Nhiều bãi trông giữ phương tiện vi phạm giao thông của TP Hà Nội đang quá tải. Có những xe vi phạm phơi mưa, phơi nắng nhiều năm nhưng không có chủ đến nhận cũng như chưa thể thanh lý. |
Tại bãi xe của Công ty Hà Cầu - Thăng Long thuộc Hiệp hội Doanh nghiệp của thương binh và người khuyết tật Việt Nam, địa chỉ tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông (đơn vị ký hợp đồng trông giữ xe vi phạm, xe tai nạn với công an một số quận, Đội CSGT và một số Tổ công tác đặc biệt 141 Công an TP Hà Nội), hàng nghìn chiếc xe máy đủ loại từ mới đến cũ nát được tập kết, chất đống. |
Người trông giữ xe cho biết, đa phần xe ở đây đã nhiều năm. Rất nhiều xe bị cây cỏ, cây dây leo quấn chằng chịt. Phóng viên khá bất ngờ vì khó có thể hình dung đây là khu trông giữ xe vi phạm. |
Các xe được tập kết ở đây có đủ chủng loại, nhãn hiệ. Không ít xe thuộc dòng xe đắt tiền, cao cấp như Honda SH, Vespa LX... |
Ông Nguyễn Văn Thốn, Giám đốc Công ty Hà Cầu - Thăng Long cho biết, rất nhiều xe đã ở đây hơn 3 năm, thậm chí không thiếu những chiếc xe đã "tạm trú" hơn chục năm mà chủ sở hữu chưa đến nhận. |
"Có những xe lúc vào đây còn rất mới, có nhãn hiệu nổi tiếng, đắt tiền, nhưng qua nhiều năm đã bị xuống cấp", ông Thôn nói. |
Mỗi năm lượng xe máy ở bãi của Công ty Hà Cầu - Thăng Long lại tăng lên, chính vì thế đơn vị này đã phải bỏ thêm chi phí làm lán xưởng để có chỗ để xe vi phạm. |
Hiện nay bãi xe của Công ty Hà Cầu đang trông giữ hơn 3 nghìn chiếc xe máy vi phạm giao thông. |
Ông Thốn cho biết, dù đã làm hồ sơ để thanh lý những chiếc xe "vô chủ", nhưng vì nhiều lý do (về thủ tục, dịch bệnh Covid-19), mà gần 3 năm nay chưa thể tiến hành đấu giá được một chiếc xe máy nào. |
Bãi để xe vi phạm tại Mỹ Đình của Đội CSGT số 6 (Phòng CSGT Công an TP Hà Nội) cũng trong hoàn cảnh chật kín xe máy. |
Những chiếc xe máy tại đây cũng bị bụi phủ một lớp dày bởi đã quá lâu rồi người vi phạm không đến làm thủ tục nộp phạt để lấy xe ra. |
"Có nhiều lý do để người vi phạm không đến lấy xe, như mức phạt cao tương đương với giá trị xe hoặc người điều khiển không đủ các loại giấy tờ theo quy định, xe đã bị thay đổi kết cấu, chế độ các bộ phận", nhân viên trông giữ xe ở đây cho hay. |
Một cán bộ Đội CSGT số 6 (Công an TP Hà Nội) cho biết, hiện quy định thời hạn người vi phạm phải đến chấp hành xử phạt lấy xe bị tạm giữ về đã được rút ngắn còn 30 ngày (trước đây là 1 năm). Tuy nhiên, theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính, đối với trường hợp cần phải điều tra, xác minh (xe gian, xe nghi tang vật) sẽ mất nhiều thời gian, có thể lên tới 90 ngày. |
Khi chiếc xe được xác định vô chủ, quy trình tịch thu, đấu giá, tiêu hủy hiện khá phức tạp, nên tính từ thời điểm xe bị tạm giữ đến khi xử lý được, ít nhất mất hơn một năm. Vì thế, các bãi trông giữ xe vi phạm "vơi ít, thêm nhiều", ngày càng quá tải. “Phải lập hội đồng định giá gồm đại diện công an, tài chính, tư pháp, để ra quyết định tịch thu xe. Tiếp theo là khâu định giá, xem chiếc xe sau khi lưu kho từng đấy ngày, thì giá trị sử dụng được bao nhiêu, rồi mang giá trị này so với giá xe mới, để đưa ra một con số hợp lý nhất, sau đó mới đưa ra đấu giá”, vị cán bộ này cho hay. |
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận