Vẫn còn vướng mắc mặt bằng
Những ngày đầu tháng 9/2024, PV Báo Giao thông có mặt trên công trường thi công tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển tỉnh Nam Định (địa phận xã Xuân Ninh, huyện Xuân Trường) và ghi nhận không khí thi công nhộn nhịp, khẩn trương của các nhà thầu trên từng hạng mục.
Tại gói thầu phân đoạn Km 15+740 - Km 19+00, nhà thầu đang tập trung đắp cát, đắp gia tải, dỡ tải đoạn nền đường thông thường, thi công đá thải, cấp phối đá dăm. Đồng thời, các hạng mục lắp điện chiếu sáng, bó vỉa cứng... cũng đang được triển khai.
Tại gói thầu xây dựng cầu Lạc Quần, nhiều thiết bị máy móc được tập trung. Trong khi khối K0 (trụ T7) đang tiến hành thi công, thì đốt K0 trụ T6 chuẩn bị giàn giáo, trụ T7 đang lắp đặt xe đúc... Dưới thời tiết oi bức, hàng trăm cán bộ, công nhân kỹ thuật chăm chú, khẩn trương hoàn thiện các hạng mục của công trình.
Clip: Nhà thầu Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong đang triển khai lu lèn lớp mặt tại dự án tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển tỉnh Nam Định.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Nguyễn Mạnh Linh, Công ty Cổ phần Xây dựng hạ tầng Đại Phong cho biết, đến thời điểm hiện tại, phân đoạn 2 đã thực hiện được khoảng trên 65% tiến độ.
"Mặc dù những ngày này thời tiết nắng nóng khắc nghiệt, nhưng toàn thể cán bộ kỹ thuật và hơn 200 công nhân thi công theo ca ngày - đêm đang cố gắng để hoàn thành tiến độ đã đề ra. Chúng tôi đang phấn đấu đảm bảo tiến độ của toàn dự án theo kế hoạch thông tuyến quý II/2025", ông Linh cho biết.
Theo Ban quản lý dự án (BQLDA) đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định - đơn vị chủ đầu tư dự án, thì theo kế hoạch UBND tỉnh đã phê duyệt, toàn tuyến đảm bảo thông nền ngày 31/12/2024 và hoàn thành công trình trước 30/6/2025.
Tuy nhiên, đến nay dự án vẫn còn một số tồn tại về giải phóng mặt bằng ở vị trí khu dân cư và công trình công cộng.
Cụ thể, huyện Trực Ninh còn tồn tại 12 cột hạ thế nằm trên tuyến chính; huyện Xuân Trường, mặt bằng khu dân cư tuyến chính còn 20m (thuộc 3 hộ dân), mặt bằng dân cư tuyến nhánh còn 220m (gồm 15 hộ dân); công trình công cộng còn 6 cột điện trung thế 35kV, 10 cột điện hạ thế 22 kV.
Hội đồng GPMB đã dựng xong cột và đang đặt ống qua đường, còn phần di chuyển đường dây.
Toàn dự án đạt trên 50% giá trị hợp đồng
Ông Đinh Văn Phương, Giám đốc BQLDA đầu tư xây dựng tỉnh Nam Định cho biết, dự án xây dựng tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển có tổng chiều dài tuyến khoảng 24,7km đi qua 18 xã, thị trấn thuộc 5 huyện Nam Trực, Trực Ninh, Xuân Trường, Hải Hậu và Giao Thủy, với tổng mức đầu tư là 5.995 tỷ đồng.
Điểm đầu dự án khớp nối với dự án xây dựng đường trục phía Nam TP Nam Định (địa phận xã Nam Cường, huyện Nam Trực); điểm cuối (Km 24+662) khớp nối với nút giao tuyến đường bộ ven biển - quốc lộ 37B.
Dự án có quy mô đường cấp I đồng bằng, vận tốc thiết kế 100km/h, mặt đường 8 làn xe, kết cấu mặt đường cấp cao A1. Dự án khởi công tháng 12/2022, phấn đấu cơ bản hoàn thành quý II/2025.
Phần cầu, cống trên tuyến thiết kế đồng bộ các công trình cầu, cống cũ trên tuyến đảm bảo phù hợp với quy mô cấp đường. Riêng cầu Lạc Quần, giữ nguyên cầu cũ, xây dựng mới 1 đơn nguyên có chiều rộng B=17,0m đi bên phải cầu cũ.
Theo ông Phương, đến nay 3 gói thầu của dự án đều đảm bảo tiến độ theo hợp đồng đã ký. Giá trị khối lượng thực hiện toàn dự án đạt khoảng 50% giá trị hợp đồng. Chủ đầu tư và các nhà thầu đang nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, vướng mắc, bám tiến độ để dự án về đích đúng hẹn.
"Tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - đường bộ ven biển là tuyến đường chiến lược kết nối trung tâm TP Nam Định với các huyện phía Nam và Đông Nam của tỉnh, là trục dọc hướng tâm kết nối các tuyến vành đai I, II, III của TP Nam Định, thay thế vai trò quốc lộ 21 hiện trạng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương", ông Phương thông tin.
Dự án khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thiện mạng lưới giao thông đường bộ, hiện đại hóa hệ thống giao thông của tỉnh, kết nối thuận tiện với hệ thống giao thông khu vực và quốc gia, giảm tải cho quốc lộ 21 hiện đang rất chật hẹp.
Dự án cũng sẽ rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hóa và hành khách từ các huyện phía Nam của tỉnh đi vào trung tâm TP Nam Định, tới Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Hồng.
Đồng thời, dự án cũng mở ra không gian phát triển cho các huyện phía Nam, là điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có dự án đi qua và của tỉnh Nam Định.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận