Ông Lê Xuân Tiến, Phó chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội
Mức xử phạt cao nhưng xe quá tải vẫn nhan nhản
Sau một thời gian “giảm nhiệt”, xe quá tải đang có dấu hiệu tái diễn trên địa bàn thành phố. Ông đánh giá thế nào về tình trạng này?
Trong năm 2021, Thanh tra Sở GTVT đã chủ động xây dựng các chương trình, kế hoạch, phối hợp cùng các phòng nghiệp vụ của Công an Thành phố như: Phòng CSGT, Cảnh sát Môi trường, Cảnh sát Kinh tế cùng Công an các quận, huyện, thị xã và chính quyền, các cơ quan chức năng tăng cường kiểm soát tải trọng phương tiện; Tập trung lực lượng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của chủ phương tiện, đơn vị kinh doanh vận tải và người lái xe về quá khổ, quá tải, vi phạm kích thước thành thùng, vệ sinh môi trường giao thông...
Với sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, công tác kiểm soát tải trọng phương tiện trong thời gian qua đã đạt được những kết quả rất khả quan, vi phạm về tải trọng phương tiện và vệ sinh môi trường giao thông trên địa bàn giảm rõ rệt.
Tuy nhiên, do Hà Nội đang trong quá trình đô thị hóa, nhu cầu vận chuyển vật liệu, phế liệu xây dựng… rất lớn nên vẫn có những DN hay cá nhân bất chấp quy định, tự ý cơi nới thành thùng, chở quá tải, gây mất TTATGT, ô nhiễm môi trường. Do đó, cần phải kiên trì, đấu tranh để kiềm chế và tiến tới xóa bỏ hẳn loại hình vi phạm này.
Công tác xử lý xe quá khổ, quá tải thời gian qua gặp những khó khăn gì, thưa ông?
Nhiều Đội Thanh tra GTVT chỉ có 8, 9 người, cân kiểm tra tải trọng thiếu, trong khi địa bàn trải rộng với nhiều tuyến đường lớn nhỏ chằng chịt khiến công tác tuần tra, kiểm soát rất khó khăn.
Bên cạnh đó, nhiều lái xe, chủ xe thường có thái độ chống đối, không chấp hành việc kiểm tra, xử lý, thậm chí gây nguy hiểm cho lực lượng làm nhiệm vụ.
Đặc biệt, những năm gần đây còn xuất hiện tình trạng xe tải tự ý lắp đặt thùng container, nguỵ trang đậy kín để chở cát đá, nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Hiện tượng đó đồng thời cũng cho thấy, người vi phạm đang ngày càng sử dụng nhiều “mánh” tinh vi hơn, gây khó khăn hơn gấp bội cho lực lượng chức năng.
Do bị cấm hoạt động trong khu vực nội thành trong giờ hành chính nên đa số các phương tiện phải hoạt động ban đêm, các lực lượng làm nhiệm vụ càng ít hơn nên một số lái xe, chủ phương tiện cũng lợi dụng để không hợp tác với lực lượng kiểm tra.
Đa số các tuyến đường trên địa bàn thành phố có mặt cắt ngang đường rất hẹp, khi dừng phương tiện kiểm tra có thể gây ảnh hưởng đến giao thông đi lại nên rất khó khăn khi kiểm tra phương tiện.
Trong khi đó, các lực lượng chức năng của thành phố hiện đang phải kiểm soát tải trọng bằng cân xách tay di động, trạm cân di động nên hiệu quả còn chưa cao.
Nhanh chóng lắp đặt 15 trạm cân tự động
Chiếc xe này có chiều cao thùng theo thiết kế là 50cm nhưng khi ra đường cao khoảng gấp 3 lần (Chụp tại đường Xuân Phương, Hà Nội). Ảnh: Huy Lộc
Để dần khắc phục tình trạng xe quá tải “lộng hành”, Hà Nội đang có kế hoạch lắp đặt 15 trạm cân tự động, kiểm soát xe quá tải trọng. Kế hoạch này đang được triển khai đến đâu, thưa ông?
Trên cơ sở thống nhất của liên ngành, Sở GTVT đã kiến nghị và được thành phố chấp thuận chủ trương lập dự án đầu tư lắp đặt trạm cân tự động tại 15 vị trí bằng nguồn vốn ngân sách.
Trong đó, có những vị trí được coi là “điểm nóng” vi phạm tải trọng như: QL3, QL2, QL21, QL21B, QL32, QL6, đường đi Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, đường Võ Văn Kiệt, đầu bờ Bắc cầu Thăng Long, đường Tây Tựu, đường 429, đường Hồ Chí Minh…
Hiện tại, TP Hà Nội đã đưa vào kế hoạch đầu tư trong năm 2021, thí điểm trước 4 trạm kiểm soát tải trọng xe tự động bao gồm: Vị trí đầu bờ Bắc cầu Thăng Long; tuyến QL32 (đoạn thuộc địa bàn TX Sơn Tây); đường Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) và đường Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai). Hệ thống cân mà Hà Nội dự kiến đầu tư cũng tương tự như mô hình của Tổng cục Đường bộ VN đang áp dụng trên QL5.
Cụ thể, các trạm cân này hoạt động như thế nào, thưa ông?
Đây là hệ thống cân kiểm soát tải trọng xe tự động hiện đại nhất nước, vì không cần lực lượng túc trực tại chỗ như với loại hình cân tải trọng cũ. Với camera chuyên dụng, tích hợp thiết bị cảm biến đặt dưới mặt đường, hệ thống cân tự động kiểm soát các thông tin, như: Tên chủ xe, khối lượng hàng hóa được phép chở, kích thước thành thùng… sau đó sẽ tự động phân tích, tính toán phương tiện có vi phạm tải trọng không. Nhờ công nghệ hiện đại, hệ thống cân này có thể tính tải trọng xe ở trạng thái dừng hoặc di chuyển ở vận tốc đến 80km/h trong 3-10 giây.
Về lâu dài, theo ông cần giải pháp gì để kiểm soát xe quá tải bền vững, tránh tình trạng tái diễn như thời gian qua?
Ngoài đầu tư các hệ thống trạm cân tự động, Thanh tra Sở GTVT tiếp tục quán triệt đến cán bộ, thanh tra viên, nhân viên thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT, UBND Thành phố trong công tác kiểm soát tải trọng phương tiện, các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô trên địa bàn; chấp hành nghiêm kỷ cương hành chính, kỷ luật trong thực thi công vụ, nhiệm vụ; không bao che, dung túng hoặc bỏ qua vi phạm của các tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận chuyển hàng hóa.
Tiếp tục chỉ đạo lực lượng Thanh tra Sở phối hợp với lực lượng CSGT, CSTT, CSHS, CSMT tập trung kiểm soát tải trọng phương tiện ngay tại các đầu mối bốc, xếp hàng hóa, nơi phát sinh nguồn hàng.
Thành lập Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa bằng xe ô tô đối với các đơn vị vận tải có nhiều phương tiện thường xuyên vi phạm để kiến nghị Sở GTVT xử lý trách nhiệm đối với đơn vị vận tải vi phạm theo quy định.
Tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện nội dung cam kết đã ký của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, các đầu mối bốc xếp hàng hóa trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về kiểm soát tải trọng phương tiện và xếp hàng hóa lên xe ô tô, xem xét tạm thời tước quyền sử dụng phù hiệu, Giấy phép kinh doanh vận tải đối với các doanh nghiệp có nhiều phương tiện vi phạm hoặc có phương tiện vi phạm nhiều lần.
Cảm ơn ông!
Bình luận bài viết (0)
Gửi bình luận