Theo hãng tin AP, ngày 5/6, Google cho biết nhóm hackers được tổ chức của chính quyền nước ngoài tài trợ đã nhắm vào cuộc tranh cử của Tổng thống Donald Trump và cựu Phó Tổng thống Joe Biden dù công ty này không đưa bằng chứng xác thực nào cho thấy nhóm hackers này có hoạt động thành công hay không.
Google đã xác nhận những phát hiện này sau khi Shane Huntley – Giám đốc điều hành Tổ chức phân tích hiểm họa đã tiết lộ những nỗ lực chống phá của nhóm hackers ngoại quốc trong một bài tweet đăng vào thứ Năm.
Ông Huntley cho biết một tổ chức Trung Quốc được biết đến với cái tên Hurricane Panda đã nhắm vào những nhân viên hỗ trợ chiến dịch của tổng thống Donald Trump trong khi một nhóm Iran ( tên là Charming Kitten) cũng tham gia đánh cắp tài khoản của các nhân viên trong chiến dịch của Cựu Phó tổng thống Joe Biden.
Những nỗ lực chống phá như vậy thường liên quan đến các email giả mạo với các đường link được thiết kế để thu thập các mật khẩu hoặc cài đặt phần mềm độc hại vào máy tính hoặc điện thoại.
Theo tuyến bố của Google, những nỗ lực này đều nhắm vào các tài khoản email cá nhân của những nhân viên hỗ trợ trong cả hai chiến dịch.
Người đại diện của Google cho biết thêm “Sự việc này mới xảy ra gần đây cho thấy một vài người đã bị nhắm tới trong cả hai chiến dịch.” Nhưng ông không nói rõ số lượng cụ thể là bao nhiêu người.
Google cho biết công ty đã cảnh báo sẽ có một cuộc tấn công nhằm vào những nhân viên của chính phủ và cuộc tấn công này cũng liên quan đến cơ quan thực thi pháp luật liên bang.
Graham Brookie, giám đốc điều hành Phòng nghiên cứu Kĩ thuật số Pháp y thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, đã gọi thông báo này của Google là một tiết lộ lớn về các hoạt động ảnh hưởng có thể kích hoạt trên mạng, giống như một vụ tấn công mạng năm 2016.
Dòng tweet của ông Graham đã đề cập đến vụ tấn công mạng mà Hoa Kỳ cáo buộc do một nhóm người Nga nhằm vào Uỷ ban Quốc gia của đảng Dân chủ và chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Hilary Clinton vào năm 2016.
Sau đó, nhóm này đã phát hành email nội bộ trực tuyến và tung tin giả nói rằng các điều tra viên của Hoa Kỳ đã tìm cách hỗ trợ chiến dịch tranh cử của ông Trump.
Tuy nhiên, những cáo buộc nói rằng hacker Nga đã can thiệp bầu cử Mỹ cũng không có bằng chứng và Moscow cũng nhiều lần bác bỏ.
Cả hai chiến dịch tranh cử của cựu Phó tổng thống Biden và Tổng thống Donald Trump đều không công bố có bao nhiêu nhân viên bị nhóm hackers tấn công, trong khi những nỗ lực chống phá đã diễn ra và liệu việc này đã thành công hay chưa thì vẫn chưa ai rõ.
Theo Google, cả hai chiến dịch đều diễn ra cực kì kín đáo và tinh vi.
Chiến dịch của tổng thống Donald Trump đã tuyên bố “Các hackers nước ngoài đã không thành công trong việc đánh cắp tài khoản và công nghệ của các nhân viên hỗ trợ. Chúng tôi rất cảnh giác về vấn đề an ninh mạng và sẽ không thảo luận về bất kì biện pháp phòng ngừa nào cả.”
Trong khi đó, chiến dịch của cựu Phó tổng thống Biden thậm chí không xác nhận những cuộc tấn công này.
Chiến dịch của Tổng thống Trump cũng nhấn mạnh thêm rằng: “Từ các báo cáo của Google, chúng tôi nhận ra rằng các hackers nước ngoài đã thất bại trong việc truy cập vào tài khoản email các nhân của các nhân viên hỗ trợ chiến dịch”.
Từ đầu chiến dịch, chúng tôi đã lường trước việc sẽ phải chịu những cuộc tấn công như vậy và do vậy chúng tôi đã có sự chuẩn bị cho điều này.”
Nhóm hackers Hurricane Panda, còn được các nhà nghiên cứu bảo mật gọi tên là là "Ziconium" hay "APT31" - tên viết tắt của “ mối đe dọa dai dẳng cấp cao”- được chú ý đến vì hành vi trộm cắp sở hữu trí tuệ và các hành vi gián điệp khác.
Tổ chức hackers "Charming Kitten" hay còn được gọi là "Newscaster và APT35", được cho là đã tấn công vào các quan chức và doanh nghiệp của chính phủ Hoa Kỳ và Trung Đông với mục đích đánh cắp thông tin và có hành vi gián điệp.
Vào tháng 10, hãng Microsoft cho biết các nhóm hackers liên quan đến chính phủ Iran đã nhắm vào một chiến dịch tranh cử tổng thống ở Hòa Kỳ. Thời báo New York Times và hãng tin Reuters cũng đã xác định mục tiêu tấn công là chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Trump.
Tim Murtaugh, người phát ngôn của chiến dịch cho biết, “vào thời điểm đó, không có dấu hiệu nào cho thấy các cơ sở hạ tầng của chiến dịch bị tấn công.”
Keith Alexander, cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ, trong một cuộc hội thảo trực tuyến tổ chức hôm thứ Năm, có nói rằng các đối thủ địa chính trị của Hoa Kỳ sẽ tận dụng cuộc khủng hoảng Covid-19 và tình trạng bất ổn ở Mỹ để hành động.
Theo ông Keith, "đây là khoảng thời gian nhạy cảm mà các thế lực thù địch dễ dàng phát động các cuộc tấn công nhằm vào nước Mỹ và tất nhiên là trong suốt cuộc bầu cử này".
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận