Thời gian gần đây, trên nhiều tuyến đường tại TP Hà Nội xuất hiện tình trạng xe có biểu hiện quá tải, cơi nới thành thùng, gắn logo doanh nghiệp hoạt động rầm rộ.
Những chiếc xe này thường xuyên làm rơi vật liệu như cát, sỏi, đất xuống đường.
Nhiều chiếc xe biểu hiện quá khổ, quá tải “vô tư” tấp nập xuôi ngược tại đê tả sông Hồng (đoạn từ cầu Thanh Trì đi Bát Tràng, thuộc xã Đông Dư, huyện Gia Lâm)
Đê sông Hồng oằn mình gánh xe siêu trường, siêu trọng
Những ngày cuối tháng 3/2022, có mặt tại đê tả sông Hồng (đoạn từ cầu Thanh Trì đi Bát Tràng thuộc xã Đông Dư, huyện Gia Lâm), chỉ hơn 1 tiếng đồng hồ, PV Báo Giao thông ghi nhận gần 100 lượt xe siêu trường, siêu trọng có biểu hiện quá tải, quá khổ chở vật liệu xây dựng đi lại tấp nập.
Được biết, lực lượng chức năng đã cắm biển cấm xe trọng tải trên 18 tấn hoạt động tại tuyến đê này, nhưng không hiểu vì sao những chiếc xe nhãn hiệu HOWO, DONGFENG 3, 4 đến 5 chân (ước tính trọng tải từ 30 - 40 tấn) chất “có ngọn” đất, cát, sỏi, thậm chí là đá hộc vẫn “vô tư” xuôi ngược.
Việc chất “có ngọn” cùng với che đậy sơ sài nên không khó ghi nhận cảnh tượng đất, cát, thậm chí là sỏi rơi vãi từ thùng những chiếc xe siêu trường, siêu trọng xuống đường.
Hậu quả là đoạn đường đê tả Sông Hồng (đoạn từ cầu Thanh Trì đi Bát Tràng thuộc xã Đông Dư, huyện Gia Lâm) luôn trong tình trạng bụi bay mịt mù.
Ghi nhận cho thấy, có một số xe chở đá hộc nhưng cũng chất đầy ắp, che chắn không cẩn thận. Nếu không may những chiếc xe này phanh gấp thì rất có thể những hòn đá lớn sẽ rơi xuống đường trúng người tham gia giao thông.
Đáng chú ý, những chiếc xe biểu hiện quá khổ, quá tải, siêu trường, siêu trọng hoạt động tại đây thường gắn trước kính chắn gió logo dễ nhận diện như: Minh Tâm, PTH, SOLTECH, AB, bê tông Thành Công…
Cụ thể, các xe dán logo Minh Tâm mang BKS: 89C-251.87; 88C-172.63; 20C-213.03. Các xe logo SOLTECH: 89C-108.65; 29H-794.85; 99C-277.49; 29C-502.15. Các xe logo AB đeo BKS: 29C-067.19; 29H-795.62; 89C-044.44; 89H-019.84. Các xe logo Hưng Hà: 89C-243.92; 88C-117.06…
Bà Nguyễn Thị Xuân (trú tại xã Đông Dư, huyện Gia Lâm) - người thường xuyên di chuyển qua đoạn đê này cho biết, người dân cảm thấy bất an khi phải di chuyển trên cung đường có nhiều xe trọng tải lớn hoạt động ngày đêm.
“Không những vậy, vật liệu thường xuyên rơi vãi xuống đường”, bà Xuân nói và cho biết, mấy hôm trước có vụ tai nạn liên quan đến xe trọng tại lớn với xe máy tại cung đường này.
Theo bà Xuân, người dân sinh sống tại đây cũng đã ý kiến đến chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết triệt để.
Nhiều ngày có mặt tại đây, PV nhận thấy, nguyên nhân dẫn đến đê tả sông Hồng (đoạn từ cầu Thanh Trì đi Bát Tràng thuộc xã Đông Dư, huyện Gia Lâm) xuất hiện xe siêu trường, siêu trọng hoạt động nhiều là ở ven đê (phía ngoài) có nhiều bến bãi tập kết vật liệu. Để thuận lợi cho xe chở vật liệu ra vào, nhiều đoạn triền đê đã bị xẻ thành đường đi xuống bãi.
Trao đổi với PV, đại diện Đội CSGT - trật tự, Công an huyện Gia Lâm cho biết, huyện Gia Lâm và các địa phương lân cận đang trong quá trình xây dựng nên không tránh khỏi các xe trọng tải lớn hoạt động.
“Tại đê sông Hồng qua xã Đông Dư có nhiều điểm tập kết vật liệu xây dựng nên có hiện tượng xe tải ra vào. Quá trình tuần tra, xử lý tại đây gặp nhiều khó khăn vì lực lượng có hạn, không thể 24/24h túc trực. Thậm chí, khi lực lượng chức năng đi tuần tra thì có các đối tượng theo dõi và báo cho các lái xe”, vị này cho hay.
QL21A bị bủa vây bởi xe dán logo
QL21A (đoạn từ nút giao Hòa Lạc đi qua các xã Phú Cát và Hòa Thạch, huyện Quốc Oai) rất nhiều chiếc xe biểu hiện quá khổ, chất “có ngọn” vật liệu xây dựng (đất, đá, cát, sỏi)
Tương tự, có mặt tại QL21A (đoạn từ nút giao Hòa Lạc đi qua các xã Phú Cát và xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai), PV cũng ghi nhận cảnh tượng những “binh đoàn” xe biểu hiện quá tải, cơi nới thành thùng “lũ lượt” nối đuôi nhau “hành quân”.
Không mất quá nhiều thời gian (ước tính gần 1 tiếng đồng hồ), PV đã ghi nhận hơn 40 chiếc xe (từ 3, 4 đến 5 chân) chở vật liệu xây dựng như cát, sỏi, đất, đá đi qua đây.
Điển hình như xe mang logo Cường Thịnh: 29C-752.04; 29C-345.40; 29H-736.52. Logo HC gắn với các xe: 29H- 704.40; 23H-733.23; 29H-720.77; 29H-705.29; 29H-736.52. Logo CP – Ba Vì gắn trên các xe: 29C-751.68; 29H-752.69; 29C-804.44; 29H-751.51. Logo Hoàng Hà được gắn trên các xe: 29H-106.48; 29H-795.22...
Hình ảnh những chiếc xe chở đá hộc chất cao chót vót, nhiều viên đá lớn thò ra quá nửa thành thùng; những chiếc xe 4 đến 5 chân đắp ngọn cao ngất ngưởng bởi đất, cát không phải hiếm gặp trên QL21A đoạn qua huyện Quốc Oai. Xe chạy nhanh gặp phải đoạn đường xấu, hay gặp phải chướng ngại vật phanh gấp đánh rơi đất, cát xuống đường cũng là hình ảnh thường xuyên đập vào mắt người đi đường.
“Không hiểu vì sao những chiếc xe chở đầy ắp đất cát, sỏi, đá hộc, không che chắn cẩn thận lại có thể đi lại vô tư trên đường như thế?”, anh Cao Anh Đức, một người dân địa phương bức xúc.
Trao đổi với PV Báo Giao thông, Đại úy Phạm Văn Luyến, Phó đội trưởng Đội CSGT số 11, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội (đơn vị phụ trách tuần tra kiểm soát QL21A) cho biết, công tác tuần tra xử lý vi phạm gặp nhiều khó khăn.
“Số km đường nhiều mà lực lượng chức năng mỏng, lượng người ít. Khi lực lượng CSGT tuần tra kiểm soát có các đối tượng “chim lợn” báo đến các lái xe nên cũng gây khó khăn trong việc xử lý. Khi tiến hành dừng xe, nhiều đối tượng cố tình không hợp tác, thậm chí dùng mối quan hệ để tác động”, Đại úy Phạm Văn Luyến cho hay.
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận