Ngang nhiên chiếm hành lang, đổ đá lấp đất nông nghiệp
Hai khu đất rộng khoảng 9.000m2 bám sát QL1 đoạn Km246 – Km247 QL1A, đoạn qua xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, vốn là đất nông nghiệp, đất trống nhưng từ nhiều năm nay đã bị doanh nghiệp đổ đất, đá lấn chiếm.
Không những vậy, doanh nghiệp còn tự ý tháo dỡ công trình hạ tầng đường bộ (cọc tiêu, hộ lan) và đổ đất đá lấn chiếm cả hành lang bảo vệ kết cấu đường bộ, hành lang giao thông.
Hai khu đất bám mặt đường QL1 là đất nông nghiệp và hành lang an toàn đường bộ bị doanh nghiệp đổ đất đá san lấp mặt bằng từ năm 2018, nhưng chính quyền địa phương không xử phạt, không buộc cưỡng chế hoàn trả
Bà C. (Thôn Thanh Khê, xã Thanh Hải) bức xúc: "Chẳng hiểu sao đất dân đang sản xuất, mỗi năm cho 2 vụ lúa mà chính quyền bảo trả lại để cho Xi măng Thành Thắng họ làm khu nhà ở.
Tôi nhớ không nhầm thì lúc đó là khoảng cuối năm 2018, họ đền tiền cho dân xong là cho xe chở đất, đá về lấp liền. Tưởng là sau sẽ xây nhà, xây khu đô thị gì chứ, ai dè họ bỏ đó 4 - 5 năm nay. Dân chúng tôi nhìn đất bỏ trống mà tiếc".
Ông Trần Hưng Hà - Giám đốc Khu QLĐB I khẳng định: Bất cứ đơn vị nào khi muốn sử dụng đất hành lang, đấu nối vào QL1 thì bắt buộc phải thực hiện các quy trình lập hồ sơ thiết kế đảm bảo ATGT, phải được Bộ GTVT, Cục ĐBVN cho phép.
Khi thực hiện đủ các bước đó thì Cục QLĐB I (nay là Khu QLĐB I) mới cấp giấy phép thi công và nghiệm thu sau khi thi công đúng thiết kế.
Nếu không làm đầy đủ các bước như vậy mà làm thì đương nhiên là vi phạm, phải hoàn trả nguyên trạng.
Theo quan sát của PV, vị trí 2 khu đất nằm gần như đối xứng 2 bên đường QL1. Khu phía Đông tiếp giáp với khu đất đấu giá sát xã Thanh Hải. Khu phía Tây giáp với Phố Cà (Thanh Nguyên) và phần đất của xã Thanh Nghị.
Đây là khu vực dân cư tập trung buôn bán đông đúc và đang có xu hướng “phố hóa” do quỹ đất phát triển nhà ở phía Bắc Phố Cà đã hết. Các cửa hàng, cửa hiệu, nhà xưởng đổ dồn về phía Nam xây dựng rất nhiều.
Cả 2 khu đất này trước đây là đất trồng lúa, thấp hơn mặt đường QL1 tầm 3m. Ở hai bên đường có hệ thống cọc tiêu và hộ lan tôn lượn sóng để đảm bảo ATGT. Sau khi được san lấp bằng đất đá, nền khu đất chỉ còn thấp hơn mặt QL1 tầm 1m. Trên khu đất cỏ đã mọc um tùm.
Ông Nguyễn Văn Th. (người ở Phố Cà) cho biết: “Đất bám mặt đường QL1 này có giá lắm. Lúc đó, khoảng 100 triệu đồng/m mặt, giờ thì phải 200 triệu đồng/m mặt. Định giá vậy, nhưng tôi nghĩ phải hơn. Vì có ai bán đâu mà mua!”.
“Tôi nghe đâu họ định làm dự án nhà ở, tuy nhiên vì vướng thủ tục chuyển đổi đất nên dừng lại đến giờ. Chỗ đất này giờ định giá phải hàng trăm tỷ chứ chẳng ít!” ông Th nói.
Các vi phạm tự ý tháo dỡ hộ lan QL1, san lấp mặt bằng trong hành lang ATĐB được Chi cục QLĐB I.6 lập và đề nghị UBND huyện Thanh Liêm xử lý theo quy định từ những năm 2018, 2019.
Vi phạm nhiều năm nhưng chính quyền làm ngơ
Ông Tạ Văn Vĩnh, Trưởng văn phòng Quản lý đường bộ I.6, cho biết: Đoạn Km246 - Km247 QL1, địa bàn xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam, có một số đoạn là nền đường đắp, hai bên là đất trống, đất trồng lúa.
Giai đoạn năm 2018 - 2019, có xảy ra một số trường hợp đối tượng tự ý san, lấp mặt bằng trong phạm vi hành lang an toàn đường bộ; tự ý tháo dỡ hộ lan tôn sóng làm lối ra vào để san, lấp mặt bằng. Chi cục QLĐB I.6 (nay là Văn phòng QLĐB I.6) đã phối hợp với Công ty CP Quản lý và XDCTGT 236 (đơn vị duy tu) lập biên bản vi phạm hành chính và tổ chức cưỡng chế bằng cách rào lại toàn bộ hộ lan tôn sóng để ngăn chặn vi phạm, đảm bảo ATGT.
Ngoài ra, Văn phòng QLĐB I.6 đã có các văn bản đề nghị UBND huyện Thanh Liêm xử lý các vi phạm theo quy định. Đồng thời, đề nghị địa phương tiến hành cưỡng chế buộc hoàn trả lại hiện trạng phần đất nằm trong hành lang an toàn đường bộ. Tuy nhiên, không hiểu vì sao đến nay, các vi phạm san, lấp mặt bằng vẫn còn tồn tại.
Thừa nhận có câu chuyện như người dân phản ánh, ông Trần Văn Thắm, Chủ tịch UBND xã Thanh Hải cho biết: Hai khu đất đó vốn là đất nông nghiệp, trồng lúa 2 vụ, diện tích là hơn 9.000m2. Năm 2018, tỉnh có chủ trương cho Công ty Xi măng Thành Thắng xây dựng khu nhà ở. Sau đó, họ đã cho đổ đất đá, san lấp nâng cốt nền. Việc này cũng được tỉnh cho phép.
Tuy nhiên, khi PV đề nghị được xem các loại hồ sơ giấy tờ liên quan thì ông Thắm từ chối và nói tất cả đều ở trên huyện và trên tỉnh.
Về việc tại sao doanh nghiệp thi công trên đất nông nghiệp chưa chuyển đổi mục đích sử dụng, xâm phạm lành lang giao thông mà chính quyền địa phương lại không đình chỉ, xử phạt, ông Thắm hỏi ngược: “Xử phạt cái gì? Cái đấy có chủ trương bên trên, có thông báo GPMB mới thu hồi, mới làm. Nguồn gốc đất là đất nông nghiệp. Hội đồng GPMB của huyện đứng ra đền bù cho dân. Họ giờ đang làm hồ sơ, chờ đấu giá đất nữa là xong".
Để tiếp cận hồ sơ, PV đã nhiều lần đến UBND huyện Thanh Liêm để đặt lịch làm việc. Tuy nhiên, không hiểu lý do gì lãnh đạo huyện luôn báo bận họp. Sau 10 ngày đăng ký lịch làm việc tại văn phòng, PV vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía chính quyền.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận