Câu cá đêm lo... mại dâm trá hình
Khái niệm kinh tế ban đêm được nhắc tới nhiều từ khi Thủ tướng Chính phủ chính thức yêu cầu các bộ và các địa phương chủ động nghiên cứu mô hình này của nước láng giềng Trung Quốc.
Thế nhưng, với nhiều chuyên gia đây không phải là vấn đề mới. Với quốc tế, vấn đề này lại càng cũ. Nhưng vì sao, cụm từ đã trở nên quá quen thuộc với nhiều nước - thì gần đây mới được nói tới ở Việt Nam?
Lý giải về điều này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) kể câu chuyện ông từng tới Tiền Giang năm 2007 và đưa ra lời đề xuất địa phương xem xét mở thêm dịch vụ câu cá đêm, có thể tới 1-2 giờ sáng để du khách được trải nghiệm miền sông nước.
“Vào thời điểm ấy, tôi nhận thấy khách du lịch, cả người Việt Nam lẫn ‘Tây’ phần lớn chỉ coi Tiền Giang như một điểm nghỉ chân trong ngày và sẽ quay về thành phố Hồ Chí Minh để ngủ qua đêm. Như thế quá lãng phí,” ông Thịnh nhớ lại.
Tuy nhiên, ý kiến của vị chuyên gia kinh tế ngay sau đó nhận được cái "nhăn mặt" của một lãnh đạo địa phương vì sợ dịch vụ như trên sẽ dễ làm nảy sinh ra ... "mại dâm trá hình" hay nguy hiểm tính mạng khách du lịch.
“Bản thân tư duy của những người có thể làm kinh tế đêm rõ ràng đã và đang còn bị trói buộc. Không gỡ được nút thắt này, mọi thử nghiệm sẽ đều thất bại,” PGS Đinh Trọng Thịnh thẳng thắn.
Khẳng định những lợi ích khổng lồ từ nền kinh tế "gạch nối của nền kinh tế ban ngày", PGS Đinh Trọng Thịnh cho hay, kinh tế ban đêm đã mang lại cho Tokyo (Nhật Bản) khoảng 3,76 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, với cả nước Anh, con số này lên tới 100 tỷ USD một năm.
Kinh tế ban đêm mang về cho Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng bao nhiêu tiền và bao nhiêu việc làm? Câu trả lời là chưa có con số thống kê chính thức. Cũng chưa có chính sách phát triển “kinh tế ban đêm” nào nhiều hơn việc xây dựng các khu chợ đêm hoặc phố ăn đêm.
Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thanh Bình đồng tình: Đã tới lúc cần phải thay đổi quan niệm kinh tế đêm là những dãy hàng quán nhạy cảm hay gắn liền với các tệ nạn.
“Cần phải xác định: Với nền kinh tế thị trường, ở đâu có việc làm là có lợi ích xã hội,” ông Bình nhấn mạnh.
"Kinh tế ban đêm phải có đặc thù vùng miền"
Theo các chuyên gia, sau cởi trói về tư tưởng chính là tháo bỏ bó buộc về chính sách, khuôn khổ pháp lý để kinh tế đêm tồn tại phát triển.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh chỉ ra, hiện tại nhiều địa phương giới hạn khung giờ bán hàng tới 24h thì khó có nền kinh tế đêm phát triển. Bởi thế, trước hết phải có quy định bán hàng 24/7.
Lên tiếng trên báo chí mới đây, CEO một doanh nghiệp du lịch lớn cũng đã cảnh báo về cách làm này. Theo vị này, hiện nay nhiều địa phương đã quan tâm làm phố đi bộ ban đêm, nhưng do thiếu quy hoạch nên không mang lại hiệu quả như mong muốn.
Tuy vậy, ông cũng tỏ ra băn khoăn bởi ngay ở TP.HCM, ban đêm dẫn khách đi xem các chương trình văn hóa thì "kiếm thử có chương trình nào khách nước ngoài xem được?".
Nhìn nhận thực tế này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, muốn phát triển kinh tế ban đêm, phải có cách làm đa dạng về "chủng loại mặt hàng" và đặc biệt là tạo điểm nhấn theo địa phương.
"Ví dụ ở Hội An có quá nhiều thứ làm được, tại sao không nghĩ đến việc cho khách du lịch đi cấy, khách nước ngoài họ thích lắm, họ sẵn sàng trả gấp 10 lần số tiền số tiền mua mạ", ông Thịnh nhấn mạnh.
Từ đó, vị chuyên gia kinh tế lão làng cho rằng, trước hết, phải có nghiên cứu để các dịch vụ, mặt hàng "đảm bảo tính địa phương tốt nhất". Quan điểm của ông là "tính địa phương vùng miền mới thu hút được khách, chỗ nào cũng karaoke, cũng bar, câu lạc bộ bia... thì sau một thời gian du khách sẽ chán".
Cần phải thêm cơ chế
Bàn về vấn đề “hành lang pháp lý” cho nền kinh tế ban đêm, các chuyên gia đều cho rằng: Bên cạnh việc “cởi trói” về chính sách từ phía Chính phủ, các cơ quan chức năng cũng cần tạo thêm cơ chế, đặc thù riêng.
“Việc định hướng cho từng địa phương cần thử nghiệm dần theo cách "đi tới đâu nhìn tới đó". Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, Chính phủ chỉ là kiến trúc sư và thị trường cần cái gì, tự thị trường sẽ hình thành,” chuyên gia Nguyễn Thanh Bình bày tỏ.
Vấn đề cốt lõi theo ông Bình là cơ quản quản lý phải tạo ra môi trường, cơ sở hạ tầng tốt để hỗ trợ cho hoạt động kinh tế ban đêm. Chi phí sử dụng hạ tầng cũng cần có sự khác biệt so với ban ngày để hướng tới hỗ trợ những đối tượng tham gia bán hàng, dịch vụ.
Cũng nói về chính sách, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh góp ý thêm, cơ chế, chính sách cho hoạt động ban đêm cần rõ ràng, minh bạch và có chế độ riêng, ví dụ như chế độ lương thưởng phù hợp cho lực lượng công an, quản lý thị trường…Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh tới yếu tố an ninh, an toàn cho hoạt động của các cơ sở kinh doanh ban đêm. Bởi, nếu phát triển kinh tế ban đêm mà tội phạm phát triển theo thì du khách cũng... chả dám tới.
Bày tỏ quan điểm về vấn đề làm thế nào để vừa thúc đẩy kinh tế ban đêm, vừa quản lý tốt, PGS Phạm Trung Lương- nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Du lịch, Tổng Cục Du lịch cho rằng, để quản lý được các hoạt động kinh tế ban đêm có nhiều cách, trong đó có cách quy hoạch thành một khu riêng như một số nước trên thế giới.
“Tôi cũng đã có đề xuất trong rất nhiều quy hoạch và ý tưởng phát triển, ngay kể cả Đà Nẵng về việc quy hoạch riêng khu kiểu như downtown để cung cấp đủ mọi dịch vụ về đêm gồm mua sắm, ăn uống, vui chơi giải trí... Đây sẽ là khu vực riêng để khách du lịch đến vui chơi về đêm. Điều này sẽ giúp thuận lợi hơn trong quản lý”, PGS Phạm Trung Lương nói.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận