Nhà thầu đang "chạy nước rút" tiến độ lát gỗ lim trên cầu đi bộ bờ Nam sông Hương, TP Huế |
Ghi nhận của PV chiều 20/8, sau 6 tháng thi công, công trình “Cầu đi bộ lát gỗ lim” ở bờ Nam sông Hương (TP Huế) đã “lộ rõ” hình hài. Tuy nhiên, việc gỗ lim lát trên phố đi bộ này bị nứt nẻ khiến dư luận không khỏi lo ngại. Cụ thể, ngoài những thanh phôi gỗ ở vị trí tập kết bị nứt phía 2 đầu, không ít thanh gỗ đã được lắp đặt vào mặt đường trên cầu đi bộ cũng xuất hiện vết nứt dọc.
Trả lời vấn đề này, ông Văn Viết Thành, Giám đốc Công ty CP Xây dựng Thủy lợi Thừa Thiên- Huế (nhà thầu thi công) cho biết, đối với nứt phía 2 đầu thanh gỗ, do yêu cầu sấy đạt đến độ ẩm 8% nên khó tránh khỏi chuyện nứt của 2 đầu của phôi gỗ. “Trong quy trình thi công chúng tôi cũng đã dự phòng vấn đề này, nên phôi dài hơn thành phẩm 20 phân để quá trình lắp đặt sẽ cắt bỏ phần phía 2 đầu phôi gỗ đã bị nứt nẻ”, ông Thành cho hay.
Phần lớn sàn gỗ lim trên cầu đi lộ lát gỗ lim ở bờ Nam sông Hương, TP Huế đã được lắp đặt |
Hệ thống lan can 2 bên cầu đi bộ này được lắp đặt 4.100 thanh đồng |
Còn đối với vết nứt dọc trên các thanh gỗ đã lắp đặt, theo ông Thành, do nghiệm thu gỗ hình dáng bằng cảm quan, nên khi lắp đặt vào, những thanh gỗ xuất hiện vết nứt dọc được đánh dấu để tháo dỡ ra thay thế các thanh khác vào.
Cũng theo ông Thành, đối với những vết rạn nhỏ trên bề mặt, do kết cấu của thanh gỗ những cái đó xoắn, do đó khi để ngoài trời, nhiệt độ ngoài trời lớn xuất hiện những vết trắng 0,1 ly đó cũng là hiện tượng tự nhiên của thanh gỗ, việc đó không ảnh hưởng đến khả năng chịu lực, tuy nhiên vẫn làm giảm tính thẩm mỹ và đó là vấn đề khó tránh khỏi của gỗ tự nhiên để ngoài trời.
Không chỉ những thanh phôi gỗ ở vị trí tập kết trên công trường bị nứt phía 2 đầu... |
... Nhiều thanh gỗ lim đã được lắp đặt cũng xuất hiện các vết nứt dọc vừa được đánh dấu |
“Gỗ khi gặp nhiệt độ ngoài trời trên 40 độ đã phát sinh ra co ngót và hầu như tất cả các cầu gỗ trên thế giới sau một quá trình sử dụng đều có những vết rạn nho nhỏ, đó là do yếu tố tự nhiên của gỗ. Còn đương nhiên, có những thanh gỗ nứt dọc thân, phải được loại bỏ trong quá trình lắp đặt cũng như quá trình nghiệm thu. Công trình bảo hành 30 tháng, trong quá trình đó, nếu xuất hiện những thanh gỗ bị nứt dọc thanh, những thanh gỗ đó phải được loại bỏ và vấn đề này thuộc về trách nhiệm của nhà thầu”, ông Thành cho hay.
Trả lời câu hỏi về việc gỗ bị nứt liệu có dẫn đến thiếu hụt gỗ hay phát sinh chi phí?, ông Thành cho biết, đối với quy phạm xây dựng ở nước ta thì tỷ lệ hao hụt giữa phôi gỗ và thành phẩm là 5%. “Khi nhập gỗ về thì chúng tôi cũng đã tính toán dự liệu trước lượng hao hụt trong quá trình gia công đó, nên vấn đề này không tăng chi phí, đồng thời không ảnh hưởng tới tiên lượng vật tư mà nhà thầu đã tính toán vì đã nằm trong quy định của nhà nước".
Ông Văn Viết Thành cho biết, những thanh gỗ đã được lắp đặt xuất hiện vết nứt dọc đã được đánh dấu để tháo dỡ ra thay thế các thanh khác vào |
“Hiện nay, theo hợp đồng đã được ký kết với nhà tài trợ KOICA (Hàn Quốc) thì tiến độ cuối tháng 11/2018 hoàn thành. Tuy nhiên, do thời tiết tại Thừa Thiên- Huế sau tháng 10 thường xảy ra lũ lớn, do đó chủ đầu tư đã chỉ đạo và đơn vị thi công chúng tôi cũng quyết tâm quyết liệt đẩy tiến độ để hoàn thành trong tháng 9 tới”- ông Văn Viết Thành cho hay.
Theo nhà thầu thi công, số gỗ lim dùng để lát sàn cầu đi bộ nói trên là 120 khối (khoảng 16.000 thanh, mỗi thanh rộng 15 phân và dày 5 phân) và 30m khối dùng cho các hạng mục phụ trợ như ghế ngồi, chậu hoa, tay vịn. Cùng với đó, công trình cầu đi bộ lát gỗ lim này có hệ thống lan can 2 bên là 4.100 thanh đồng. “Đối với dự án, nhà tài trợ cũng đã cho trước 5% vật liệu (hạng mục gỗ và hạng mục đồng) dự trữ để thay thế”, ông Thành nói.
Dự án Mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, TP Huế có tổng kinh phí thực hiện là 52,9 tỷ đồng; chi phí xây lắp 51,2 tỷ đồng. Toàn bộ kinh phí thực hiện dự án được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) thống nhất do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ không hoàn lại. Trong đó, hạng mục cầu đi bộ rộng 4m, dài 400m được thiết kế bằng sàn bê tông cốt thép trên hệ cọc bê tông ly tâm D400; mặt trên sàn bê tông được lát mặt gỗ lim dày 5cm, liên kết với sàn bê tông cốt thép. Tổng diện tích lát sàn bằng gỗ lim 2.438m2, thực hiện theo quy trình chỉ dẫn kỹ thuật phần lát sàn bằng gỗ lim đảm bảo ổn định và được xử lý gỗ nhằm tăng tuổi thọ công trình. Dự toán tổng chi phí gỗ lim lát sàn cho cầu đi bộ 5,14 tỷ đồng (bao gồm phần gỗ lim thành phẩm đã được xử lý ngâm hóa chất, sấy… và gia công, lắp dựng). Nguồn gốc gỗ lim là được nhập khẩu từ Nam Phi. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận