Ngày 22/3, phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (68 tuổi, Chủ tịch HĐQT tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và 85 đồng phạm tiếp tục phần tranh luận của luật sư, phần tự bào chữa của các bị cáo.
Tự bào chữa, bị cáo Hồ Bửu Phương (cựu Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát và Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư Vạn Thịnh Phát) cho rằng, mức án VKS đề nghị là quá nặng.
Bị cáo Hồ Bửu Phương bị VKSND đề nghị HĐXX tuyên phạt 19 - 20 năm tù về tội Tham ô tài sản.
Hồ Bửu Phương bị cáo buộc nhận chỉ đạo của Trương Mỹ Lan, phối hợp với Văn phòng HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, các cá nhân liên quan lên phương án "giải quỹ", giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt 163.000 tỷ đồng, gây thiệt hại hơn 99.000 tỷ đồng cho SCB.
Nói về hành vi của mình, bị cáo nghẹn ngào: "Lúc đầu không hiểu vì sao bị bắt, quá trình điều tra cũng không rõ mình tham ô gì, nhưng khi đọc cáo trạng đã cảm thấy nhẹ lòng vì hành vi của bị cáo trong bức tranh tổng thể là không quá nặng nề".
"Hôm VKS đề nghị tuyên phạt 19 - 20 năm tù, bị cáo không biết phải nghĩ gì nữa, không biết tại sao nữa. Thời gian tạm giam bị cáo chưa được gặp gỡ gia đình, rất muốn gặp người thân. Nhưng đề nghị xong, bị cáo không dám gặp con vì xấu hổ", Hồ Bửu Phương nói.
Tiếp đó, bị cáo Phương mong HĐXX xem xét cân nhắc cho bị cáo được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.
Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn luật sư TP.HCM) bào chữa cho bị cáo Hồ Bửu Phương cho rằng, vai trò của bị cáo trong hệ thống, quy trình rút tiền từ SCB là hạn chế, mang tính chuyên môn riêng biệt, không như quy buộc của bản cáo trạng và lời luận tội là người được xin ý kiến, tức chỉ đạo để tạo ra phương án "giải quỹ".
Theo luật sư, ông Hồ Bảo Phương là người có chuyên môn sâu về kiểm toán và chứng khoán, Trong đó 13 năm làm kiểm toán, có 8 năm làm ngân hàng thuộc nhóm Big4; 5 năm làm giám đốc tư vấn chứng khoán.
Ngoài ra, bị cáo có bằng cấp nước ngoài về hoạt động chứng khoán nên được bà Trương Mỹ Lan tuyển dụng vào Tập đoàn Vạn Thịnh Phát giữ các vai trò hoạt động chuyên môn sâu.
"Tại phiên tòa, Trương Mỹ Lan cũng đã khẳng định Hồ Bửu Phương thực hiện hoạt động chuyên môn, không biết sâu về các công việc nội bộ, nói khác, không biết những việc mang tính quan trọng liên quan đến việc rút tiền, đường đi dòng tiền mà bản thân bà Trương Mỹ Lan chỉ làm việc với những người thân cận", luật sư nói.
Ngoài ra, khi nhận được hồ sơ và cho ý kiến, Phương hoàn toàn không biết đây là công ty thật hay "ma", khi cho ý kiến áp giá cổ phần thì dựa trên kiến thức, kinh nghiệm cá nhân để đánh giá rồi áp giá phù hợp theo nhận thức chủ quan của mình. Như vậy hoạt động của Phương "hoàn toàn không có sự móc nối, chỉ đạo cụ thể nào từ bà Lan".
Trong bối cảnh, quy mô hoạt động của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát rất rầm rộ, quy mô, nguồn lực hùng mạnh, gần như vô tận thì việc bị cáo Hồ Bửu Phương có niềm tin để áp giá cho các công ty này là điều có thể giải thích được.
Dẫn tài liệu và các tình tiết trong hồ sơ vụ án, luật sư cho rằng, phương án "giải quỹ" các khoản vay được SCB giải ngân đã có từ trước khi bị cáo Phương giữ chức Phó tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát.
Do đó, bị cáo cũng chỉ làm theo thông lệ có từ trước tại Vạn Thịnh Phát mà không dự liệu đến tính đúng sai của hoạt động này. Ông Phương cũng không hề biết nguồn gốc các khoản tiền được giao thực hiện "giải quỹ" là tiền được vay trái pháp luật, không biết số tiền này được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sử dụng vào mục đích gì...
Theo luật sư Công, bị cáo Hồ Bửu Phương bắt đầu giữ chức Phó tổng giám đốc tài chính tập đoàn Vạn Thịnh Phát từ ngày 25/4/2016 và bắt đầu được bà Trương Mỹ Lan giao nhiệm vụ phối hợp với các bị cáo khác thuộc Tập đoàn thực hiện "giải quỹ" là vào năm 2018 đến 31/12/2019.
Trong khi đó, hoạt động "giải quỹ" đã được áp dụng tại Tập đoàn vào trước năm 2013. Như vậy, bị cáo Phương chỉ là làm theo thông lệ sai phạm đã có từ đầu, chứ không phải chính bị cáo Phương sáng tạo ra phương pháp này để thực hiện.
Khi bị cáo Phương thực hiện hành vi giải quỹ cho Tập đoàn Vạn Thịnh Phát thì tiền vay đã được Ngân hàng SCB giải ngân đến các công ty vay.
Luật sư Công cũng cho rằng, bị cáo Hồ Bửu Phương không biết nguồn gốc các khoản tiền được giao thực hiện giải quỹ là tiền được vay trái pháp luật. Bị cáo cũng không biết số tiền này được Tập đoàn Vạn Thịnh Phát sử dụng vào mục đích gì trên thực tế.
"Do đó, hành vi giải quỹ chỉ là bước giả cách để tạm thời chuyển tiền chưa có lý do để sử dụng ra khỏi công ty vay, rồi sau đó thu hồi lại. Hành vi này không phải giúp Tập đoàn Vạn Thịnh Phát hợp thức hóa các khoản vay đã được giải ngân trái pháp luật trước đó", luật sư Công nói.
Từ đó, luật sư cho rằng tính chất, mức độ hành vi của Phương "chỉ là một mắt xích nhỏ cuối cùng trong vụ án", làm tất cả đều làm theo chỉ đạo và không được trao đổi hoặc hứa hẹn hưởng lợi nào khác ngoài lương thưởng theo hợp đồng lao động.
Cộng với việc bị cáo có nhiều tình tiết giảm nhẹ, luật sư đề nghị HĐXX giảm nhẹ một phần trách nhiệm, chuyển sang mức đầu của khung hình phạt liền kề - tức khoản 3 Điều 353 Bộ luật Hình sự (15-20 năm tù).
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận