Xe điện chở khách du lịch tại Khu di tích Đền Hùng, Phú Thọ |
Từ một số đề án thí điểm với số lượng xe hạn chế, đến nay, nhiều địa phương đã để xe điện 4 bánh chở khách du lịch “bung ra” hoạt động, dù chưa đủ điều kiện về đăng ký, đăng kiểm. Tuy nhiên, Cục Đăng kiểm VN cũng đã chủ động “gỡ khó”, giải quyết tối đa về thủ tục cho các DN có nhu cầu đăng kiểm xe điện.
Từ thí điểm đến… tự phát
Những chiếc xe điện 4 bánh chở khách du lịch đầu tiên xuất hiện ở TP Lào Cai (tỉnh Lào Cai) từ năm 2003. Xe được thiết kế 4-5 hàng ghế, chở được hơn chục người. Tuy nhiên, đến năm 2010, Thủ tướng Chính phủ đồng ý cho thí điểm đưa loại xe này vào hoạt động chở khách du lịch trong khu vực phố cổ ở Hà Nội.
Vụ Vận tải (Bộ GTVT) cho biết, cả nước chỉ có 10 địa phương được phép thí điểm hoạt động xe điện kinh doanh chở khách du lịch. Những chiếc xe điện này cũng chỉ được hoạt động trong phạm vi hạn chế do UBND cấp tỉnh quy định.
Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tại 10 địa phương nói trên, số xe điện đang lưu hành lên tới gần 2.000 chiếc, trong đó riêng TX Cửa Lò, Nghệ An có gần 500 xe, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) hơn 430 xe. Thế nhưng, theo Cục Đăng kiểm VN, hiện mới có 203 xe có chứng nhận đăng kiểm. |
Đáng nói hơn, mỗi địa phương chỉ được thí điểm vài chục xe, nhưng thực tế đến nay số xe ở nhiều địa phương đã tăng gấp hàng chục lần, “bung ra” ngoài phạm vi được thí điểm, nhiều nhất là ở các khu du lịch biển, khu di tích, tham quan, du lịch… Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, tại 10 địa phương nói trên, số xe điện đang lưu hành lên tới gần 2.000 chiếc, trong đó riêng TX Cửa Lò, Nghệ An có gần 500 xe, TP Sầm Sơn (Thanh Hóa) hơn 430 xe.
Theo tìm hiểu của PV Báo Giao thông, ngoài những địa phương được phép thí điểm, không ít tỉnh, thành khác dù không có trong danh sách này vẫn có xe điện hoạt động, kinh doanh chở khách du lịch bất chấp việc không hề được đăng ký, đăng kiểm. Trong số này có thể kể đến Bình Dương (khu du lịch Đại Nam), Vĩnh Phúc (chùa Tây Thiên), Quảng Ninh (chùa Yên Tử, đảo Cô Tô), Phú Thọ (khu di tích lịch sử Đền Hùng)…
Ông Nguyễn Duy Anh, Phó giám đốc Khu di tích lịch sử Đền Hùng xác nhận, tại khu di tích hiện có hơn 30 xe đang hoạt động, trong đó hơn 20 xe của doanh nghiệp phục vụ kinh doanh chở khách du lịch.
Một con số “biết nói” nữa là dù số lượng xe điện chở khách du lịch đã lên hàng nghìn chiếc, thế nhưng theo Cục Đăng kiểm VN, hiện mới có 203 xe có chứng nhận đăng kiểm. Về đăng ký, theo số liệu của Cục Cảnh sát giao thông, hiện có gần 1.300 xe được cấp đăng ký, biển số (nhiều nơi cấp tạm) hoạt động, còn lại số lượng khá lớn khác chưa có chứng nhận đăng ký theo quy định chung.
Trao đổi với Báo Giao thông, Phó cục trưởng Cục Đăng kiểm VN Nguyễn Hữu Trí cho biết: “Nguyên nhân khiến nhiều xe chưa có chứng nhận đăng kiểm do doanh nghiệp khi nhập khẩu, mua, đưa vào sử dụng rồi nhưng không có hóa đơn, giấy tờ hợp lệ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. Vì vậy, không có cơ sở để lập hồ sơ kiểm định an toàn kỹ thuật lưu hành”.
Ông Trí cho biết thêm, do loại xe trên chưa được quy định trong Luật GTĐB, không phải là ô tô, không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật như ô tô, nên mới đề nghị Chính phủ cho phép thí điểm hoạt động. Điều kiện cho phép hoạt động thí điểm là loại xe này chỉ được hoạt động ở khu vực hạn chế, chở khách du lịch, khu vực hạn chế cụ thể do UBND cấp tỉnh cho phép.
Tạo điều kiện tối đa đăng kiểm xe điện
Tại hội nghị tổng kết thí điểm hoạt động xe điện chở khách du lịch do Bộ GTVT mới đây, một số doanh nghiệp cũng như Sở GTVT các địa phương cho rằng, vướng mắc chung trong việc không đăng ký, đăng kiểm được phương tiện là do thiếu hóa đơn, giấy tờ chứng minh nguồn gốc, giấy chứng nhận nhập khẩu hoặc xuất xưởng. Đơn vị đăng kiểm cũng vì thế không đủ căn cứ để lập hồ sơ kỹ thuật kiểm định.
Thực tế, nhiều phương tiện được nhập khẩu, mua bán, đưa vào hoạt động trước ngày 15/3/2015 - thời điểm Thông tư số 86 của Bộ GTVT quy định về điều kiện hoạt động của xe điện có hiệu lực. Trong khi đó, giấy tờ mà chủ xe có được khi mua xe trước đó lại không đáp ứng được điều kiện quy định tại thông tư, vì thế cũng chẳng thể đăng kiểm.
Theo ông Phan Đức, Giám đốc Trung tâm Đăng kiểm 15-01V Hải Phòng, mới đây có đơn vị tại địa phương đến đề nghị đăng kiểm xe điện nhưng vì không có Phiếu kiểm tra chất lượng xuất xưởng hợp lệ, không có đăng ký xe nên không thể tiếp nhận.
“Chúng tôi cũng muốn đăng kiểm xe cho doanh nghiệp, để có thêm việc làm, thế nhưng quy trình kiểm định phải tuân thủ theo Thông tư 86”, ông Phan Đức nói.
Trong khi đó, đại diện doanh nghiệp trên cho biết, do xe được sản xuất trước khi Thông tư 86 có hiệu lực, nên công ty sản xuất không có phiếu xuất xưởng như theo yêu cầu của thông tư. Đến nay, chắc chắn doanh nghiệp không thể đáp ứng được điều này.
Theo ông Võ Văn Tươi, Phó giám đốc Sở GTVT Thừa Thiên - Huế, xe điện 4 bánh là loại hình vận tải khách du lịch, vì vậy đề nghị đưa vào Luật GTĐB và cần áp dụng cơ chế quản lý vận tải hành khách.
Ông Tươi cũng như đại diện một số Sở GTVT khác cũng cho rằng, cần kiến nghị Chính phủ cho phép thực hiện cơ chế tháo gỡ vướng mắc (về giấy tờ, thuế, hóa đơn…) để giải quyết đăng ký, đăng kiểm đối với những xe đã tồn tại nhưng không có hồ sơ gốc, nhằm quản lý chặt chẽ loại hình vận tải trên.
Để “gỡ khó” đăng kiểm xe điện 4 bánh, Cục Đăng kiểm VN cho biết, đang nỗ lực để tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp. Cụ thể, đối với những xe đang tồn tại, nếu có giấy tờ chứng minh được nguồn gốc, các đơn vị đăng kiểm kiểm định lại theo tiêu chuẩn kỹ thuật. Trường hợp không rõ nguồn gốc, nhưng có đề nghị của Sở GTVT địa phương, Cục cũng chỉ đạo kiểm tra, cấp chứng nhận đăng kiểm cho xe đủ điều kiện để chủ phương tiện đi đăng ký. Nếu có vướng mắc do việc cấp đăng ký, cơ quan cấp đăng ký sẽ giải quyết.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận