Một điểm mới của dự thảo Thông tư lần này là tạo điều kiện cho người mua cuối cùng được đăng ký tên những chiếc xe mua bán nhiều đời chủ.
Mua xe cũ khó tìm chủ xe
Ngày 6/3, trong vai người có nhu cầu mua xe cũ, PV Báo Giao thông tìm tới chợ xe cũ Dịch Vọng (quận Cầu Giấy, TP Hà Nội). Tại đây, một “cò” xe nhanh nhẹn giới thiệu chiếc xe Honda Lead cũ mang BKS 30Y5 - 026.xx với giá 15 triệu đồng. Tuy nhiên, khi PV hỏi muốn làm thủ tục sang tên chính chủ, thì người này tỏ ra ngạc nhiên: “Cả cái chợ xe này, đều là xe mua đứt bán đoạn rồi, tìm chủ xe khác nào “bắc thang lên hỏi ông trời”?”.
Thấy PV vẫn băn khoăn, “cò” xe nói thêm: “Xe có giấy đăng ký, không đục sửa số khung số máy, không phải xe trộm cắp, tang vật gì thì cứ thế mà đi thôi, CSGT không phạt đâu. Chúng tôi buôn xe, cũng phải biết mà tránh những xe có “phốt” chứ”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn T. (trú xã Ninh Nhất, TP Ninh Bình) cho biết, năm ngoái, ông có mua 1 chiếc xe Honda SH BKS 35N - 27x.xx của người hàng xóm cho con gái tốt nghiệp đại học đi làm. Do con gái làm việc ở Hà Nội, nên muốn đổi biển số xe.
“Lúc đó, tôi sang hỏi hàng xóm việc làm thủ tục sang tên đổi chủ chiếc xe thì mới biết, người hàng xóm cũng mua lại chiếc xe của em họ, hỏi người em họ thì người này lại mua từ một người khác. Tôi tìm đến người chủ trên đăng ký xe thì người này đã chuyển nhà vào TP HCM”, ông T. nói và cho biết, vì những rắc rối đó, đến nay chiếc xe vẫn không thể sang tên đổi chủ, đổi biển số.
Thiếu tá Nguyễn Việt Tiệp, Phó đội trưởng Đội CSGT trật tự Công an quận Hoàng Mai (TP Hà Nội) cho hay, quá trình làm thủ tục đăng kí xe máy trên địa bàn, có rất nhiều người đến hỏi làm thủ tục đăng sang tên phương tiện do mua bán, mất giấy tờ không tìm thấy chủ đầu đứng tên trên giấy đăng kí.
“Theo quy định hiện nay, trong những trường hợp chủ phương tiện mua bán, chuyển nhượng sang tên chủ mới đều phải đến gặp chủ đứng tên trên giấy chủ đăng ký xe, để làm thủ tục mua bán xe (có công chứng), sau đó đến cơ quan CSGT để làm thủ tục sang tên. Nếu không tự tìm được chủ cũ thì không thể sang tên xe, đăng ký chủ quyền xe được”, Thiếu tá Tiệp cho biết.
Khổ vì xe không chính chủ
Bán chiếc xe máy BKS 29L2 - 34xx đã 3 năm, ông Nguyễn Văn H., ở Thường Tín, Hà Nội bất ngờ bị Công an huyện mời lên làm việc vì chiếc xe do ông đứng tên gây tai nạn rồi bỏ chạy. May mắn, ông H. vẫn cẩn thận giữ lại bản viết tay bàn giao xe có ghi địa chỉ của người mua xe để trình cho cơ quan công an.
“Tuy nhiên, nếu mình sang tên đổi chủ chiếc xe theo đúng thủ tục quy định luôn, thì không phải gặp rắc rối này”, ông Hải phân trần.
Về nội dung này, Thiếu tá Nguyễn Việt Tiệp cho biết, khi xe bị tạm giữ do vi phạm luật giao thông hoặc gây TNGT, cơ quan công an sẽ truy tìm theo đăng ký xe. Chủ xe sẽ phải tiếp tục chịu trách nhiệm liên đới về mặt hành chính cũng như hình sự nếu như xe sau khi đã bán, cho, tặng không sang tên chủ mới mà chiếc xe nằm trong diện tranh chấp, khởi tố hoặc điều tra vụ việc liên quan.
Với những xe bị tạm giữ, theo quy định hiện chỉ có chủ xe đứng tên trên giấy tờ mới có quyền lấy lại xe. Sẽ rất rắc rối đối với người sử dụng xe nếu chủ xe ở xa hoặc xe sau mua, bán, cho, tặng mà không thể liên lạc được với chủ xe.
“Xe không chính chủ khiến người chủ mới/chủ cũ của xe gặp rắc rối và lực lượng chức năng cũng gặp khó khăn trong công tác giải quyết TNGT, xử phạt nguội vi phạm giao thông vì không tìm ra người sử dụng chiếc xe để xử phạt”, Thiếu tá Tiệp nói.
Trung tá Phạm Việt Công, Trưởng phòng Hướng dẫn Đăng kí Kiểm định Phương tiện, Cục CSGT (Bộ Công an) cho biết, trên thực tế, hiện nay, còn nhiều phương tiện đã mua bán qua nhiều người nhưng không làm các thủ tục sang tên, người mua sau chỉ cầm đăng ký xe và không có bất cứ giấy tờ mua bán gì khác. Điều này gây khó khăn cho cả người chủ cũ/chủ mới lẫn cơ quan quản lý phương tiện, xử lý vi phạm, điều tra giải quyết TNGT.
“Thực tế cũng cho thấy, vì mua bán xe nhiều đời chủ, khi muốn đăng ký sang tên chính chủ, người chủ mới gặp nhiều khó khăn vì không thể tìm được người chủ ban đầu do người này đã chuyển nơi sinh sống, thậm chí không muốn ký giấy vì “sợ phiền”.
Chính vì vậy, Bộ Công an đề xuất quy định việc giải quyết đăng ký sang tên xe đối với trường hợp xe đã chuyển nhượng sở hữu qua nhiều người nhưng thiếu hoặc không có chứng từ chuyển nhượng thì được giải quyết đăng ký sang tên cho người đang sử dụng xe”, Trung tá Công cho biết.
Tháo gỡ mua bán xe qua nhiều chủ là cần thiết
Nghị định số 100/2019/NĐ-CP quy định quy định mức xử phạt tăng lên gấp đôi (so với Nghị định 46) khi chủ xe không làm thủ tục đăng ký sang tên xe khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển hoặc được thừa kế.
Mức phạt từ 2 - 4 triệu đồng khi không làm thủ tục đăng ký sang tên các loại ô tô; hành vi này đối với với tổ chức sẽ bị phạt từ 4 - 8 triệu đồng. Mức phạt hành vi này với xe máy từ 400 - 600 nghìn đồng (với cá nhân) và từ 800.000 đồng - 1,2 triệu đồng (với tổ chức).
Mức phạt áp dụng với cả chủ phương tiện (đứng tên trên giấy đăng ký) và người mua hoặc được cho, tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế chiếc xe.
Theo Trung tá Công, trước đây, để tháo gỡ vướng mắc cho việc đăng ký xe đã chuyển nhượng qua nhiều người, Bộ Công an đã ban hành Thông tư 12/2013 hướng dẫn việc đăng ký xe theo thủ tục đơn giản trong khoảng thời gian từ ngày 15/4/2013 - 31/12/2014.
Sau đó, Thông tư số 15/2014 đã “gia hạn” đến ngày 31/12/2016 cho xe máy bán qua nhiều đời chủ mà không có chứng từ chuyển nhượng, hoặc chứng từ chuyển nhượng đã quá lâu thì sẽ được cấp đăng ký lại theo thủ tục đơn giản.
“Hiện tại, đã hết thời gian trên nhưng số lượng các phương tiện mua bán qua nhiều đời chủ vẫn còn khá lớn, nhiều người có nhu cầu sang tên, đổi chủ nhưng không tìm được người chủ ban đầu nên trong Thông tư lần này, Bộ Công an tiếp tục tạo điều kiện để người dân chuyển quyền sở hữu”, Trung tá Công nói.
Theo đó, người sử dụng xe chỉ cần có giấy khai đăng ký sang tên, di chuyển xe (theo mẫu) và viết cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe làm thủ tục đăng ký, có xác nhận về địa chỉ thường trú của người đang sử dụng xe của công an cấp xã nơi người đang sử dụng xe thường trú.
Căn cứ vào hồ sơ này, cơ quan đăng ký xe sẽ tiếp nhận và gửi thông báo đến người đứng tên trong đăng ký xe biết và niêm yết công khai tại trụ sở cơ quan đăng ký xe. Sau 30 ngày nếu không có các khiếu nại, tranh chấp thì cơ quan đăng ký xe sẽ giải quyết cấp biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe cho người đang sử dụng xe.
Đồng tình với đề xuất này, song luật sư Nguyễn Thiện Hiệp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cũng cho rằng, quá trình sang tên cho chủ mới, cơ quan chức năng cũng cần kiểm tra, rà soát để biết đó không phải xe trộm cắp, xe tang vật vụ án”.
Luật sư Hiệp cũng đề xuất, nên có thời hạn cho việc “gỡ vướng” này, đồng thời song song với việc cho người chủ cuối cùng đăng ký xe, thì cơ quan chức năng phải có hình thức răn đe, xử lý các xe không chính chủ. Có như thế, người dân mới chấp hành nghiêm các quy định về chuyển quyền sở hữu phương tiện.
Tương tự, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ tịch Hội luật gia TP HCM nêu quan điểm, đề xuất của Bộ Công an để tháo gỡ “tồn tại của lịch sử” là điều cần thiết, nếu không tháo gỡ rất khó quản lý. Tuy nhiên, quá trình thực hiện cần phải kiểm tra, xác định kịp thời, bắt giữ những đối tượng lợi dụng qui định này để hợp thức hoá xe gian, xe trộm, cắp, xe tang vật vụ án.
Về nội dung này, Trung tá Công cho biết: Người có phương tiện khai báo hoàn toàn phải chịu trách nhiệm các vấn đề liên quan đến phương tiện trước pháp luật. Còn cơ quan chức năng sẽ thông báo công khai trên các cổng thông tin để mọi người dân đều có thể truy cập, tìm kiếm.
“Nếu xe của người nào đó bị mất, khi thấy cơ quan công an thông báo phương tiện này sẽ được sang tên cho người khác hoặc biết xe này bị mất cắp, vi phạm pháp luật thì liên hệ với cơ quan công an để giải quyết.
Hơn nữa, đối với phương tiện bị mất trộm, mất cắp, người dân đến cơ quan công an khai báo, thông tin sẽ lưu lại. Do đó, quá trình thực hiện sang tên đổi chủ xe, sẽ có sự rà soát để đảm bảo không lọt xe gian, xe trộm cắp”, Trung tá Công thông tin.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận