nhà ông Nguyễn Văn Nam (58 tuổi, ở quận Gò Vấp, TP HCM, cha vợ Việt) gây sự. Tại đây, Việt liên tục dùng những lời lẽ thô tục, chửi rủa gia đình ông Nam rồi ra tay đánh vợ. Ngoài ra, Việt còn đánh em gái út của vợ khi cô này đi làm về. Chứng kiến cảnh ấy, ông Nam lấy dao đuổi đánh và đâm chết con rể, sau đó chở xác con rể lên công an đầu thú. Ngay sau khi sự việc xảy ra, dư luận xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng, hành vi của ông Nam trong trường hợp này “có thể thông cảm được”, đó cũng là một người cha đáng thương khi lỡ ra tay giết người vì muốn bảo vệ gia đình mình.
TS. Đỗ Cảnh Thìn cho rằng, trong Bộ luật Hình sự đã quy định rất rõ những tình tiết giảm nhẹ khi phạm tội như phạm tội trong trạng thái tinh thần bị kích động mạnh, phạm tội do có lỗi từ phía bị hại. Đây rõ ràng là hành vi đặc biệt nghiêm trọng, nhưng những tình tiết trên có thể xem là tình tiết giảm nhẹ để khi xét xử căn cứ xử án. Bên cạnh đó, hành vi của ông bố này không bỏ trốn, không che giấu tội phạm mà chủ động và thành khẩn khai báo nên cũng được coi là một tình tiết giảm nhẹ khi lượng hình.
Tuy nhiên, TS. Thìn cũng cho rằng, đây là vụ việc rất đáng tiếc, cho thấy người trong cuộc rõ ràng rất thiếu kỹ năng ứng xử, thiếu sự hiểu biết về pháp luật, thiếu kỹ năng xử sự trong hoàn cảnh bất lợi. Việc hóa giải mâu thuẫn trong cuộc sống của những người trong gia đình không được giải quyết kịp thời ngay từ việc nhỏ nên dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Bên cạnh đó, qua sự việc này cho thấy, đoàn thể hay chính quyền cơ sở chưa làm hết trách nhiệm, cộng đồng dân cư thiếu gắn kết. Nếu trong môi trường sống có sự quan tâm đến nhau, khi có mâu thuẫn được kịp thời khuyên giải, bảo ban, răn đe, ngăn chặn thì sẽ hạn chế được những hậu quả đáng tiếc xảy ra. “Trong trường hợp này, chúng ta để một mình người ta sống trong mâu thuẫn, trong bi kịch thì người ta bế tắc, cùng quẫn nên mới dễ xảy ra tình thế mất kiểm soát gây hậu quả đáng tiếc”, TS. Thìn nhận định.
Không thể dùng bạo lực đáp trả bạo lực
Tuy nhiên, xét ở góc độ pháp luật cũng như xã hội học, Th.s Đặng Vũ Cảnh Linh cho rằng, hiện nay cách hành xử bạo lực đã quá phổ biến trong cuộc sống, trong xã hội, đôi khi vì những lý do không đáng có. “Trong vụ việc này, tất nhiên bị hại cũng là người có lỗi khi có hành vi đánh đập vợ con, chửi mắng gia đình vợ, đó là điều đáng trách.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội Luật gia TP HCM nhận định, trong vụ việc này, nếu có căn cứ xác định người con rể có hành vi liên tục dùng lời lẽ thô tục chửi rủa nhà vợ, hoặc có xô xát với em vợ, xô ngã em vợ, hơn nữa đã nhiều lần đến nhà vợ gây gổ, tuyên bố giết cả gia đình vợ thì có thể xem xét ông Nam gây án trong trạng thái bị kích động tinh thần do hành vi sai trái của bị hại gây ra. Đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự. |
Nhưng trên thực tế, hành động của ông bố cũng không hợp lý. Nếu chúng ta nói họ đáng thương vì bị dồn đến đường cùng mới sử dụng bạo lực, như thế thì còn đâu sự công bằng, công minh của pháp luật? Hãy thử tưởng tượng nếu mọi người đánh mình mà mình đánh lại sẽ ra sao? Nó sẽ khiến xã hội không có trật tự”, ông Linh phân tích.
Theo ông Linh, với hành vi trong trường hợp cụ thể trên, tại các phiên tòa xử án, các luật sư có thể sẽ đưa ra những tình tiết giảm nhẹ để xin khoan hồng của pháp luật, nhưng về phía dư luận, hãy tỉnh táo, không nên cổ súy cho bạo lực, nếu không bạo lực có thể trở thành chuẩn mực để người ta cư xử với nhau. “Trong một chuyện đáng ra anh phải nhờ sự can thiệp của pháp luật thì anh lại bị kích động để có hành vi phạm pháp khác, đó là điều không nên và gây bất ổn cho xã hội”, ông Linh nêu quan điểm.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận