Mặt bằng "xôi đỗ"
Những ngày cuối tháng 9, tại gói thầu XL-02 thuộc Dự án thành phần đoạn Chí Thạnh - Vân Phong, Dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2021 - 2025, Công ty TNHH xây dựng Tự Lập bố trí hàng chục công nhân, máy móc, thiết bị trên công trường. Tuy nhiên, việc thi công vẫn không được như mong đợi của nhà thầu.
Ông Nguyễn Tiến Tuyên, Chỉ huy trưởng Công ty TNHH xây dựng Tự Lập cho biết, đơn vị đảm nhận thi công 4 km đường cuối tuyến thuộc gói thầu XL-02. Theo kế hoạch, thời điểm này phải hoàn thành đắp nền tuyến chính để đảm bảo cao trình vượt lũ mùa mưa tới. Thế nhưng hiện nhà thầu mới triển khai làm cống, đổ trụ cầu nút giao với quốc lộ 1, bóc lớp phong hóa tuyến chính, xử lý nền đất yếu.
"Nhu cầu đất đắp san nền, xử lý nền yếu rất lớn, khoảng 35.000m3 nhưng hiện đang thiếu đất san nền. Các ngành chức năng ở tỉnh Phú Yên cũng chưa hoàn thành di dời hạ tầng, hệ thống đường điện. Trên tuyến có 2 vị trí là đường 110kV và đường 220kV chạy qua, trong đó có đường dây 202kV nằm đúng vị trí gia tải nền đường. Nhà thầu rất khó khăn trong thi công", ông Tuyên chia sẻ.
Dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn Chí Thạnh - Vân Phong dài 48 km đi qua 5 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Phú Yên, tổng mức đầu tư hơn 10.700 tỷ đồng. Đến gần cuối tháng 9, khối lượng đào đã đạt hơn 5,93 triệu m3; đắp nền đạt hơn 6,27 triệu m3; xử lý nền đất yếu hơn 19 km.
Di dời những vị trí ảnh hưởng trực tiếp thi công trong tháng 10
Theo Ban Quản lý dự án 7 (Bộ GTVT), hiện nay, các nhà thầu đã huy động 42 mũi thi công với 394 máy móc, thiết bị với cả nghìn công nhân. Tuy nhiên, việc triển khai trên tuyến còn chậm.
Theo đơn vị này, địa phương đã bàn giao hơn 96,4%. Tuy nhiên thực tế nhà thầu tiếp cận để thi công được khoảng hơn 90%, mặt bằng còn xen kẽ, không liên tục. Nguyên nhân chủ yếu là đất chưa quy chủ, công tác phê duyệt chi trả chậm và một số ít có khiếu nại về đơn giá, số liệu kiểm đếm đền bù... Tập trung nhiều nhất là TX Đông Hòa và huyện Tuy An. Công tác xây dựng các khu TĐC kéo dài. Công tác di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật chậm, chưa đáp ứng tiến độ thi công của Dự án.
Hiện nay nhà thầu cũng đang gặp khó khăn về thỏa thuận giá thuê đất với hộ dân đối với các bãi thải không phải đất công. Một số vị trí được tỉnh quy hoạch làm bãi thải thì đường tiếp cận rất khó khăn, không đảm bảo tiến độ vận chuyển đổ thải.
Do đó, Ban quản lý dự án 7 đề nghị các địa phương xử lý dứt điểm các vị trí mặt bằng "xôi đỗ", các vị trí đào phá đồi đất, đá để khai thác vật liệu đắp tận dụng nền đường, phạm vi xử lý nền đất yếu, vị trí cầu.
Cùng đó, địa phương cần sớm hoàn thiện các khu tái định cư, sớm bố trí người dân vào ở để bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công. Ngoài ra, các địa phương sớm di dời hệ thống điện cao thế, trung hạ thế. Đặc biệt ưu tiên các vị trí thi công cầu, xử lý nền đất yếu. Chủ đầu tư cũng đã đề nghị các nhà thầu trên tuyến tăng mũi để đảm bảo thi công dự án đúng tiến độ.
Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Phú Yên cho biết, đối với điểm nghẽn vướng kết cấu hạ tầng chủ yếu là lưới điện, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương di dời các vị trí ảnh hưởng trực tiếp đến thi công trước. Đảm bảo trong tháng 10/2023 sẽ di dời những vị trí ảnh hưởng trực tiếp trong thi công. Tỉnh đang tập trung giải quyết các vướng mắc về hạ tầng, nguồn vật liệu. Đối với các khu TĐC, các địa phương phải hoàn thành vào cuối tháng 9 năm nay để bố trí đất cho bà con làm nhà, bàn giao 100% mặt bằng cho chủ đầu tư.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận