Chiều 8/8, chủ trì cuộc họp liên quan đến các dự án đường vành đai (VĐ) 3, 4 TP HCM, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương rà soát, tháo gỡ khó khăn nhất là nguồn vốn để sớm triển khai đầu tư.
Vành đai 3 trì trệ, vành đai 4 sơ khai
Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và QLDA Hạ tầng giao thông Cửu Long (TCT Cửu Long - đơn vị thực hiện dự án) cho biết, đường VĐ 3 TP HCM có tổng chiều dài 98,54km, được chia làm 4 đoạn, bao gồm: Tân Vạn - Nhơn Trạch (34,28km) chia làm 2 dự án thành phần 1A và 1B; Mỹ Phước - Tân Vạn (16,3km); Bình Chuẩn - QL22 (19,1km); QL22 - Bến Lức (28,86km) với tổng mức đầu tư hơn 35.600 tỷ đồng.
Trong tổng chiều dài tuyến đường VĐ3, hiện chỉ có 16,3km trên địa bàn tỉnh Bình Dương đang khai thác với quy mô 6 làn xe cơ giới (chiếm 17% tổng chiều dài). Đối với dự án thành phần 1A thực hiện bằng vốn ODA và vốn đối ứng, Bộ Tài chính vẫn đang thương thảo Hiệp định vay vốn EDCF, dự kiến ký kết vào tháng 9/2019. TCT Cửu Long đã trình Bộ GTVT hồ sơ mời thầu nhưng do dự án triển khai trong giai đoạn chuyển giao giữa các văn bản pháp lý, Bộ GTVT đã giao cho TCT Cửu Long rà soát lại thủ tục hành động trước khi tuyển chọn tư vấn.
“Với dự án thành phần 1B đầu tư bằng hình thức BOT, Bộ GTVT đã phê duyệt kết quả sơ tuyển gồm 2 nhà đầu tư, TCT Cửu Long đã gửi hồ sơ mời thầu đề nghị EDCF hỗ trợ và cấp khoản hỗ trợ cho tư vấn lập hồ sơ mời thầu. Đề cương cắm cọc GPMB đã được Bộ GTVT phê duyệt. Tuy nhiên, TCT Cửu Long chưa thể triển khai cắm cọc hiện trường vì chưa có nguồn vốn chi trả bồi thường”, ông Thi thông tin.
Liên quan đến đoạn 3, 4 (Bến Lức - QL22 - Bình Chuẩn), theo ông Thi, hiện tư vấn đã hoàn thành công tác lập dự án đầu tư, đã được các vụ trực thuộc Bộ GTVT thẩm định thiết kế cơ sở và thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.
Bộ GTVT cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án này theo hình thức đối tác công tư, hợp đồng BOT. Trong đó, sơ bộ tổng vốn đầu tư (giai đoạn 1) khoảng 19.871 tỷ đồng (vốn Nhà nước là hơn 9.700 tỷ đồng, nguồn vốn của nhà đầu tư là hơn 10.100 tỷ đồng).
“Nếu nguồn vốn được bố trí sớm, dự kiến dự án thành phần 1A và 1B sẽ đồng loạt được khởi công vào cuối năm 2020. Các đoạn khác sẽ được đẩy nhanh tiến độ khi có vốn GPMB”, ông Thi nói.
Với dự án xây dựng đường VĐ4, ông Thi cho biết, tuyến này có tổng chiều dài khoảng 197,6km gồm 5 đoạn. “Hiện tại, các dự án thành phần từ đoạn 1 đến đoạn 4 chỉ sơ khai ở bước duyệt quy hoạch. Riêng đoạn 5 (Bến Lức - Hiệp Phước) đã được Bộ GTVT cho phép lập dự án đầu tư từ năm 2009 và đã thông qua báo cáo giữa kỳ, tuy nhiên do chưa có nguồn vốn nên tạm dừng. Đến tháng 2/2019, Bộ GTVT có Văn bản số 1605 về việc nghiên cứu phương án đầu tư Dự án thành phần đoạn Bến Lức - Hiệp Phước thuộc đường VĐ4 TP HCM.
Quy mô dự án thành phần này gồm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 xây dựng đường ô tô quy mô 4 làn xe với TMĐT hơn 7.000 tỷ đồng. Giai đoạn hoàn chỉnh gồm 8 làn xe cao tốc, 4 làn xe đường đô thị và vỉa hè hai bên.
Theo nghiên cứu, có 3 kịch bản đầu tư được đề xuất, gồm: Đầu tư theo hình thức BOT, Nhà nước hỗ trợ bằng nguồn vốn ngân sách khoảng 2.600 tỷ đồng (chiếm khoảng 33,4% TMĐT); Đầu tư theo hình thức đối tác công tư, trong đó TP HCM hỗ trợ khoảng 157 tỷ đồng và tỉnh Long An hỗ trợ gần 1.400 tỷ đồng chi phí GPMB. Kịch bản cuối cùng là Nhà nước đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư công”, ông Thi thông tin.
Tổng rà soát, tạo cơ sở cho dự án được cấp vốn triển khai
Về công tác GPMB đường VĐ3, hiện TCT Cửu Long đã bàn giao cọc cho địa phương thực hiện. Đến nay, tỉnh Đồng Nai đã xong phương án đền bù và cập nhật lại giá để chi trả, dự kiến hoàn thành trong tháng 6/2020. Trong khi đó, TP HCM mới hoàn thành bản đồ địa chính thu hồi đất, hiện đang chờ HĐND thành phố thông qua kế hoạch sử dụng đất.
Liên quan đến nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ các dự án, bà Lã Hồng Hạnh, Phó vụ trưởng Vụ KH-ĐT (Bộ GTVT) cho biết, dự án thành phần Tân Vạn - Nhơn Trạch thuộc đường VĐ3 sử dụng vốn ODA được phê duyệt từ năm 2016, trong đó, thời hạn thực hiện dự án từ năm 2016 - 2019. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, Hiệp định EDCF vẫn chưa được ký. Vì vậy, TCT Cửu Long cần có báo cáo lên Bộ GTVT đề xuất điều chỉnh thời gian thực hiện dự án để báo cáo Thủ tướng, từ đó Bộ Tài chính mới có căn cứ thời hạn triển khai dự án của Bộ GTVT để ký kết hiệp định.
“Riêng các dự án thành phần đoạn 3, 4 thuộc đường VĐ3, Vụ KH-ĐT đã rà soát, dự kiến đưa vào kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2021 - 2026”, bà Hạnh thông tin.
Trên cơ sở báo cáo của các vụ, đơn vị liên quan, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho rằng, các dự án đường vành đai có vai trò quan trọng trong việc giải tỏa các dòng xe đi qua trung tâm thành phố, là động lực để kinh tế địa phương phát triển.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, thời gian qua, việc triển khai các tuyến đường vành đai, đặc biệt là đường VĐ3 rất chậm. Bộ trưởng đề nghị các cơ quan liên quan phải rà soát lại hồ sơ dự án, quyết định phê duyệt dự án đầu tư đường VĐ3 từ năm 2016 của Bộ GTVT xem có những thay đổi, điều chỉnh gì ở thời điểm trước so với thực tế hiện tại để Bộ Tài chính có cơ sở đàm phán, ký kết Hiệp định vay vốn ADCF, các dự án sớm có nguồn vốn để triển khai.
Bộ trưởng cũng đề nghị các cơ quan chức năng xây dựng báo cáo chi tiết tình hình thực hiện đường VĐ3 báo cáo với Chính phủ, trong đó nêu rõ thực tế TP HCM cam kết ứng trước gần 3.000 tỷ đồng GPMB để Chính phủ xem xét, chỉ đạo thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án.
“Riêng về đường VĐ4 TP HCM, trước mắt, thời gian tới, Bộ GTVT sẽ tổ chức cuộc họp với TP HCM và Long An để lấy ý kiến, gửi văn bản đề xuất Chính phủ đồng thuận đề xuất giao cho tỉnh Long An là cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện đầu tư đoạn Bến Lức - Hiệp Phước”, Bộ trưởng cho biết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận