Xe tải chở cát từ các bãi tập kết ra vào liên tục trên mặt đê, thậm chí nhiều xe không phủ bạt vẫn ngang nhiên tung hoành |
Xe tải “cày nát” mặt đê
Với chiều dài hơn 40 km, tuyến đê Hữu Hồng kéo dài qua hai huyện Duy Tiên và Lý Nhân (tỉnh Hà Nam) là tuyến đê cấp I. Ngoài nhiệm vụ thủy lợi, tuyến đê này còn là tuyến giao thông nối liền hai tỉnh Hà Nam - Nam Định.
Tuy nhiên, nhiều năm trở lại đây, do lượng xe tải chở vật liệu xây dựng “tung hoành” suốt ngày đêm khiến con đê này xuống cấp nghiêm trọng. Hơn 12km mặt đê qua huyện Lý Nhân đang bị gãy nát, bong tróc, sụt lún. Ông Vũ Văn Quang (xã Phú Phúc, huyện Lý Nhân) chia sẻ: “Tình trạng này diễn ra khoảng 3-4 năm nay, khiến người dân địa phương bức xúc. Nhiều lần người dân kiến nghị đến các ngành chức trách, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục”.
Ông Nguyễn Đình Thuấn, Phó chi cục Thủy lợi tỉnh Hà Nam cho biết: “Hàng năm, chúng tôi thường xuyên tu sửa lại mặt đê, nhưng do nguồn kinh phí có hạn nên mỗi đợt tu sửa chỉ được 1 - 2km. Chi cục cũng nhiều lần đề xuất việc xây dựng các trụ bê tông để ngăn xe quá tải nhưng không được chấp thuận, có lẽ một phần do có nhiều nhà máy gạch và bãi cát đóng trên địa bàn. Năm tới, Chi cục sẽ tìm nguồn vốn để tu sửa lại toàn bộ những điểm đê bị hư hỏng nặng và phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải lưu thông trên đê”. |
Ngày 22/12, PV Báo Giao thông có mặt trên tuyến đê Hữu Hồng qua huyện Lý Nhân và Duy Tân. Tại đây, PV ghi nhận tình trạng xe tải nườm nượp chạy trên đê, ra vào các bãi cát, nhà máy gạch ở gần bãi sông.
Dọc tuyến đê có gần 10 nhà máy gạch và khoảng 30 bãi cát đóng trên địa bàn. Xe tải chở đầy quá thành thùng, không che đậy chạy suốt ngày đêm, chủ yếu là các xe tải lớn khiến mặt đê qua các xã Nhân Thịnh, Phú Phúc, Hòa Hậu (huyện Lý Nhân) bị xới tung, gãy khúc kéo dài hàng trăm mét, bụi bay mù mịt, mặt đê đầy ổ voi, ổ gà gây mất ATGT.
Ông Trần Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Phú Phúc (huyện Lý Nhân) cho biết: “Đê Hữu Hồng xuống cấp cách đây khoảng 3 - 4 năm. Nguyên nhân chính là do xe tải ra vào các bãi cát, nhà máy gạch rồi chạy trên mặt đê với số lượng lớn, thường xuyên, liên tục.
Việc đê bị hư hỏng ảnh hưởng rất lớn đến thủy lợi và cuộc sống của người dân địa phương. Trong các cuộc họp tiếp xúc cử tri, chúng tôi thường xuyên đề cập đến việc tu sửa tuyến đê”.
Mặt đê Hữu Hồng gãy nát, xuống cấp nghiêm trọng |
Gian nan xử lý xe quá tải
Liên quan đến việc xử lý vi phạm đối với các xe tải lưu thông trên đê Hữu Hồng, Thiếu tá Phạm Ngọc Hưng, Đội trưởng Đội CSGT huyện Lý Nhân cho hay: “Hai năm nay, tình trạng xe tải chở vật liệu xây dựng chạy trên đê có xu hướng giảm. Đơn vị luôn có một tổ công tác gồm 4 người thường xuyên tuần tra trên đê, phát hiện trường hợp vi phạm chở quá tải sẽ lập tức xử lý. Tuy nhiên, do mặt đê bị gãy, lực lượng mỏng, trên địa bàn có nhiều ngách giao thông nhỏ lẻ nên việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Nhiều lúc phát hiện tổ công tác, tài xế xe tải liền bỏ chạy theo các ngách giao thông nhỏ dọc đê khiến việc bắt quả tang, xử lý vi phạm rất khó”.
“Có những đợt cao điểm, chúng tôi tổ chức phối hợp với Phòng CSGT tỉnh và lực lượng thanh tra để tiến hành xử lý vi phạm. Cụ thể, năm 2015, Đội đã xử lý 50 trường hợp vi phạm giao thông trên đê Hữu Hồng, năm 2016 xử lý 30 trường hợp và tính đến thời điểm hiện tại của năm 2017 đã xử lý 30 trường hợp. Tuy số lượng vi phạm trên tuyến đê có giảm nhiều nhưng thời gian tới chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường để xử lý dứt điểm tình trạng xe quá tải lưu thông trên đê”, Thiếu tá Hưng cho biết thêm.
Được biết, năm 2011, UBND tỉnh Hà Nam đã phê duyệt dự án mở rộng nâng cấp, cải tạo đê Hữu Hồng kết hợp phát triển giao thông với tổng kinh phí đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay dự án mới chỉ thực hiện được hạng mục kè bờ đê rồi đình lại do thiếu nguồn vốn.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận